Lại đề xuất lùi thời gian trang bị cabin học lái xe

(PLO)- Các cơ sở đào tạo lái ô tô đều kiến nghị lùi thời gian trang bị, sử dụng cabin học lái ô tô và áp dụng trước chương trình học này với các cơ sở đào tạo của Nhà nước để đánh giá tính hiệu quả.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Theo quy định của Bộ GTVT, trước ngày 31-12-2022, các cơ sở đào tạo phải trang bị và sử dụng cabin học lái ô tô (phần mềm mô phỏng lái xe) vào chương trình đào tạo. Tuy nhiên, đến nay cả cơ quan nhà nước lẫn các cơ sở đào tạo lái xe đều chưa sẵn sàng…

Chi phí lớn nhưng hiệu quả chưa được chứng minh

Ông Lưu Đức Hải, Giám đốc Trung tâm đào tạo lái xe cơ giới đường bộ, Trường Trung cấp nghề Á Châu (Hưng Yên), cho biết hiện nay đơn vị chưa trang bị và sử dụng cabin học lái ô tô vào chương trình đào tạo. Nguyên nhân là do doanh nghiệp chưa phục hồi tài chính sau dịch COVID-19 và đến nay chưa nhà cung cấp nào được Nhà nước chứng nhận hợp quy để đưa sản phẩm ra thị trường. Các sản phẩm hiện bán trôi nổi với giá khác nhau, có nơi bán 300 triệu đồng, có nơi lên tới 400 triệu đồng.

Theo các trung tâm đào tạo lái xe, đến nay chưa nhà cung cấp nào được Nhà nước chứng nhận hợp quy để đưa sản phẩm ra thị trường. Ảnh: THY NHUNG.

Theo các trung tâm đào tạo lái xe, đến nay chưa nhà cung cấp nào được Nhà nước chứng nhận hợp quy để đưa sản phẩm ra thị trường. Ảnh: THY NHUNG.

Với những khó khăn trên, Trường Trung cấp nghề Á Châu có văn bản đề nghị cơ quan chức năng xin lùi thời gian trang bị và sử dụng cabin học lái ô tô ít nhất một năm nữa. Song song đó, ông Hải cũng đề nghị Cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN) nên tổ chức thí điểm sử dụng cabin trong đào tạo lái xe đối với các đơn vị công lập để đánh giá tính hiệu quả rồi mới áp dụng cho tất cả cơ sở đào tạo.

“Vì thực tế giai đoạn 2003-2004, Nhà nước có chính sách khuyến khích các cơ sở đào tạo sử dụng cabin đào tạo lái xe. Theo đó, đơn vị nào áp dụng cabin được giảm 20% tiết học thực hành. Thời điểm này do việc mua ô tô đắt, một số trung tâm đã áp dụng nhưng sau đó bỏ vì không hiệu quả bằng được chạy trên sa hình, trên thực tế với các tình huống thật sự…” - ông Hải nói.

Với người nhiều năm trong nghề, ông Hải không phủ nhận hoàn toàn tính hiệu quả của việc sử dụng cabin trong chương trình đào tạo, vì cabin hiện nay cập nhật thêm nhiều tính năng hơn trước. Tuy nhiên, ông Hải khẳng định hiệu quả không cao so với mức tiền mà các trung tâm phải bỏ ra. “Giờ một ô tô tập lái chỉ khoảng 200 triệu đồng, trong khi đó trang bị cabin học lái ô tô chi phí lên tới 400 triệu đồng/bộ. Quy mô như trung tâm của chúng tôi phải đầu tư ít nhất 8-10 cabin, với số tiền 4-5 tỉ đồng, nếu hiệu quả không cao thì rất lãng phí…” - ông Hải nói.

Đồng quan điểm, một trung tâm đào tạo lái xe tại huyện Đông Anh (Hà Nội) cũng cho rằng giá mỗi bộ cabin hiện nay rất cao, số tiền mà hàng trăm cơ sở đào tạo lái xe trên toàn quốc bỏ ra là rất lớn. Cạnh đó, các cơ sở đào tạo nếu đầu tư cabin tập lái chi phí đào tạo chắc chắn sẽ điều chỉnh tăng, nên Nhà nước cũng cần tính toán cho phù hợp để không ảnh hưởng đến người học…

Bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Cục trưởng Cục ĐBVN, thừa nhận hiện chưa có đơn vị đủ điều kiện thực hiện thử nghiệm cabin học lái ô tô, chưa có sản phẩm được công bố hợp quy để cung cấp cho các cơ sở đào tạo.

Đề xuất lùi để tránh nguy cơ dừng đào tạo lái xe trên cả nước

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Lương Duyên Thống, Trưởng phòng Vận tải và quản lý phương tiện người lái, Cục ĐBVN, cho biết đơn vị vừa làm việc với Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam và các cơ sở đào tạo lái xe về những vấn đề trên.

Theo ông Thống, đề xuất trang bị cabin đào tạo lái xe xuất phát từ năm 2018, khi Bộ GTVT yêu cầu các trung tâm sát hạch làm đường hầm, cầu, phà nhằm đào tạo sát hạch cho người học lái ô tô. Tuy nhiên, các trung tâm đào tạo lái xe không thể làm được và ý tưởng đưa cabin mô phỏng vào thực hiện triển khai giống như ngành hàng không và đường sắt nhằm đào tạo, sát hạch cho phi công, lái tàu.

“Thực tế phần học cabin thay 4 giờ học thực hành trên xe nhưng học viên được tập luyện kỹ năng và tập phản xạ trong điều kiện các yếu tố về địa hình, cung đường, thời tiết, tình trạng giao thông và các tình huống giao thông khác nhau nhằm nâng cao kỹ năng đảm bảo an toàn giao thông…” - ông Thống lý giải.

Về việc đánh giá tính hiệu quả của áp dụng cabin tập lái, ông Thống khẳng định trước đây Bộ GTVT đã chỉ đạo Tổng cục Đường bộ đưa đi thử nghiệm phần học cabin nên đủ điều kiện triển khai trên cả nước.

Về kiến nghị lùi thời gian trang bị cabin, trong văn bản vừa gửi đến Bộ GTVT, bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Cục trưởng Cục ĐBVN, thừa nhận hiện chưa có đơn vị đủ điều kiện thực hiện thử nghiệm cabin học lái ô tô, chưa có sản phẩm được công bố hợp quy để cung cấp cho các cơ sở đào tạo.

Theo đó, Cục ĐBVN kiến nghị Bộ GTVT điều chỉnh lộ trình trang bị cabin học lái ô tô. Mục đích để các tổ chức, cá nhân nhập khẩu hoặc sản xuất, lắp ráp trong nước có đủ thời gian đưa sản phẩm đi thử nghiệm, chứng nhận hợp quy, tổ chức nhập khẩu, sản xuất cabin học lái ô tô.

“Cạnh đó, việc lùi quy định trên còn giúp các cơ sở đào tạo có đủ thời gian thực hiện các trình tự thủ tục đấu thầu lựa chọn đơn vị cung cấp cabin học lái xe theo đúng quy định của pháp luật (cần có ít nhất ba đơn vị mới có thể tổ chức đấu thầu - PV) và để công tác đào tạo lái ô tô không bị gián đoạn, phục vụ nhu cầu chính đáng của người dân trong việc học, sát hạch, cấp giấy phép lái xe…” - bà Hiền cho hay.

Tuy nhiên, trong đề xuất này Cục ĐBVN chưa nêu nguyên nhân cũng như trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước trong việc chậm triển khai các công việc trên…•

Bộ GTVT từng lùi áp dụng cabin học lái ô tô

Thông tư 12/2017 của bộ trưởng Bộ GTVT về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ, quy định các cơ sở đào tạo lái xe phải trang bị cabin học lái ô tô từ ngày 1-7-2022. Tuy nhiên, do dịch COVID-19, Bộ GTVT cho phép lùi thời gian áp dụng quy định này đến ngày 31-12-2022.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm