Đề xuất xây dựng mới nhiều tuyến đường sắt

Sau khi tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ, Bộ GTVT vừa trình Thủ tướng dự thảo quy hoạch mạng lưới đường sắt giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050. Trong đó, bộ này đề xuất xây mới và di dời một số ga trên tuyến Bắc – Nam.

Cụ thể, dự thảo Bộ GTVT đặt mục tiêu đến năm 2030, đầu tư xây dựng mới tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, trong đó ưu tiên triển khai đầu tư trước đoạn Hà Nội - Vinh, Nha Trang - TP.HCM.

Cùng thời điểm trên, khu vực phía Bắc sẽ đầu tư mới tuyến Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân, Hà Nội – cảng Đình Vũ (Hải Phòng). Khu vực miền Trung và Tây Nguyên tập trung xây dựng tuyến đường sắt Vũng Áng - Tân Ấp – Lào (đèo Mụ Giạ).

Theo đề xuất của Bộ GTVT, tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam sẽ được xây dựng trong những năm tới. Ảnh: PLO.VN

Khu vực phía Nam sẽ xây dựng tuyến TP.HCM - Cần Thơ, từ ga An Bình đến ga Cái Răng; tuyến TP.HCM - Lộc Ninh, từ ga Dĩ An đến điểm nối ray biên giới Việt Nam - Campuchia (cửa khẩu Hoa Lư); tuyến Thủ Thiêm - Long Thành, từ ga Thủ Thiêm đến sân bay Long Thành và tuyến đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu.

Theo Bộ GTVT, khu vực TP.HCM sau khi hoàn thành tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam (năm 2050) sẽ chuyển đoạn Bình Triệu - Sài Gòn (Hòa Hưng) thành đường sắt đô thị, ga đầu mối chuyển về ga Bình Triệu.

Tại khu vực miền Trung, Bộ GTVT đề xuất di dời ga Đà Nẵng khỏi trung tâm thành phố về phía Tây và xây dựng nhà ga hàng hóa tại khu vực Kim Liên để kết nối với cảng Liên Chiểu. Ga hành khách Nha Trang duy trì vị trí cũ, xây dựng mới ga hàng hóa tại xã Vĩnh Trung, TP Nha Trang thay thế ga hàng hóa hiện nay.

Với chiến lược này, Bộ GTVT đặt mục tiêu đến năm 2030, khối lượng vận chuyển hàng hóa đường sắt đạt 11,8 triệu tấn (gấp 2,3 lần so với năm 2019), chiếm thị phần khoảng 0,27%. Khối lượng vận chuyển hành khách đạt 460 triệu khách, chiếm thị phần 4,4%, trong đó đường sắt quốc gia là 21,5 triệu khách (gấp 2,7 lần năm 2019).

Theo tính toán của Bộ GTVT, để hoàn thành các mục tiêu trên, nhu cầu vốn đến năm 2030 cần khoảng 240.00 tỉ đồng. Số tiền này dự kiến được huy động từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, vốn ngoài ngân sách và các nguồn vốn hợp pháp khác.

Bộ GTVT cho biết quy hoạch mạng lưới đường sắt đến năm 2050, về cơ bản không có nhiều thay đổi so với quy hoạch được duyệt năm 2015 của Thủ tướng.

Theo đó, mạng lưới đường sắt cả nước bao gồm bảy tuyến chính hiện có, 18 tuyến xây dựng mới và các tuyến kết nối vào các cảng, khu công nghiệp, khu kinh tế. So với quy hoạch trước đây giảm ba tuyến, cắt giảm chiều dài một tuyến.

Ưu tiên làm 3 tuyến đường sắt từ TP.HCM
Ưu tiên làm 3 tuyến đường sắt từ TP.HCM
(PLO)- Ba tuyến đường sắt bắt đầu từ TP.HCM gồm đường sắt tốc độ cao TP.HCM - Nha Trang, đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - Long Thành và đường sắt TP.HCM - Cần Thơ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm