Bí thư Cần Thơ: Cần chính sách, giải pháp để Cần Thơ là trung tâm logistics vùng

Tiếp tục chương trình làm việc tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, sáng 21-10 Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đơn vị TP Cần Thơ tập trung thảo luận tổ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022.

Đa số ý kiến cho rằng trong bối cảnh khó khăn do dịch bệnh COVID-19 nhưng Chính phủ đã thực hiện linh hoạt các giải pháp để vừa phòng, chống dịch, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Để phát triển kinh tế xã hội vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói chung và Cần Thơ nói riêng, mục tiêu đưa Cần Thơ thực sự trở thành trung tâm động lực của vùng, đại biểu Đào Chí Nghĩa, Phó Trưởng đoàn chuyên trách đoàn ĐBQH đơn vị TP Cần Thơ đề nghị Chính phủ có chỉ đạo cụ thể đối với một số công trình trọng điểm quốc gia có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội ở vùng ĐBSCL.

Đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị TP Cần Thơ đã tập trung thảo luận tổ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021. Ảnh: HD

Thiếu tướng Nguyễn Văn Thuận, Giám đốc Công an TP Cần Thơ, Đại biểu Quốc hội đơn vị TP Cần Thơ cũng cho rằng Chính phủ và các Bộ ngành liên quan cần nghiên cứu và xây dựng chiến lược liên kết vùng giữa các tỉnh, thành của khu vực ĐBSCL.

"Đây là vấn đề mà trong các hội nghị và diễn đàn kinh tế của ĐBSCL đều được đề cập và được sự đồng tình của lãnh đạo các địa phương, nhưng hội nghị xong, diễn đàn kết thúc thì hầu như tất cả đều “im lặng”" - Thiếu tướng Nguyễn Văn Thuận nói.

Qua thảo luận đóng góp ý kiến của các đại biểu, Bí thư Thành ủy Cần Thơ, ông Lê Quang Mạnh, Trưởng Đoàn ĐBQH đơn vị TP Cần Thơ nhấn mạnh sự cần thiết phải có cơ chế chính sách, giải pháp để Cần Thơ trở thành trung tâm logistics của vùng.

Theo ông Lê Quang Mạnh, muốn trở thành trung tâm logistics của vùng thì tất cả các hệ thống giao thông phải được kết nối, thu hút được đầu tư. Nếu không có đủ điều kiện về mặt hạ tầng, kết nối hàng hóa thì thậm chí nhà nước có bỏ tiền ra làm, không phù hợp với cơ chế thị trường, không hài hòa với lợi ích doanh nghiệp thì cũng thất bại.

Nói về hạ tầng giao thông, ông Lê Quang Mạnh cho rằng quan trọng nhất vẫn là đường bộ. Thời gian qua các hạ tầng giao thông đường bộ chung đang được khẩn trương hoàn thành.

Sắp tới có tuyến Cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ, cầu Mỹ Thuận 2. Trong kiến nghị của Chính phủ cũng đề nghị Quốc hội trong thời gian sắp tới xem xét bổ sung đầu tư công trung hạn dự án cao tốc Cần Thơ – Cà Mau cũng như cao tốc Trần Đề (Sóc Trăng) – Cần Thơ – Châu Đốc (An Giang) khi các tuyến hình thành thì Cần Thơ vô cùng có lợi.

Bí thư Thành ủy Cần Thơ ông Lê Quang Mạnh, Trưởng Đoàn ĐBQH đơn vị TP Cần Thơ tổng kết nội dung thảo luận. Ảnh: HD

Về giao thông hàng hải, ông Lê Quang Mạnh cho biết cụm cảng ở Cần Thơ, trong đó có cảng Cái Cui đang bị vướng chính từ luồng sông Hậu.

"Chúng ta có ba hướng ra biển. Sau thời gian nạo vét luồng Định An cũng chưa hiệu quả, mỗi năm mất 200-300 tỉ để nạo vét nhưng tình trạng bồi đắp lại diễn ra rất nhanh. Do đó Bộ GTVT đã chuyển đề xuất vận tải qua tuyến Quan Chánh Bố nhưng đầu tư tại đây cũng chưa đầy đủ. Trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2026 Quốc hội đã phê chuẩn tiền đầu tư tiếp tuyến Quan Chánh Bố... Do đó cần có hướng giải quyết vấn đề hàng hải cho vùng ĐBSCL là rất cần thiết"- ông Lê Quang Mạnh nói.

Cũng theo ông Mạnh, theo quy hoạch, vùng ĐBSCL có cảng Trần Đề nhưng đây là cảng nước sâu phục vụ cho lâu dài, còn cảng chung như Cảng Cần Thơ là rất cần thiết đối với vùng. Như Miền Đông, ngoài cảng quốc tế thì vẫn duy trì thêm hai cảng khác.

Vì vậy việc duy trì cặp cảng là Cảng Quốc tế ở Trần Đề cùng với cảng cấp trung bình  như Cần Thơ là rất phù hợp. Và trong bất kể tình huống nào thì việc nạo vét luồng sông Hậu là rất cần thiết, chỉ có như thế thì hàng hóa ĐBSCL mới nối được thị trường quốc tế, mới có lợi thế cho bà con sản xuất nông sản, tăng giá trị sản xuất nông nghiệp của vùng.

Do đó ông Mạnh cho rằng cần phải quan tâm đầu tư luồng cho tàu vào các cụm cảng trên sông Hậu, có thể cho cơ chế xã hội hóa nạo vét luồng sông Hậu, cho phép nhà đầu tư tận dụng nguồn vật liệu từ nạo vét phục vụ san lắp nền cho vùng.

Vấn đề liên quan thứ ba là đường hàng không. Cần Thơ có thuận lợi trong phát triển hàng không và Cần Thơ rất cần cơ chế để khai thác các lĩnh vực của hàng không.

Cụ thể là đầu tư cảng hàng hóa hàng không. Thứ hai là công nghiệp hàng không (sửa chữa máy bay, sản xuất thiết bị liên quan đến máy bay, đào tạo, huấn luyện phi công), Cần Thơ đang có lợi thế hơn tất cả các cảng hàng không trên cả nước là được sự quan tâm đầu tư của các tập đoàn kinh doanh hàng không muốn thực hiện. Thứ 3 là là khai thác lĩnh vực hậu cần liên quan đến gia công, đóng gói hàng khóa xuất khẩu và cuối cùng là việc miễn thuế các hàng hóa gắn liền với Cần Thơ bán ở sân bay.

Về đường sắt, Bí thư Thành uỷ Cần Thơ nói nếu tuyến đường sắt TP.HCM – Cần Thơ được thực hiện sẽ thay đổi hoàn toàn diện mạo của Cần Thơ. Theo thiết kế ban đầu vận tốc bình thường 180 km/h thì Cần Thơ đi TP.HCM chỉ mất tầm 50 phút, vô cùng nhanh và thuận tiện, khi đó bức tranh kinh tế sẽ khác hoàn toàn, đây là đường hướng rất quan trọng.

Theo ông Mạnh, trong quy hoạch đường sắt vừa mới được Chính phủ thông qua thì cho phép cơ chế khai thác các nhà ga trong tuyến đường sắt để có tiền làm hạ tầng.

Theo đó tại mỗi ga đường sắt sẽ là một đô thị, mỗi đô thị có giá trị về hạ tầng rất là cao nên các nhà đầu tư nước ngoài, tập đoàn lớn trong nước đều rất quyết tâm tham gia dự án này. Tuy nhiên vẫn còn thiếu điểm tựa về ưu tiên chuyển đổi khai thác quỹ đất chuyển sang đầu tư hạ tầng và chỉ cần tháo nút thắt này sẽ có nguồn lực đầu tư.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm