Đưa nội dung lái xe trên cao tốc vào dạy người học bằng lái có phù hợp?

(PLO)- Đề xuất đưa nội dung lái xe trên cao tốc vào chương trình đào tạo lái xe của Cục trưởng Cục CSGT hiện có nhiều ý kiến trái chiều.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 15-7, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia tổ chức họp trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông 6 tháng đầu năm và phương hướng, nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2022.

Phát biểu tại đây, thiếu tướng Nguyễn Văn Trung, cục trưởng Cục CSGT, Bộ Công an, phân tích các vụ tai nạn giao thông gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng và cho biết khung thời gian xảy ra nhiều nhất là từ 22 giờ hôm trước đến 4 giờ hôm sau.

Cục trưởng Cục CSGT xuất đưa nội dung lái xe trên đường cao tốc vào chương trình đào tạo. Ảnh: THU TRINH

Cục trưởng Cục CSGT xuất đưa nội dung lái xe trên đường cao tốc vào chương trình đào tạo. Ảnh: THU TRINH

Đồng thời, tập trung chủ yếu tại quốc lộ (chiếm 55,56%); hành vi vi phạm và nguyên nhân ban đầu đi không đúng phần đường, làn đường quy định; không chú ý quan sát; sử dụng rượu bia; vi phạm tốc độ.

Đáng chú ý, Cục trưởng Cục CSGT kiến nghị Chính phủ chỉ đạo lực lượng chức năng nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe (GPLX), đưa nội dung lái xe trên đường cao tốc vào chương trình đào tạo.

Theo khảo sát của PV, liên quan đến đề xuất đưa nội dung lái xe trên cao tốc vào chương trình đào tạo lái xe hiện có nhiều ý kiến trái chiều.

Anh Nguyễn Hữu Tài (một tài xế hơn 10 năm kinh nghiệm lái xe tải) cho hay: “Tôi đồng tình với việc đưa nội dung đào tạo lái xe trên cao tốc vào việc học lái xe. Vì khu vực này sẽ khiến tài xế phải xử lý nhiều loại tình huống như: xe khác nhập làn, kẹt xe, vượt xe, giữ khoảng cách an toàn,..”

Theo anh Tài, có nhiều người chạy trên cao tốc nhưng chạy “làng xàng”, phanh gấp dù không đúng luật và đoạn đường này đỏi hỏi tài xế đi đúng tốc độ. Theo kinh nghiệm xe muốn vào trạm dừng chân, thì tài xế cần vào làn giữa rồi xi nhan báo hiệu và từ từ vào trạm. Tuy nhiên có những người “ào ào” đi vào, nếu gặp xe tải sẽ phanh không kịp. Do đó, trên cao tốc đòi hỏi tài xế phải xử lý nhiều loại tình huống khẩn cấp.

Hiện nay chương trình đào tạo lái xe của Việt Nam chiếm thời lượng khá nhiều. Ảnh: TN

Hiện nay chương trình đào tạo lái xe của Việt Nam chiếm thời lượng khá nhiều. Ảnh: TN

Đại diện một trung tâm dạy lái xe tại TP.HCM cũng cho biết, hiện nay chương trình đào tạo GPLX của Việt Nam đang nặng hơn các chương trình đào tạo của nước ngoài rất nhiều.

“Hiện nay chương trình đào tạo hạng B2 đã lên đến 83 giờ là quá nhiều, trong khi các nước như Singapo, Thái Lan chỉ khoảng 35-40 giờ. Nên nếu việc thêm đào tạo về lái xe trên cao tốc nữa thêm vào kế hoạch đào tạo thì sẽ càng đôn số giờ học lên”- vị này cho hay.

Vị này cũng chia sẻ, một số thông tin cho biết Tổng cục Đường bộ Việt Nam đang có hướng sửa đổi chương trình đào tạo GPLX.

“Khi có một kiến nghị gì đó, đặc biệt là của Cục CSGT thì đơn vị này sẽ ghi nhận và đưa vào nếu phù hợp. Ví dụ thêm đào tạo lái có thêm tập đường trường trên cao tốc mấy giờ, đi qua phà là bao nhiêu và cả đường đèo núi…”- vị này tiết lộ.

Bên cạnh đó, một số ý kiến lại cho rằng, giao thông trên cao tốc được đánh giá là nguy hiểm và cần nhiều kinh nghiệm xử lý, nếu người học lái xe mà đi trên đoạn đường này càng gây nguy hiểm hơn.

“Hiện nay, trong 120 tình huống mô phỏng trong đào tạo và sát hạch GPLX cũng đã có những tình huống trên cao tốc để cảnh báo cho người học, người thi bằng lái xe”- một ý kiến khác nói thêm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm