Bổ sung hệ thống đường gom dân sinh dọc cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ

(PLO)- Theo Quyết định phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, sẽ bổ sung hệ thống đường gom dân sinh dọc tuyến với tổng chiều dài khoảng 9,7km.

Phó thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký ban hành Quyết định phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, giai đoạn 1. Sơ bộ tổng mức đầu tư dự án hơn 5.826 tỉ đồng, tăng khoảng 1.000 tỉ đồng so với tổng mức đầu tư được phê duyệt trước đây.

Bổ sung hệ thống đường gom dân sinh dọc cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ
Cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ được khởi công vào tháng 1-2021; khánh thành, đưa vào sử dụng toàn tuyến vào ngày 24-12-2023 cùng với cầu Mỹ Thuận 2. Ảnh: CHÂU ANH

Cụ thể, đầu tư bổ sung một số hạng mục, như: nút giao với đường Võ Văn Kiệt kéo dài (thuộc địa phận tỉnh Vĩnh Long).

Nút giao này được thiết kế dạng ngã tư tách nhập; tại đoạn tuyến khu vực nút giao có bố trí hai đảo tròn để quay đầu. Đồng thời, xây dựng cầu trên đường ngang vượt cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ.

Cạnh đó, bổ sung hệ thống đường gom dân sinh dọc tuyến cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, với tổng chiều dài khoảng 9,7km.

Trong đó, qua địa bàn tỉnh Đồng Tháp khoảng 7,3km và qua đại bàn tỉnh Vĩnh Long khoảng 2,4km. Đường gom dân sinh có quy mô là đường giao thông nông thôn loại B, bề rộng nền đường 5m, bề rộng mặt đường 3,5m.

Ngoài ra, sẽ hoàn thiện các hạng mục còn lại của hệ thống giao thông thông minh (ITS) và trung tâm quản lý, điều hành giao thông tuyến.

“Các hạng mục bổ sung, như: nút giao với đường Võ Văn Kiệt kéo dài, đường gom dân sinh và một số hạng mục phục vụ quản lý, điều hành tiếp tục triển khai từ năm 2024, hoàn thành năm 2025” - Quyết định điều chỉnh thể hiện.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà giao Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan lập, thẩm định, quyết định điều chỉnh dự án theo đúng quy định pháp luật. Đồng thời, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để theo dõi, giám sát, tổng hợp.

Mặt khác, tổ chức triển khai thực hiện dự án theo đúng quy hoạch được duyệt, đúng quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng, đấu thầu; không để xảy xảy ra thất thoát, lãng phí, tiêu cực trong quá trình thực hiện dự án.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ GTVT phối hợp chặt chẽ với UBND hai tỉnh Vĩnh Long, Đồng Tháp, cùng các bộ, cơ quan có liên quan trong quá trình triển khai dự án. Cạnh đó, Bộ GTVT là đơn vị chịu trách nhiệm toàn diện trong việc lựa chọn nhà thầu đủ năng lực thực hiện dự án theo đúng quy định của pháp luật; bảo đảm công khai, minh bạch, chất lượng, hiệu quả và đúng tiến độ.

Cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ có chiều dài gần 23km, tổng mức đầu tư hơn 4.826 tỉ đồng, do Ban quản lý dự án Mỹ Thuận (Bộ GTVT) làm chủ đầu tư; được khởi công vào tháng 1-2021; khánh thành, đưa vào sử dụng toàn tuyến vào ngày 24-12-2023 cùng với cầu Mỹ Thuận 2.

Dự án có điểm đầu tại phường Tân Hòa (TP Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long), kết nối với dự án cầu Mỹ Thuận 2; điểm cuối thuộc địa phận thị xã Bình Minh (tỉnh Vĩnh Long) kết nối với Quốc lộ 1 tại nút giao Chà Và.

Cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ ở giai đoạn hoàn chỉnh có quy mô sáu làn xe, vận tốc thiết kế 100km/giờ; còn ở giai đoạn phân kỳ quy mô bốn làn xe, vận tốc 80km/giờ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm