"Cục Hàng không Việt Nam ý thức được việc áp giá sàn và giá trần ảnh hưởng rất lớn đến lĩnh vực vận chuyển hàng không, đặc biệt đối với người dân với tư cách là hành khách. Vì vậy, đơn vị sẽ lắng nghe các ý kiến của chuyên gia, người dân nhằm đưa ra đề xuất phù hợp..." - ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, khẳng định như vậy tại buổi họp báo Bộ GTVT ngày 5-4.
Cũng theo ông Thanh, việc đề xuất nâng giá trần, bổ sung giá sàn vé máy bay vừa qua xuất phát từ một hãng hàng không chứ không phải của cơ quan quản lý nhà nước. Tuy nhiên, khi tiếp nhận được đề xuất của doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm nghiên cứu, trả lời. Theo đó, Bộ GTVT đã giao cho Cục Hàng không Việt Nam nghiên cứu, đánh giá, đề xuất.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ GTVT, Cục Hàng không Việt Nam đang lắng nghe những ý kiến phản biện của người dân, doanh nghiệp, chuyên gia, nhà khoa học... Bên cạnh đó Cục cũng căn cứ vào hệ thống pháp luật như Luật Giá, Luật Cạnh tranh; vào tính đặc thù và thực tiễn của ngành hàng không hiện nay; tham khảo thực tiễn các nước trên thế giới... trên cơ sở đảm bảo lợi ích của người dân, doanh nghiệp và Nhà nước. "Đồng thời đảm bảo môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng giữa các hãng và để người dân có cơ hội tiếp cận, đi lại bằng đường hàng không..." - ông Thanh khẳng định.
Theo ông Lại Xuân Thanh, quy định khung giá (mức trần và mức sàn) đã được quy định trong Luật Hàng không dân dụng Việt Nam 2006. Khi sửa đổi luật này (năm 2014), Quốc hội đã bàn thảo kỹ và quyết định các hãng hàng không vẫn bán vé dựa vào khung giá... Như vậy, Luật Hàng không dân dụng vẫn cho phép sử dụng khung giá để điều tiết giá.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường trả lời báo chí xung quanh giá sàn vé máy bay. Ảnh: VIẾT LONG
"Tôi nghĩ trong nền kinh tế thị trường không phải chúng ta tự do cạnh tranh mà không có một công cụ để điều tiết giá. Tôi nói ví dụ, trong hệ thống hiệp định về hàng không dân dụng, khi chúng ta ký với nước ngoài có điều khoản tự do nhưng Nhà nước vẫn có quyền áp dụng các biện pháp để chống lợi dụng vị thế độc quyền, chống cạnh tranh không lành mạnh, bán phá giá..." - ông Thanh nói và cho biết đó là lý do Quốc hội không bỏ khung giá, tuy nhiên việc áp dụng như thế nào thì cần đánh giá kỹ lưỡng.
Ông Thanh cũng cho rằng pháp luật quy định như trên nhưng việc nên bỏ khung giá hay không cũng cần nghiên cứu. "Vì vậy, trong đề xuất với Bộ GTVT sắp tới chúng tôi sẽ có nhiều phương án, ví dụ như giữ nguyên giá trần, không quy định giá sàn; bỏ giá trần, giá sàn; bỏ trần, nâng sàn... Tất cả những cái này phải được nghiên cứu dưới nhiều góc độ..." - ông Thanh khẳng định.
Nhà nước có bảo vệ một hãng?
Trước việc dư luận cho rằng việc quy định giá sàn chỉ đem lại lợi ích cho một hãng hàng không, ông Nguyễn Hồng Trường, Thứ trưởng Bộ GTVT, khẳng định đối với cơ quan quản lý nhà nước không bao giờ đặt lợi ích cho một hãng nào. "Nhà nước chỉ đặt lợi ích lớn nhất, đó là lợi ích cho dân. Bản thân chúng ta là những người dân, nếu làm không khéo thì chính chúng ta là người bị ảnh hưởng đầu tiên" - ông Trường nói.
Theo ông Trường, quan trọng nhất hiện nay phải đảm bảo tính cạnh tranh nhưng cũng đáp ứng được hoạt động của các hãng hàng không. Ông Trường khẳng định lợi nhuận thu được của các hãng hàng không chính là chất lượng dịch vụ chứ không phải tìm cách nâng giá vé.
"Hiện Bộ GTVT đang thực hiện tinh giản biên chế ở các hãng hàng không, công ty quản lý bay... vì chi phí lương cho nhân viên rất lớn, nếu giảm được chi phí này thì giá vé sẽ rẻ hơn. Chúng tôi kiên quyết không để các đơn vị tăng người rồi lấy vào giá vé" - ông Trường khẳng định.