Thời gian qua, một số hãng hàng không và cơ quan chức năng đã đề xuất nên bỏ khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa. Điển hình, gần đây nhất, tại hội nghị cấp cao du lịch Việt Nam, ông Lê Hồng Hà (Phó Tổng giám đốc Vietnam Airlines) tái đề xuất bỏ khung giá trần vé máy bay nội địa để thị trường tự điều tiết.
Nên bỏ nếu cạnh tranh lành mạnh
Theo ông Lê Hồng Hà, việc để khung giá trần là điểm nghẽn về cơ chế cần giải quyết để bản thân các hãng hàng không Việt Nam có thể thu lợi trong giai đoạn ngắn hạn.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, giám đốc điều hành một tổng đại lý vé máy bay tại TP.HCM cho rằng: Phần đông khách hàng mua vé quan tâm đến việc họ có mua vé giá rẻ hay không, chứ không cần biết mặt mũi khung giá trần là bao nhiêu.
“Bởi thế khi các hãng tung giá vé, họ biết làm thế nào để bay giá rẻ và tự sắp xếp thời gian để thực hiện chuyến bay đã định liệu. Giá rẻ là tiêu chí hàng đầu của khách hàng bay nội địa vì mặt bằng thu nhập vẫn còn hạn chế” - vị này cho hay.
Theo vị này, các đại lý luôn nằm lòng khung giá trần, tuy nhiên hiện thị trường nội địa có năm hãng đang khai thác. Theo đó, để cạnh tranh, các hãng đã đưa ra nhiều dải giá linh hoạt trên mỗi chặng bay.
Tùy thời điểm khách tăng, giảm trong mùa cao điểm và thấp điểm mà các hãng giá rẻ lẫn hãng bay truyền thống tung ra các dải vé khác nhau trên một đường bay để khách có nhiều lựa chọn. Trong đó có vé chỉ vài trăm ngàn đồng, thấp hơn so với giá trần của chặng bay ngắn nhất dưới 500 km. “Trường hợp như thế này thì khung giá trần không có nhiều ý nghĩa lắm” - vị này nói.
Tại tọa đàm “Hàng không Việt Nam: Cơ hội và thách thức” do Bộ GTVT vừa tổ chức, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng cho rằng giá vé là yếu tố lựa chọn đầu tiên của phần đông hành khách. Giá thấp đương nhiên là tốt nhưng nếu chúng ta cạnh tranh không lành mạnh sẽ ảnh hưởng lâu dài và bền vững của thị trường.
“Cục Hàng không Liên bang Mỹ, Bộ GTVT Mỹ không quản lý vấn đề này. Giá cả do các hãng tự quy định. Nhưng ở Việt Nam, một số đường bay chúng ta còn đưa vào luật để quản lý khung” - ông Thắng nói.
Từ đó ông Thắng đánh giá khi có cạnh tranh đầy đủ, lành mạnh nên bỏ quản lý nhà nước về yếu tố này. Nhà nước chỉ can thiệp trong những tình huống đột biến, mang tính khủng khoảng.
Hiện nay, rất nhiều hành khách đã lựa chọn dịch vụ hàng không cho hành trình di chuyển của mình. Ảnh: PHONG ĐIỀN
Có thể các hãng sẽ bắt tay làm giá
Cũng tại diễn đàn nói trên, GS Nawal Taneja, được mệnh danh là “bộ não của hàng không thế giới”, cho rằng giá vé nên để các hãng quyết định nhưng phải đảm bảo chi phí tối thiểu, đáp ứng được an toàn.
Vị chuyên gia hàng không này cũng chỉ ra không phải hãng hàng không giá rẻ nào cũng duy trì giá thấp mãi, chỉ được thời gian đầu để loại bỏ đối thủ cạnh tranh, về sau chắc chắn họ sẽ nâng giá vé. Từ đó ông cho rằng cạnh tranh lành mạnh mới bền vững chứ không hẳn giá rẻ là yếu tố quyết định.
Ngược lại, PGS-TS Nguyễn Thiện Tống, chuyên gia hàng không, phân tích: Không nên bỏ khung trần giá vé trên các đường bay nội địa, vì đây là ngành dịch vụ mà người bán chiếm số lượng rất ít nên chưa thể thả việc tự điều tiết cho thị trường được. Hơn nữa, mặt bằng thu nhập của người dân còn thấp nên vẫn cần vai trò của Nhà nước điều tiết.
TS Tống phân tích: Tổng chi phí tạo ra của các hãng hàng không thì chỉ họ mới biết. Cạnh đó, số lượng các hãng còn khá ít so với nhu cầu đi lại đang tăng nhanh nên chưa thể buông cho các hãng tự quyết. Bởi không có công cụ kiểm soát, có thể các hãng sẽ bắt tay làm giá, phần thiệt thòi sẽ thuộc về người dân. Thay vào đó, có thể duy trì và điều chỉnh tăng, giảm trên khung giá trần cho đến khi mặt bằng thu nhập tăng lên, đồng thời có công cụ kiểm soát tốt mới nên bỏ khung giá trần.
“Khung trần với năm nhóm khoảng cách bay với các dải giá như hiện tại chưa phù hợp nên cần tính toán điều chỉnh chặt chẽ hơn. Đồng thời phải tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, minh bạch rồi mới tính đến việc các hãng bay tự quyết về giá bay” - ông Tống kiến nghị.
Đại diện Vietnam Airlines cho hay theo quy định hiện hành, giá dịch vụ vận chuyển hành khách hạng phổ thông cơ bản hiện có năm nhóm, khoảng cách bay tính bằng kilomet. Trong đó, chặng bay ngắn nhất dưới 500 km gồm nhóm bay phát triển kinh tế - xã hội và nhóm bay khác dưới 500 km lần lượt là 1,6 triệu đến 1,7 triệu đồng/chiều. Còn chặng bay từ 500 km đến dưới 850 km là 2,2 triệu đồng; chặng bay từ 850 km đến dưới 1.000 km là hơn 2,7 triệu đồng; chặng bay từ 1.000 km đến dưới 1.280 km là 3,2 triệu đồng và chặng bay dài nhất 1.280 km trở lên có giá 3,7 triệu đồng. |