Mới đây, báo Pháp Luật TP.HCM đã có bài viết “Cấp thiết xây dựng các trạm dừng trên cao tốc” (số báo ra ngày 15-7). Phản hồi về vấn đề này, Bộ GTVT đã thông tin thêm về việc quy hoạch cũng như tiến độ xây dựng các trạm dừng nghỉ trên toàn tuyến cao tốc Bắc - Nam phía đông.
Gấp rút đầu tư trạm dừng nghỉ trên tám tuyến cao tốc mới
Theo Bộ GTVT, thời gian qua, với sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT và sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, địa phương, các chủ đầu tư và nhà thầu đã nỗ lực thi công đưa hàng loạt tuyến cao tốc mới về đích, như Phan Thiết - Dầu Giây, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Mai Sơn – Quốc lộ 45 và Nha Trang - Cam Lâm…, nâng tổng số chiều dài cao tốc trên cả nước lên hơn 1.700 km.
Bộ GTVT đánh giá các tuyến cao tốc được đưa vào khai thác đã kịp thời đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân trong các dịp cao điểm lễ, tết và cao điểm hè. Song, nhiều ý kiến cũng tỏ ra lo ngại khi dọc tuyến cao tốc Bắc - Nam phía đông vẫn hạn chế về số lượng trạm dừng nghỉ.
Theo quy định của Luật Giao thông đường bộ năm 2008, trạm dừng nghỉ là một bộ phận thuộc kết cấu hạ tầng đường bộ, là công trình dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ.
Theo Tiêu chuẩn thiết kế đường cao tốc (TCVN 5729:2012), trung bình khoảng 50-60 km nên bố trí một trạm dừng nghỉ cung cấp các dịch vụ cơ bản như xăng dầu, sửa chữa nhỏ và dừng xe, có nhà nghỉ, nhà vệ sinh, cửa hàng ăn...
Ngoài chức năng phục vụ người và phương tiện tham gia giao thông, trạm dừng nghỉ là nơi có thể kinh doanh dịch vụ. Chính vì vậy, trạm dừng nghỉ được cơ quan có thẩm quyền định hướng đầu tư theo hình thức xã hội hóa để tiết kiệm ngân sách nhà nước.
“Tuy nhiên, do các quy định của pháp luật giai đoạn trước đây về đầu tư, kinh doanh và khai thác trạm dừng nghỉ chưa đầy đủ, chưa rõ ràng nên việc triển khai đầu tư trạm dừng nghỉ theo hình thức xã hội hóa gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, chưa thể bảo đảm khai thác đồng bộ, phục vụ nhu cầu của nhân dân đối với một số đoạn mới hoàn thành đưa vào khai thác” - Bộ GTVT nêu.
|
Trạm dừng Phúc Lộc (Tiền Giang) hiện đại, sạch sẽ với nhiều tiện ích được người dân đi từ TP.HCM về miền Tây rất yêu thích. Ảnh: ĐT |
Đấu thầu để chọn nhà đầu tư
Theo Bộ GTVT, đến nay mới có 7/41 trạm dừng nghỉ đã được hoạch định trong báo cáo nghiên cứu khả thi các dự án thành phần trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía đông được đưa vào khai thác. Trong đó, chỉ duy nhất tuyến cao tốc Bắc Giang - Hà Nội có hai trạm dừng nghỉ. Còn lại các tuyến Cầu Giẽ - Ninh Bình, Cao Bồ - Mai Sơn, La Sơn - Hòa Liên, TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, Bến Lức - Trung Lương mới chỉ có một trạm.
Bộ này cũng nhìn nhận những bất cập hiện tại, chia sẻ với sự khó khăn, bất tiện của người dân, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về đầu tư trạm dừng nghỉ theo hình thức xã hội hóa. Vì vậy, đầu năm 2023, Bộ GTVT đã xây dựng và ban hành Thông tư 01/2023 hướng dẫn về lập, phê duyệt và công bố danh mục dự án; phương pháp và tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất trong đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư công trình dịch vụ chuyên ngành giao thông đường bộ. “Đây là cơ sở pháp lý để cơ quan chức năng thực hiện các thủ tục đầu tư trạm dừng nghỉ” - Bộ GTVT cho biết.
Đồng thời, bộ cũng thông tin thêm nhằm hoàn chỉnh hệ thống trạm dừng nghỉ đồng bộ, hiện đại, đến nay các cơ quan tham mưu đã hoàn thành thẩm định, trình, phê duyệt hệ thống mạng trạm dừng nghỉ.
Theo đó, trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông bố trí 36 trạm (khoảng cách bình quân giữa các trạm khoảng 59 km). Trong đó, bảy trạm đã đưa vào khai thác và hai trạm đang đầu tư, 27 trạm còn lại sẽ lựa chọn nhà đầu tư để triển khai thực hiện.
Trong 27 trạm chưa đầu tư có 20/27 trạm được hoạch định quy mô khoảng 5 ha/bên. 7/27 trạm gần các đầu mối giao thông, các đô thị lớn hoạch định với quy mô khoảng 3 ha/bên, bảo đảm cung cấp đầy đủ dịch vụ, đáp ứng nhu cầu của người sử dụng đường cao tốc.
“Toàn bộ trạm dừng nghỉ chưa đầu tư sẽ được lựa chọn nhà đầu tư thông qua đấu thầu rộng rãi, công khai, minh bạch và hiệu quả” - Bộ GTVT khẳng định.
Để kịp thời đáp ứng nhu cầu đối với một số dự án thành phần đã và đang chuẩn bị đưa vào khai thác, từ tháng 5-2023, Bộ GTVT đã chấp thuận và giao nhiệm vụ cho các ban quản lý dự án cùng tư vấn phối hợp với các địa phương triển khai thủ tục đầu tư, xây dựng hồ sơ danh mục dự án công trình để kêu gọi đầu tư đối với tám trạm dừng nghỉ thuộc các dự án: Mai Sơn - Quốc lộ 45, Nghi Sơn - Diễn Châu, Diễn Châu - Bãi Vọt, Nha Trang - Cam Lâm, Cam Lâm - Vĩnh Hảo, Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây.
“Dự kiến việc công bố danh mục dự án sẽ được hoàn thành trong tháng 8-2023. Công tác tổ chức lựa chọn nhà đầu tư khoảng 3-5 tháng. Thời gian dự kiến để các nhà đầu tư hoàn thành thủ tục và triển khai xây dựng trạm dừng nghỉ khoảng 9-12 tháng, phấn đấu hoàn thành đưa vào khai thác trong thời gian sớm nhất” - Bộ GTVT cho biết.
Bộ GTVT thông tin thêm với 19 trạm còn lại, các ban quản lý dự án, chủ đầu tư sẽ lập các thủ tục theo quy định về danh mục dự án, tổ chức lựa chọn nhà đầu tư, triển khai đầu tư. Từ đó, đưa vào khai thác các trạm dừng nghỉ đồng bộ với tiến độ hoàn thành các dự án thành phần đường cao tốc năm 2025.•
Tiếp tục quy hoạch trạm dừng nghỉ trên nhiều tuyến cao tốc khác
Theo Cục Đường cao tốc Việt Nam, đối với các tuyến cao tốc khác trong mạng lưới đường bộ cao tốc, hệ thống trạm dừng nghỉ là một trong các nội dung thuộc quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.
Hiện nay, Bộ GTVT đã giao nhiệm vụ cho các cơ quan, đơn vị xây dựng quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, trong đó bao gồm hệ thống trạm dừng nghỉ trên các tuyến cao tốc.
Sau khi quy hoạch được phê duyệt, Bộ GTVT sẽ phối hợp với các địa phương triển khai đầu tư hệ thống trạm dừng nghỉ, đáp ứng yêu cầu khai thác đồng bộ với các tuyến cao tốc được đầu tư xây dựng.