Bộ GTVT nói về lý do chỉ đầu tư tuyến đường sắt đến Cần Thơ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 24-3, tin từ Bộ GTVT cho hay Bộ này vừa có văn bản trả lời kiến nghị của cử tri TP Cần Thơ về đầu tư quy hoạch hệ thống giao thông đường thủy nội vùng ĐBSCL để phát huy lợi thế về vận tải giao thông đường thủy.

Cạnh đó, cử tri cũng kiến nghị Bộ sớm quy hoạch đầu tư xây dựng tuyến đường sắt từ đến tỉnh Cà Mau để phục vụ nhu cầu vận chuyển hàng hóa, hành khách giữa các địa phương được thuận lợi, giúp tiết kiệm chi phí vận chuyển.

Đầu tư tuyến đường sắt từ TP.HCM - Cần Thơ trước

Trả lời cử tri về quy hoạch, đầu tư tuyến đường sắt từ TP.HCM đến Cà Mau, Bộ GTVT thông tin trong Quy hoạch phát triển giao thông vận tải đường sắt thời kỳ trước có định hướng phát triển tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ và kéo dài đến Cà Mau. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu cho thấy trong giai đoạn 2021-2030 cần thiết phải đầu tư tuyến đường sắt từ TP.HCM đến Cần Thơ.

Hướng tuyến dự kiến của dự án đường sắt TP.HCM - Cần Thơ.

“Trước mắt chưa đầu tư xây dựng tuyến từ Cần Thơ đến Cà Mau do không phát huy được hiệu quả đầu tư và khả năng cạnh tranh so với đường bộ và đường thủy nội địa, vận tải ven bờ” - Bộ GTVT cho biết thêm.

Bộ GTVT cũng cho biết Bộ đang tổ chức lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư tuyến đường sắt từ TP.HCM đến Cần Thơ với quy mô là dự án quan trọng quốc gia làm cơ sở trình Quốc hội huy động nguồn lực đầu tư. Theo dự kiến, sẽ thực hiện trong giai đoạn 2026-2030.

Tiếp thu ý kiến cử tri, Bộ GTVT cho biết sẽ chỉ đạo các đơn vị liên quan tổ chức rà soát, đánh giá, phân tích, dự báo sâu hơn về tính khả thi và hiệu quả trong đầu tư tuyến đường sắt từ Cần Thơ đến Cà Mau giai đoạn sau năm 2030.

Sẽ triển khai hai dự án kết nối ĐBSCL

Trả lời cử tri TP về quy hoạch các dự án đường thủy nội địa tại ĐBSCL, Bộ GTVT cho biết Bộ đã tổ chức lập Quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Bộ GTVT cho biết ĐBSCL có hơn 1.000 km đường thủy chính đạt cấp II - III theo quy hoạch. ẢNh minh họa: CHÂU ANH

Bộ GTVT cho hay thời gian qua, dù được phân bổ nguồn vốn đầu tư công rất hạn hẹp, nhưng Bộ đã bố trí vốn để đầu tư và hoàn thành một số dự án đường thủy nội địa quan trọng, như: Nâng cấp hai tuyến đường thủy phía Nam, Phát triển cơ sở hạ tầng giao thông ĐBSCL (dự án WB5), Nâng cấp tuyến kênh Chợ Gạo giai đoạn 1.

“Sau khi hoàn thành đầu tư, khu vực ĐBSCL có hơn 1.000 km đường thủy chính đạt cấp II - III theo quy hoạch, phát huy hiệu quả trong việc nâng cao năng lực vận tải, góp phần giảm tải cho hệ thống đường bộ” - Bộ GTVT thông tin đến cử tri.

Cũng theo Bộ GTVT, trong kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025, Bộ đã bố trí vốn tập trung triển khai các dự án ưu tiên đầu tư vùng ĐBSCL, như: Dự án nâng cao tĩnh không các cầu đường bộ cắt qua tuyến đường thủy nội địa quốc gia giai đoạn 1 (khu vực phía Nam), Dự án phát triển các hành lang vận tải thủy và logistics khu vực phía Nam.

Các dự án này sau khi hoàn thành đưa vào khai thác sẽ phát huy hơn nữa thế mạnh vận tải đường thủy nội địa của vùng. Đồng thời, nâng cao thị phần vận tải hàng hóa và năng lực vận tải thủy, tăng cường khả năng kết nối nội vùng, kết nối giữa khu vực ĐBSCL đến khu bến cảng Cái Mép - Thị Vải và các bến cảng khu vực TP.HCM. Từ đó, góp phần giảm chi phí vận tải, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng và liên vùng.

Theo Báo cáo tiền khả thi, dự án đường sắt TP.HCM - Cần Thơ có chiều dài khoảng 173 km, với khoảng 13 ga và 2 trạm khách. Dự án cơ điểm đầu tại ở ga An Bình (thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương), đi qua TP.HCM và các tỉnh Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, điểm cuối tại ga Cái Răng (quận Cái Răng, TP. Cần Thơ). Dự kiến, tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ có tốc độ tối đa của tàu khách khoảng 200 km/h và tàu hàng là 150 km/h, tổng mức đầu tư khoảng 10 tỉ USD.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm