Bỏ hoang khu du lịch trăm tỉ đồng

Qua hơn 10 năm xây dựng với tổng vốn bỏ ra cả trăm tỉ đồng nhưng đến nay Khu du lịch sinh thái Làng nổi Tân Lập ở huyện Mộc Hóa (Long An) đang hoang tàn. Các hạng mục xây dựng hư hỏng, lãng phí…

Vắng… như chùa Bà Đanh

Khu du lịch sinh thái Làng nổi Tân Lập có diện tích hơn 600 ha và không ai nghĩ đây là khu du lịch sinh thái vì đang là ngày nghỉ nhưng không thấy bóng dáng du khách nào. Khi bắt tay vào xây dựng, các nhà hoạch định dự kiến sẽ thu hút hàng trăm ngàn lượt du khách trong lẫn ngoài nước.

Hai bên vỉa hè khu công viên phía trước khu du lịch trước đây được lát gạch, trồng hoa để người dân đi bộ, tập thể dục giờ là một rừng cỏ mọc cao quá đầu người. Một số giàn hoa thì dây leo dại bò lên làm đổ sập. Ghế đá bị cỏ dại che khuất, một số đoạn vỉa hè còn sót được người dân tận dụng phơi lục bình. Những chiếc đèn chùm không sửa chữa rơi cả xuống đất, hoa kiểng lùm xùm vì thiếu chăm sóc. Vài chòi tạm dựng lên để nuôi ong bán mật…

“Mấy ổng làm gần 10 năm rồi mà tui thấy có ra cái gì đâu? Công viên cỏ mọc nhiều làm chỗ hẹn hò, nhậu nhẹt, xả rác của mấy đứa học trò. Khu du lịch như vậy thì có ma nó mới vô chơi” - bà Nguyễn Thị Hương, một người dân địa phương, cho biết.

Không ai nhận ra đây là khu công viên với ghế đá vì cỏ mọc um tùm. Ảnh: H.NAM

Đang là ngày nghỉ nhưng khu du lịch không một bóng người. Ảnh: H.NAM

Khu du lịch “thiếu đủ thứ”

Được biết dự án này xây dựng từ năm 2003 do Sở Thương mại Du lịch (trước đây) làm chủ đầu tư với tổng số vốn hơn 107 tỉ đồng (vốn từ Tổng cục Du lịch). Từ đầu năm 2013, khu du lịch này được giao cho Trung tâm Xúc tiến du lịch Long An quản lý.

Ngoài khung cảnh nhếch nhác, ban đêm không có lực lượng bảo vệ tuần tra nên người dân thường vào bắt cá bằng xung điện. Hệ thống 12 khu chức năng như khu nuôi thú bán hoang dã, khu câu và bắt cá, khu cắm trại… còn đang dở dang.

Theo ông Trần Văn Hửng, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến du lịch Long An, toàn bộ hệ thống PCCC tại khu du lịch này đã hư hỏng, nếu có sự cố cháy nổ sẽ… đứng nhìn. Hệ thống cầu đường 5 km trong rừng tràm không có lan can bảo vệ, chưa trang bị biển cảnh báo, không có cả… toilet cho du khách. Khu du lịch chưa có chỗ ăn uống và nghỉ qua đêm. Có tháng chỉ lèo tèo 9-10 khách.

“Chúng tôi biết khu du lịch đang xuống cấp nhưng không có tiền để duy tu, sửa chữa. Hiện khu du lịch có sáu nhân viên nhưng không thể tuyển thêm người vì không có tiền để trả. Lẽ ra phải đầu tư các thứ cần thiết rồi mới thu hút khách, còn chúng ta lại làm theo chiều ngược lại” - ông Hửng nói.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, khi triển khai địa phương thiếu vốn nên “mượn tạm” khoảng 30-40 tỉ đồng để giải phóng mặt bằng. Khi hết tiền, địa phương chưa bù vào nên các hạng mục trong khu du lịch dang dở, xuống cấp không có tiền duy tu, sửa chữa.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Phạm Văn Trấn, Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Long An, cho biết hiện nay chủ trương của tỉnh là kêu gọi đầu tư xã hội hóa chứ không sử dụng ngân sách để đầu tư thêm vào khu du lịch này nữa.

“Mấy năm gần đây, chúng tôi cũng đã mời gọi nhiều đơn vị làm du lịch đến khảo sát khu du lịch này. Tuy nhiên nhà đầu tư đến xem xong rồi bỏ đi luôn, không thấy trả lời gì. Hiện nay khu này đang lâm vào cảnh dở dở ương ương, trước mắt chúng tôi chỉ biết chờ” - ông Trấn cho biết.

HOÀNG NAM

Doanh thu không đủ trả lương cho một bảo vệ

Từ năm 2008, khu du lịch đã bắt đầu mở cửa đón khách và trong năm này, doanh thu khách nội địa lẫn quốc tế đến khu du lịch hơn 2,7 triệu đồng. Năm 2014 doanh thu hơn 24 triệu đồng, tức mỗi tháng thu khoảng 2 triệu đồng, trong khi lương của bảo vệ mỗi tháng đã hơn 3 triệu đồng/người

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới