Bộ GTVT vừa có Công văn trả lời cử tri TP Cần Thơ về đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn TP. Cụ thể, cử tri kiến nghị Bộ sớm tiếp tục đầu tư Quốc lộ 91 (đoạn từ Km0-Km7) nhằm tạo thông thoáng giao thông, mỹ quan cho TP.
Cạnh đó, cử tri cũng kiến nghị Bộ GTVT bố trí vốn mở rộng Quốc lộ 91B đoạn qua địa bàn TP; mở rộng đường Võ Nguyên Giáp để lưu thông hàng hóa xuống cảng Cái Cui được thuận lợi hơn; sớm đề xuất xây dựng tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ và xây dựng cầu Cần Thơ 2.
Giao Quốc lộ 91B đoạn qua TP Cần Thơ cho địa phương quản lý
Đối với kiến nghị đầu tư Quốc lộ 91 đoạn Km0-Km7, Bộ GTVT cho biết Bộ đã bàn giao cho UBND TP Cần Thơ quản lý kể từ năm 2008 và được đặt tên là đường Cách Mạng Tháng Tám và Lê Hồng Phong.
UBND TP Cần Thơ cũng đã phê duyệt dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng với tổng mức đầu tư gần 1.400 tỉ đồng, tuy nhiên, trong quá trình triển khai, dự án bị tạm dừng, giãn tiến độ từ năm 2011.
Quốc lộ 91 đoạn Km0-Km7, Bộ GTVT đã bàn giao cho UBND TP Cần Thơ quản lý kể từ năm 2008 và được đặt tên là đường Cách Mạng Tháng Tám và Lê Hồng Phong. Ảnh: CHÂU ANH |
“Ngày 10-7, tại buổi làm việc với lãnh đạo TP Cần Thơ, Thủ tướng Chính phủ đã giao UBND TP rà soát, bố trí số vốn được giao trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để triển khai, thực hiện dự án.
Vì vậy, Bộ GTVT đề nghị UBND TP Cần Thơ căn cứ các ý kiến chỉ đạo nêu trên để triển khai thực hiện dự án và trả lời kiến nghị của cử tri TP về nội dung nêu trên theo thẩm quyền” - Bộ GTVT thông tin thêm.
Đối với kiến nghị đầu tư mở rộng Quốc lộ 91B đoạn thuộc TP Cần Thơ, Bộ GTVT cho hay Bộ đã báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho phép bổ sung mở rộng, tăng cường nền mặt đường vào dự án đầu tư xây dựng công trình cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 91 theo hình thức Hợp đồng BOT hồi năm 2015 và đã hoàn thành và nghiệm thu đưa vào kinh doanh, khai thác từ ngày cuối năm 2016.
“Do Quốc lộ 91B thuộc TP Cần Thơ, để thuận tiện trong quản lý theo quy hoạch của đô thị, trên cơ sở đề nghị của địa phương, Bộ GTVT đã báo cáo và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận đề nghị của UBND TP về việc tiếp nhận, quản lý đoạn tuyến Quốc lộ 91B.
Vì vậy, sau khi được cấp có thẩm quyền chấp thuận, Bộ sẽ tiến hành bàn giao Quốc lộ 91B cho UBND TP Cần Thơ quản lý và đầu tư theo quy hoạch của TP” - Bộ GTVT cho biết thêm.
Cầu Cần Thơ hiện hữu vẫn đáp ứng nhu cầu vận tải đến năm 2030
Đối với kiến nghị đầu tư đầu tư mở rộng đường Võ Nguyên Giáp, Bộ GTVT thông tin Bộ đã giao Tổng cục Đường bộ Việt Nam lập đề xuất dự án nâng cấp, cải tạo ba tuyến Quốc lộ, trong đó có Quốc lộ 91B đoạn qua TP Cần Thơ.
Theo Bộ GTVT đánh giá, cầu Cần Thơ hiện hữu vẫn đáp ứng nhu cầu vận tải đến năm 2030. Ảnh: CHÂU ANH |
Theo đó, sẽ tiến hành thảm bê tông nhựa mặt đường và xây dựng hệ thống thoát nước. Hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang tổng hợp để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để làm cơ sở triển khai các bước tiếp theo.
Theo Quy hoạch, tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ có chiều dài khoảng 174 km, đường đôi, dự kiến nghiên cứu đầu tư trong giai đoạn đến năm 2030.
Về kiến nghị sớm đề xuất xây dựng tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ, Bộ GTVT cho hay Bộ GTVT đã giao Ban Quản lý dự án đường sắt nghiên cứu chuẩn bị đầu tư dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.
Đối với dự án xây dựng cầu Cần Thơ 2, Bộ GTVT cho hay kinh phí xây dựng cầu Cần Thơ 2 rất lớn. Cạnh đó, trong quá trình nghiên cứu đầu tư dự án thành phần đoạn Cần Thơ - Cà Mau (thuộc dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025), Bộ GTVT nhận thấy quy mô cầu Cần Thơ hiện nay vẫn đáp ứng nhu cầu vận tải đến năm 2030.
Vì vậy, trong điều kiện hạn chế về nguồn lực, trong giai đoạn này tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 sẽ vượt sông Hậu thông qua cầu Cần Thơ hiện hữu.