Trong văn bản vừa gửi Cục Đường bộ Việt Nam, Bộ GTVT không đồng ý lùi thời gian trang bị và sử dụng cabin học lái ô tô (phần mềm mô phỏng lái xe) đối với các cơ sở đào tạo lái xe.
Theo đó, trước ngày 31-12-2022, các cơ sở đào tạo phải trang bị và sử dụng cabin học lái ô tô vào chương trình đào tạo.
Để kịp thời gian trên, Bộ GTVT có quyết định lựa chọn một đơn vị thử nghiệm cabin điện tử học lái xe ô tô, các nhà sản xuất sẽ có đủ thời gian đưa thiết bị đi thử nghiệm trước 1-1-2023.
Học viên thi sát hạch tại một trung tâm đào tạo lái xe. Ảnh: PLO.VN |
"Doanh nghiệp sản xuất cabin điện tử đưa sản phẩm đến đơn vị Bộ GTVT chỉ định thử nghiệm để được chứng nhận phù hợp với quy chuẩn. Sau đó, Cục Đường bộ Việt Nam sẽ công bố doanh nghiệp có sản phẩm cabin điện tử hợp quy trên trang web. Cơ sở đào tạo căn cứ vào công bố này để trang bị cabin điện tử..."- Bộ GTVT cho hay.
Như PLO.VN đưa tin, đầu tháng 10, Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam, Sở GTVT các tỉnh và Cục Đường bộ Việt Nam họp bàn về những khó khăn trong việc trang bị cabin để đào tạo lái xe ô tô. Tại đây, Cục Đường bộ Việt Nam thừa nhận hiện chưa có đơn vị đủ điều kiện thực hiện thử nghiệm cabin học lái ô tô, chưa có sản phẩm được công bố hợp quy để cung cấp cho các cơ sở đào tạo.
Trên cơ sở này, Cục Đường bộ Việt Nam kiến nghị Bộ GTVT điều chỉnh lộ trình trang bị cabin học lái ô tô. Mục đích để các tổ chức, cá nhân nhập khẩu hoặc sản xuất, lắp ráp trong nước có đủ thời gian đưa sản phẩm đi thử nghiệm, chứng nhận hợp quy, tổ chức nhập khẩu, sản xuất cabin học lái ô tô.
Cạnh đó, việc lùi quy định trên còn giúp các cơ sở đào tạo có đủ thời gian thực hiện các trình tự thủ tục đấu thầu lựa chọn đơn vị cung cấp cabin học lái xe theo đúng quy định của pháp luật; đồng thời để công tác đào tạo lái ô tô không bị gián đoạn, phục vụ nhu cầu chính đáng của người dân trong việc học, sát hạch, cấp giấy phép lái xe...
Ông Lương Duyên Thống, Trưởng phòng Vận tải và quản lý phương tiện người lái, Cục Đường bộ Việt Nam, cho biết đề xuất trang bị cabin đào tạo lái xe xuất phát từ năm 2018, khi Bộ GTVT yêu cầu các trung tâm sát hạch làm đường hầm, cầu, phà nhằm đào tạo sát hạch cho người học lái ô tô.
Tuy nhiên, các trung tâm đào tạo lái xe không thể làm được và ý tưởng đưa cabin mô phỏng vào thực hiện triển khai giống như ngành hàng không và đường sắt nhằm đào tạo, sát hạch cho phi công, lái tàu.
“Thực tế phần học cabin thay 4 giờ học thực hành trên xe nhưng học viên được tập luyện kỹ năng và tập phản xạ trong điều kiện các yếu tố về địa hình, cung đường, thời tiết, tình trạng giao thông và các tình huống giao thông khác nhau nhằm nâng cao kỹ năng đảm bảo an toàn giao thông…” - ông Thống lý giải.