Thứ trưởng Bộ GTVT: Tăng công suất khai thác cát biển để giảm 'sức ép' cát sông

(PLO)- Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm phân tích nếu đẩy mạnh khai thác cát biển thì nhu cầu về cát sông thi công cao tốc sẽ giảm và nguồn cát sông chung của ĐBSCL sẽ dành cho các dự án khác.

Ngày 15-10, tại tỉnh Hậu Giang, ông Nguyễn Duy Lâm, Thứ trưởng Bộ GTVT dẫn đầu đoàn công tác của Bộ đến kiểm tra công tác tổ chức thi công và tiến độ thực hiện tại dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 đoạn Cần Thơ - Cà Mau (cao tốc Cần Thơ - Cà Mau).

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm kiểm tra cao tốc Cần Thơ - Cà Mau
Theo Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận, dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau hiện còn chậm 11% so với kế hoạch đề ra. Ảnh: BT

Chủ động huy động đá từ các tỉnh lân cận

Báo cáo với Thứ trưởng Bộ GTVT, đại diện Ban Quản lý (BQL) dự án Mỹ Thuận (chủ đầu tư dự án) cho biết tính đến tháng 10-2024, sản lượng thi công toàn dự án đạt 46/57%, chậm 11% so với kế hoạch.

Cũng theo BQL dự án Mỹ Thuận, nhu cầu về nguồn vật liệu cho dự án đến hết năm 2024 khoảng 15,5 triệu m3. Hiện, đã đưa về công trường được khoảng 9,8 triệu m3, còn thiếu khoảng 5,67 triệu m3. Từ thực tế đó, để bảo đảm hoàn thành đắp gia tải trong năm 2024, BQL dự án Mỹ Thuận đã chủ động làm việc với địa phương để bổ sung thêm nguồn cát.

Đến nay, hai tỉnh An Giang, Vĩnh Long đã hoàn tất thủ tục mỏ cát để cung ứng cho dự án thêm 2,2 triệu m3, còn tỉnh Đồng Tháp tăng công suất hai mỏ cát. Riêng đối với mỏ cát tại tỉnh Tiền Giang khoảng 0,6 triệu m3, và hai mỏ tại Bến Tre khoảng 2 triệu m3, hiện đang hoàn thiện các thủ tục.

Về nguồn vật liệu đá, kế hoạch huy động để gia tải cho dự án trong năm 2024 khoảng 1,6 triệu m3, nhưng đến nay chỉ mới huy động về chưa 10%. Đối với khó khăn này, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo An Giang hoàn thành thủ tục gia hạn mỏ trong tháng 8-2024 nhưng đến nay chưa xong. Hiện, các nhà thầu cũng đã và đang chủ động huy động đá từ các tỉnh lân cận như: Kiên Giang, Đồng Nai, Bình Dương...

thu-truong-bo-gtvt-kiem-tra-cao-toc-can-tho-ca-mau-thang-10-2024-4.jpg
Thứ trưởng Bộ GTVT yêu cầu các nhà thầu tăng cường nhân lực, thiết bị và bổ sung các mũi thi công, bố trí đủ tài chính, tổ chức thi công “ba ca bốn kíp” để đẩy nhanh tiến độ dự án. Ảnh: BT

Tăng công suất khai thác cát biển

Tại buổi kiểm tra, sau khi nghe các đơn vị báo cáo tình hình tổ chức thi công, khó khăn còn tồn tại, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm nhận xét thời gian qua chủ đầu tư, nhà thầu đã triển khai nhiều biện pháp thi công, có nhiều nỗ lực để giải quyết những khó khăn, nhưng tiến độ của dự án vẫn không đạt như kế hoạch. Đó là vì các nhà thầu vẫn chưa huy động tối đa nhân lực, vật lực, công tác tổ chức thi công chưa đạt yêu cầu.

Để đưa dự án hoàn thành vào cuối năm 2025 như chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm yêu cầu BQL dự án Mỹ Thuận xây dựng kế hoạch thi công. Từ đó, các nhà thầu có cơ sở để lên kế hoạch chi tiết phù hợp với đường găng tiến độ của dự án.

Thứ trưởng Bộ GTVT cũng yêu cầu các nhà thầu quyết liệt hơn nữa, tăng cường nhân lực, thiết bị và bổ sung các mũi thi công, bố trí đủ tài chính, tổ chức thi công “ba ca bốn kíp” để đẩy nhanh tiến độ dự án.

"BQL dự án Mỹ Thuận, các nhà thầu, tư vấn giám sát... phải tập trung giải quyết các khó khăn phát sinh trong quá trình thi công, đảm bảo đến cuối năm 2024 phải hoàn thành việc gia tải và toàn bộ cầu trên tuyến” - Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm nhấn mạnh.

Liên quan đến nguồn vật liệu cát, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm cho rằng lợi thế hiện tại là việc khai thác cát biển không hạn chế công suất. Thực tế hiện nay, nhà thầu chỉ khai thác từ 12.000-13.000 m3/ngày, trong khi được phép khai thác khoảng 30.000m3/ngày.

“Nếu đẩy mạnh khai thác cát biển thì nhu cầu về cát sông của dự án sẽ giảm và nguồn cát sông chung của ĐBSCL sẽ dành cho các dự án khác như: đường Vành đai 3 TP.HCM, đường Hồ Chí Minh...” - Thứ trưởng Bộ GTVT phân tích và đề nghị tăng công suất khai thác cát biển cho dự án.

Cao tốc Cần Thơ - Cà Mau có chiều dài hơn 110 km, đi qua địa bàn TP Cần Thơ và các tỉnh Hậu Giang, Bạc Liêu, Kiên Giang và Cà Mau.

Dự án có tổng mức đầu tư hơn 27.500 tỉ đồng, do BQL dự án Mỹ Thuận (Bộ GTVT làm chủ đầu tư), được chia thành hai dự án thành phần.

Đó là dự án thành phần đoạn Cần Thơ - Hậu Giang, chiều dài hơn 37 km và dự án thành phần đoạn Hậu Giang - Cà Mau, chiều dài hơn 73 km.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm