Tại buổi tọa đàm chuẩn bị thẩm tra tình hình kinh tế-xã hội năm 2018 và đánh giá nửa nhiệm kỳ do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức mới đây, TS Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động, cho rằng chỉ tiêu lao động qua đào tạo là bịa và cần bỏ.
Ngày 7-10, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho rằng có thể những người đưa ra ý kiến đó không phải là người trong cuộc và chưa tìm hiểu kỹ các chỉ tiêu này được tính toán và báo cáo như thế nào.
Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp nói lại những thông tin về chỉ tiêu đào tạo. Ảnh: V.LONG
Theo ông Diệp, từ năm 2014, Bộ LĐ-TB&XH được Chính phủ giao nhiệm vụ thu thập, tổng hợp chỉ tiêu “Tỉ lệ lao động đã qua đào tạo”. Việc này Bộ giao cho Cục Việc làm, không giao Viện Khoa học lao động và xã hội.
Để tổng hợp tính toán chỉ tiêu này, Cục Việc làm dựa trên cơ sở dữ liệu cung lao động được cập nhật hằng năm do Cục triển khai từ năm 2010 trở lại đây. Cơ sở dữ liệu cung lao động gồm có các thông tin cơ bản về nhân khẩu học, trình độ giáo dục phổ thông, trình độ chuyên môn kỹ thuật, lĩnh vực giáo dục-đào tạo, tình trạng hoạt động kinh tế của người lao động... do UBND cấp xã thu thập, cập nhật hằng năm. Hiện dữ liệu này đã có thông tin từ 21 triệu hộ gia đình.
Từ cơ sở dữ liệu này Cục sẽ biết được chi tiết trình độ chuyên môn kỹ thuật cao nhất mà người lao động đạt được. “Như vậy, số liệu công bố về tỉ lệ lao động qua đào tạo là hoàn toàn có cơ sở vì đây là từ dữ liệu của 21 triệu hộ gia đình chứ không ai bịa ra…” - ông Diệp khẳng định.
Nói thêm về vấn đề này, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, cho rằng Việt Nam là đất nước nông nghiệp, đang chuyển dịch cơ cấu từ nông nghiệp sang công nghiệp-xây dựng và dịch vụ nên chỉ số lao động qua đào tạo là thước đo chuyển dịch cơ cấu lao động.
“Theo đó, chỉ tiêu qua đào tạo có vai trò lịch sử của nó, cho đến giờ phút này vẫn có giá trị nhất định. Qua đó chúng ta đánh giá được lực lượng có được chuyên môn để đáp ứng yêu cầu sản xuất. Tuy nhiên, quốc tế họ không dùng chỉ tiêu qua đào tạo, mà người ta dùng chỉ tiêu lao động qua đào tạo từ ba tháng trở lên. Hiện chúng ta đang hướng đến mục tiêu đó...” -ông Lợi nói.
Ông Lợi cũng thừa nhận chỉ tiêu lao động qua đào tạo đã kết thúc được chức năng, nhiệm vụ và sứ mệnh lịch sử của nó. Nên nhiệm kỳ 2022 trở đi cần xem xét chỉ tiêu nào để đáp ứng nền công nghiệp 4.0 của Việt Nam và yêu cầu kinh tế quốc tế.
Trước đó, tại buổi tọa đàm, TS Nguyễn Thị Lan Hương cho biết: “Có những chỉ số chỉ là công cụ thôi nhưng chúng ta đưa vào là mục tiêu phấn đấu, phấn đấu không được, bị phê bình hết hơi, chẳng tội gì mà không bịa. Chỉ tiêu lao động qua đào tạo là bịa, mà chúng tôi bịa vì chẳng ai theo dõi cả”.
Bà Hương còn cho biết thêm: “Một lần tôi đã bị bộ trưởng mắng là đáng lẽ phấn đấu đến năm 2015 phải đạt tỉ lệ 50% (lao động qua đào tạo), mà chúng tôi tính ngược tính xuôi chỉ được 49% thôi. Bộ trưởng báo cáo và bị phê bình. Thế nên chẳng tội gì mà không "phết" lên 50%”.
Vị chuyên gia này cho rằng nguyên nhân do “người nghe muốn nghe cái gì” chứ không phải do người báo cáo. Bà đặt câu hỏi: “Quốc hội thực sự có dám đối diện với sự thật là lao động qua đào tạo có mỗi 23% thôi, so với các nước là thua rất nhiều hay không?”.
Nhắc lại chỉ tiêu tạo việc làm mới trước kia, bà Hương cho biết: “Chúng tôi nói thẳng không bao giờ ra được chỉ tiêu về giải quyết việc làm. Cục Việc làm đã từng tha thiết đề nghị bỏ nhưng (hai đời) bộ trưởng chẳng dám bỏ, Quốc hội cũng chẳng dám bỏ, chẳng ai dám bỏ”...