Bộ GTVT hủy đấu thầu quốc tế cao tốc Bắc-Nam

Ngày 24-9, Bộ GTVT cho biết các ban quản lý dự án vừa thực hiện xong việc chấm sơ tuyển nhà đầu tư tại tám dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam theo hình thức công-tư (PPP).

Tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong nước

“Sau khi đánh giá trách nhiệm pháp lý quy định tại hồ sơ mời sơ tuyển quốc tế đã phát hành và Luật Đấu thầu, trên cơ sở thống nhất của các cơ quan liên quan, Bộ GTVT quyết định hủy sơ tuyển theo hình thức đấu thầu rộng rãi quốc tế và điều chỉnh hồ sơ mời sơ tuyển phù hợp với hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước…” - Bộ GTVT cho hay.

Theo Bộ GTVT, động thái trên cũng nhằm mục đích triển khai thành công dự án trọng điểm của quốc gia. Đặc biệt, nó sẽ phát huy nội lực, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp (DN) trong nước tham gia đầu tư dự án và phát triển năng lực DN Việt Nam trong lĩnh vực xây dựng kết cấu hạ tầng.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, một đại diện Bộ GTVT cho biết thêm: Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc thu hút các nhà đầu tư quốc tế cho dự án gặp khó khăn. Trong đó có việc hệ thống pháp luật Việt Nam chưa phù hợp với thông lệ quốc tế. Chẳng hạn, theo thông lệ quốc tế, các dự án PPP giao thông thường có bảo lãnh chính phủ. Nhiều nhà đầu tư khi tìm hiểu cũng đề nghị như vậy nhưng Chính phủ không chấp nhận.

Trong khi đó, nhiều DN trong nước cũng quan tâm, đề nghị tham gia. Tuy nhiên, nếu đấu thầu quốc tế thì khó mà cạnh tranh được, chủ yếu do lãi suất tín dụng trong nước cao… Nên Bộ đưa ra quyết định trên, việc hủy sơ tuyển này là dựa trên quy định pháp luật, không có bất kỳ vướng mắc nào.

PV đặt câu hỏi: Với những bất cập trong BOT giao thông thời gian qua thì liệu có thể hấp dẫn, thu hút nhà đầu tư trong nước cho dự án? Vị đại diện này cho rằng vẫn thu hút được nhà đầu tư trong nước vì vừa qua Chính phủ có nhiều chỉ đạo tháo gỡ.

“Đây là tuyến đường mới hoàn toàn, triển khai BOT sẽ thuận lợi hơn là đường độc đạo, đường hiện hữu như thời gian vừa qua. Ngoài ra, công trình này thu hút BOT thông qua đấu thầu chứ không phải chỉ định thầu như trước. Do đó sẽ minh bạch, công khai, cạnh tranh hơn. Ngoài ra, không đấu thầu dự án mà đấu thầu trên cơ sở hồ sơ thiết kế kỹ thuật, kèm theo các điều khoản kiểm soát các tình huống phát sinh. Như vậy, quản lý nhà nước sẽ chặt, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, nhà thầu sẽ rõ ràng hơn…” - vị đại diện Bộ GTVT khẳng định.

Cao tốc Bắc-Nam có tám dự án đầu tư theo hình thức công-tư (PPP). Ảnh: V.LONG

“Bộ GTVT đã rất dũng cảm”

Ông Trần Văn Thế, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Đèo Cả, cho rằng tuyến đường bộ cao tốc Bắc-Nam có vai trò quan trọng, ảnh hưởng quốc phòng, an ninh…, vì vậy việc Bộ GTVT chuyển đấu thầu quốc tế sang đấu thầu trong nước là hoàn toàn hợp lý.

Để công tác đấu thầu trong nước hiệu quả, ông Thế cho rằng tới đây cần có giải pháp đồng bộ của các bộ, ngành. Đặc biệt, trong quá trình lập và phê duyệt báo cáo khả thi dự án phải có sự tham gia của ngân hàng để đánh giá tính hiệu quả của dự án.

“Ví dụ, dự án Hữu Nghị - Chi Lăng vừa qua Nhà nước bảo hiệu quả nhưng ngân hàng lại bảo không, như vậy việc đánh giá hiệu quả kinh tế chưa tương đồng nên ngân hàng yêu cầu Nhà nước phải bổ sung nguồn vốn hỗ trợ. Vì vậy, tôi kiến nghị phải cho ngân hàng (cụ thể là Ngân hàng Nhà nước) tham gia ngay từ đầu cùng cơ quan nhà nước để đánh giá hiệu quả kinh tế từng dự án. Bởi nếu vênh nhau về kết quả đánh giá hiệu quả kinh tế thì phải lập và phê duyệt dự án lại từ đầu, gây mất rất nhiều thời gian” - ông Thế nhận định.

Liên quan đến phần vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư (20% tổng vốn đầu tư dự án), theo ông Thế, nếu liên danh, liên kết các nhà thầu sẽ đảm bảo được yêu cầu. Riêng vốn tín dụng, Nhà nước cần tạo các điều kiện cho các ngân hàng thương mại để đủ năng lực cấp vốn cho dự án.

Tuy nhiên, TS Nguyễn Việt Hùng, nguyên Vụ trưởng Vụ Quản lý đấu thầu, Bộ KH&ĐT, cho rằng việc đấu thầu trong nước hay quốc tế cần xem xét các quy định hiện hành. Tuy nhiên, việc đấu thầu quốc tế chuyển sang trong nước “nghe không thuận”. Bởi thông thường đấu thầu trong nước không có nhà đầu tư, lúc đó mới đấu thầu quốc tế nhưng giờ Bộ GTVT làm ngược.

Trong khi đó, TS Nguyễn Hữu Đức, chuyên gia giao thông, cho rằng Bộ GTVT thừa nhận thất bại trong đấu thầu quốc tế là rất dũng cảm. Việc thất bại có thể do chính sách hiện hành trong nước chưa hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài.

Vị chuyên gia cũng nhận định hiện nay các nhà đầu tư trong nước nắm bắt kỹ thuật nhanh, công nghệ hiện đại… nên năng lực và kinh nghiệm không phải vấn đề đáng lo ngại.

Khó khăn hiện nay của các DN trong nước là vốn. Trước đây các DN chủ yếu vay ngân hàng, tuy nhiên các ngân hàng lại huy động vốn ngắn hạn của dân, trong khi đó dự án giao thông kéo dài vài chục năm. “Để giải quyết vấn đề về vốn, tôi cho rằng Chính phủ cần có chính sách thu hút tiềm lực trong dân, như các nước trên thế giới…” - TS Đức nêu ý kiến.

Bộ GTVT thông tin: Kết quả chấm sơ tuyển nhà đầu tư tại tám dự án đầu tư cao tốc Bắc-Nam theo hình thức công-tư (PPP), có bốn dự án không có nhà đầu tư vượt qua sơ tuyển, hai dự án có duy nhất một nhà đầu tư vượt qua sơ tuyển, một dự án có từ hai nhà đầu tư và một dự án có ba nhà đầu tư vượt qua sơ tuyển.

Dựa vào kết quả sơ tuyển trên, Bộ GTVT nhận định: Số lượng nhà đầu tư vượt qua sơ tuyển không nhiều, tính cạnh tranh không cao. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới