Bộ GTVT lo ngại khi nhiều tỉnh làm điện gió ngoài khơi

(PLO)- Bộ GTVT cho biết nhiều tỉnh, thành phố muốn làm điện gió ngoài khơi ở những vị trí có thể làm ảnh hưởng đến tuyến vận tải ven biển từ Quảng Ninh đến Kiên Giang.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Bộ GTVT vừa báo cáo Thủ tướng kết quả thúc đẩy phát triển vận tải thủy nội địa và vận tải ven biển bằng phương tiện thủy nội địa.

Theo đó, thực hiện chỉ thị 37/2020 của Thủ tướng về phát triển vận tải thuỷ, Bộ GTVT đã chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan chủ động kêu gọi đầu tư cảng thủy nội địa khai thác hàng container có chức năng đầu mối tại khu vực phía Bắc và Đồng bằng sông Cửu Long. Các sơ sở này đều được trang bị cơ sở vật chất, thiết bị bốc xếp đồng bộ, hiện đại.

Hiện nay, tỷ lệ đảm nhiệm luân chuyển hàng hóa của đường thủy nội địa trong toàn ngành giao thông ở vùng Đồng bằng sông Hồng là 45%, vùng Đông Nam Bộ là 47,5%, đặc biệt tại vùng sông bằng sông Cửu Long chiếm tới gần 80%.

Tuy nhiên, Bộ GTVT nhận thấy kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa hiện vẫn chủ yếu khai thác dựa trên điều kiện tự nhiên, số lượng cảng bến nhiều nhưng hầu hết quy mô nhỏ, thiết bị xếp dỡ lạc hậu.

Chiều cao một số cầu không đảm bảo tàu thuyền lớn lưu thông do lịch sử để lại. Đặc biệt là các cầu trên hành lang vận tải thủy chính Quảng Ninh - Hải Phòng - Hà Nội, Hải Phòng - Ninh Bình, TP.HCM - Cà Mau, tuyến vận tải thủy kết nối Campuchia.

Hiện nay 70% hàng hóa thông qua cảng biển là hàng container. Đối với lĩnh vực đường thủy nội địa chưa có chính sách khuyến khích hàng hóa container được vận chuyển bằng đường thủy nội địa nên sản lượng container được vận chuyển bằng đường thủy nội địa còn hạn chế, nhất là khu vực phía Bắc (chỉ chiếm khoảng 1,8%).

Đáng chú ý, Bộ GTVT cho biết tính đến hết năm 2022, cả nước hiện có 16/28 tỉnh, thành ven biển đề xuất 61 chương trình liên quan đến điện gió ngoài khơi vùng biển Việt Nam. Qua rà soát, bộ nhận thấy phần nhiều đề xuất nêu trên đều ảnh hưởng đến tuyến vận tải ven biển từ Quảng Ninh đến Kiên Giang.

Thêm vào đó, hoạt động đầu tư điện gió ngoài khơi vùng biển Việt Nam ngày một chồng lấn vào luồng, tuyến đường thủy nội địa và uy hiếp trực tiếp đến an toàn giao thông đường thủy nội địa. Tuy nhiên, pháp luật hiện hành chưa có quy cụ thể nhằm hài hòa lợi ích của một số địa phương có dự án điện gió ngoài khơi vùng biển Việt Nam với lĩnh vực đường thủy nội địa.

Để phát triển hệ thống vận tải thuỷ, Bộ GTVT đề xuất Chính phủ chỉ đạo việc giảm và miễn thu phí đảm bảo hàng hải, lệ phí đối với phương tiện thủy nội địa khi ra vào cảng, bến xếp, dỡ hàng hóa, hành khách nhằm mục tiêu giảm chi phí vận tải, logistics trong vòng 5 năm.

Chính phủ đồng ý về chủ trương giao Bộ GTVT nghiên cứu đầu tư hai cảng thủy nội địa tại khu vực phía Bắc và phía Nam. Vị trí cụ thể sẽ được bộ nghiên cứu tại bước đề xuất chủ trương đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách

“Sau khi hoàn thành, Bộ GTVT sẽ xây dựng phương án cho doanh nghiệp thuê kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa để khai thác”- Bộ GTVT đề nghị.

Bộ GTVT cho biết năm 2022 đơn vị lập đoàn kiểm tra toàn diện công tác quản lý hoạt động phương tiện thủy nội địa tuyến vận tải ven biển. Các đơn vị bị kiểm tra gồm: Cục Đường thuỷ nội địa Việt Nam, Cục Hàng hải Việt Nam, một số Sở Giao thông vận tải, Cảng vụ Đường thủy nội địa khu vực, một số cảng vụ hàng hải…

Qua kiểm tra, Bộ GTVT phát hiện các tồn tại, hạn chế và đã chấn chỉnh, khắc phục kịp thời.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm