Bộ lại quên nhắc giảm giá xăng dầu?

Theo cập nhật mới nhất về giá xăng dầu thị trường trong nước và thế giới của Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, giá xăng RON 92 nhập khẩu từ Singapore bình quân 10 ngày qua đang có xu hướng giảm. Cụ thể, bình quân tính đến ngày 31-7 ở mức 116 USD/thùng, ngày 7-8 mức 114 USD và ngày 12-8 mức 112 USD. Đối chiếu với ngày 16-7 (thời điểm giá xăng dầu tăng gần nhất) mức 122 USD/thùng cho thấy giá xăng dầu nhập khẩu liên tiếp giảm.

Sự biến động theo chiều hướng đi xuống của giá xăng dầu thế giới từ nửa tháng 7 đến nay cũng đã được cơ quan quản lý thừa nhận.

Tại buổi họp báo thường kỳ mới đây của Bộ Công Thương, ông Nguyễn Xuân Chiến, Vụ phó Vụ Thị trường trong nước, cho biết từ ngày cuối tháng 7, giá xăng dầu thế giới có giảm so với thời gian trước đó.

Người tiêu dùng có phần thiệt thòi khi giá xăng dầu trong nước vẫn chưa chịu giảm. Ảnh: HTD

Vậy nếu dựa vào thực tế thị trường thế giới theo chu kỳ tính bình quân 10 ngày, cơ hội để doanh nghiệp giảm giá là hoàn toàn hợp lý. Tuy nhiên, giá xăng dầu Việt Nam lại tính theo chu kỳ 30 ngày. Cho nên dù giá thế giới giảm nhưng các doanh nghiệp vẫn vô tư giữ giá không hề có đề xuất nào lên Bộ Tài chính.

Bởi tính theo bình quân nhập khẩu 30 ngày, giá có giảm nhưng vẫn ở mức cao. Theo đó, giá chốt bình quân ngày 7-8 ở mức 118 USD/thùng, ngày 12-8 là 117 USD/thùng. Tính ra giá cơ sở tương ứng 25.110 đồng/lít và 24.896 đồng/lít, so với giá bán lẻ thực tế (24.570 đồng/lít) chênh nhau 326-540 đồng/lít.

Từ đó, đại diện Vụ Thị trường trong nước mới lý giải: Quyết định tăng, giảm giá xăng dầu phụ thuộc vào nhiều yếu tố, quan trọng nhất là giá bình quân xăng dầu thế giới trong 30 ngày. Và việc tăng hay giảm giá xăng dầu phải căn cứ giá bình quân đó để xây dựng giá bán lẻ xăng dầu trong nước.

Theo chuyên gia kinh tế TS Ngô Trí Long, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả, giá xăng dầu và giá một số mặt hàng thiết yếu khác đang được thực hiện theo hướng thị trường, có sự quản lý của Nhà nước. Thế nhưng với thực tế diễn biến hiện nay, người tiêu dùng có phần thiệt thòi khi giá xăng dầu trong nước vẫn chưa chịu giảm. Trong khi đó mỗi lần giá thế giới tăng, ngay lập tức các doanh nghiệp chưa cần đến văn bản chỉ đạo của liên bộ Tài chính - Công Thương, đã đề xuất tăng giá bán và nhận được sự chấp thuận của cơ quan quản lý. Ngược lại trong những ngày gần đây, khi giá thế giới giảm liên tiếp, các doanh nghiệp không hề có động thái nào. Bộ Tài chính thì vẫn “theo dõi diễn biến giá trong nước và thế giới” mà chưa có thông điệp nào phát đi.

Ông Long cũng cho rằng trong các văn bản chỉ đạo điều hành, liên bộ luôn luôn dùng cụm từ “bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước - doanh nghiệp - người tiêu dùng”. Phải chăng nếu theo trình tự này thì mỗi lần tăng giá, Nhà nước và doanh nghiệp là đối tượng được “hài hòa lợi ích” trước rồi mới đến người tiêu dùng? “Lâu nay giới chuyên gia, người tiêu dùng đã nói rất nhiều về cơ chế điều hành có nhiều bất cập của ngành xăng dầu, điệp khúc 10 ngày, 30 ngày luôn là cái cớ để liên bộ và doanh nghiệp lý giải cho cách điều hành của mình. Hy vọng Nghị định 84 về kinh doanh mặt hàng này khi được thay mới (đang được lấy ý kiến các bộ, ngành) sẽ không lặp lại trường hợp bình mới rượu cũ. Có như thế người tiêu dùng mới được đối xử công bằng, sòng phẳng hơn!” - ông Long chia sẻ.

TRÀ PHƯƠNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới