Mới đây, Bộ GTVT có văn bản về việc cung cấp thông tin gửi Giáo sư Nguyễn Ngọc Trân về việc sử dụng cát biển thay thế cát sông làm vật liệu san lấp cho các dự án giao thông trọng điểm.
Theo đó, Bộ này có thông tin lại về thông tin một số báo chí phản ánh tình trạng một số hộ dân tại Ấp 9, xã Vị Thắng, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang có diện tích lúa Đông Xuân bị ảnh hưởng làm giảm năng suất lúa do Dự án cao tốc thi công sử dụng cát biển nhiễm mặn.
Bộ GTVT cho biết, đoạn tuyến chính cao tốc Cần Thơ - Cà Mau đang sử dụng duy nhất nguồn vật liệu cát đắp từ các mỏ cát sông được UBND các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long cấp cho Dự án theo cơ chế đặc thù.
Quá trình khai thác, vận chuyển để đưa vật liệu cát về thi công công trình được kiểm soát nghiêm ngặt, chặt chẽ bởi nhiều cơ quan, đơn vị liên quan.
Các đơn vị của địa phương đã kiểm soát việc đăng ký phương tiện vận chuyển của nhà thầu, lắp đặt định vị hành trình phương tiện vận chuyển, lắp đặt camera giám sát thiết bị khai thác.
Chủ đầu tư, tư vấn giám sát, các nhà thầu phải thực hiện thí nghiệm vật liệu trước khi chấp thuận nguồn, khi đưa cát về công trường đều được thí nghiệm thành phần hạt, các chỉ tiêu cơ lý theo quy định của chỉ dẫn kỹ thuật và phải được tư vấn giám sát, chủ đầu tư ký chấp thuận và kiểm soát theo tần suất.
Ngoài ra còn có sự kiểm soát của các cơ quan khác về nguồn gốc xuất xứ, hoá đơn chứng từ...
“Về sử dụng cát biển để thi công thí điểm mở rộng, dự kiến cuối tháng 6-2024 mới có thể bắt đầu khai thác” – văn bản nêu.
Từ đó, Bộ GTVT cho rằng các thông tin về việc có diện tích lúa giảm năng suất do Dự án cao tốc thi công sử dụng cát biển nhiễm mặn như một số báo chí phản ánh là chưa có cơ sở.
Để xác định nguyên nhân gây thiệt hại (nếu có), Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ NN&PTNT chủ trì, phối hợp với Bộ TN&MT, Bộ GTVT và các cơ quan liên quan làm rõ.
“Bộ GTVT sẽ phối hợp với Bộ NN&PTNT, Bộ TN&MT và địa phương khảo sát, đánh giá, xác định nguyên nhân theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và sẽ thông tin đến Giáo sư” – văn bản nêu.