Quyền bộ trưởng TT&TT nói về thông tin giả, bịa đặt trên mạng

“Chính phủ sẽ có giải pháp gì để ngăn chặn tình trạng thông tin không chính xác, bịa đặt và những lời kêu gọi trái pháp luật đối với công nhân tràn lan trên mạng xã hội như trong thời gian vừa qua để công nhân yên tâm làm việc, tin tưởng vào Đảng, Nhà nước và chế độ…?”. Đây là câu hỏi của đại biểu Phạm Quân Ca, công nhân Công ty TNHH sản xuất phanh Nissin Việt Nam, tỉnh Vĩnh Phúc gửi tới Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong buổi đối thoại tại Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XII tổ chức chiều ngày 24-9.

Các đại biểu đặt nhiều câu hỏi trong buổi đối thoại với Thủ tướng Chính phủ. Ảnh: N.LONG

Trả lời câu hỏi của đại biểu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đề nghị Quyền Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông (TT&TT) Nguyễn Mạnh Hùng giải đáp.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng thừa nhận trên mạng xã hội có nhiều thông tin giả, thông tin sai lệch là do là nhiều người tham gia mạng xã hội không chính danh. Hiện nay, về mặt quản lý nhà nước, Bộ TT&TT đang hoàn thiện khung pháp lý cũng như làm việc với công ty cung cấp dịch vụ thông tin người tham gia mạng xã hội chính danh về tên, số điện thoại, chứng minh nhân dân... Khi đó, người tham gia trên mạng xã hội sẽ có trách nhiệm nhiều hơn.

Người đứng đầu Bộ TT&TT cũng khẳng định đến lúc cần phải xử lý những thông tin sai phạm trên không gian mạng. Nhưng để làm được việc này, ông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng trước mắt cần hoàn thiện khung pháp lý để chúng ta có thể giải quyết những tồn tại. Không gian mạng như một môi trường, nếu thông tin tốt nhiều thì thông tin xấu sẽ nhỏ đi.

Về phía công đoàn cũng cần chủ động đưa ra những thông tin chính thống. Mỗi khu công nghiệp cũng cần có 1 Fangape, để đưa thông tin chính thức của công đoàn. Hiện nay Bộ TT&TT và Tổng liên đoàn lao động VN đang làm việc để xây dựng các Fanpage trên mạng xã hội ở từng khu công nghiêp.

“Tôi nghĩ rằng nếu đẩy những thông tin chính thống lên mạng xã hội nhiều thì thông tin mạng xã hội sẽ lành mạnh hơn. Vấn đề đào tạo nâng cao nhận thức, cách hiểu mạng xã hội, cách sống với mạng xã hội, trong không gian mạng. Chúng ta có hàng ngàn năm sống trong thế giới thực, nhưng trong thế giới ảo rất là mới…”, ông Hùng nhấn mạnh.

Khẳng định trước đây thông tin chính thống là nhiều hơn, nhưng ông Hùng cho rằng mỗi cá nhân cần có bộ lọc của riêng mình. Nếu ai đọc cũng tin ngay thì rất nguy hiểm.

“Có lẽ vài câu chuyện đào tạo nâng cao nhận thức, cách mà chúng ta sống và ứng xử trên mạng xã hội không chỉ cần với người lớn mà có lẽ nên đưa vào chương trình giáo dục phổ thông…”, ông Hùng nói.

Ngoài ra, ông Hùng cho biết tới đây sẽ có 1 Trung tâm quốc gia về an toàn thông tin trên không gian mạng. Hiện Thủ tướng đã giao cho Bộ TT&TT triển khai bước đầu.

“Chúng ta có thể giám sát đánh giá thông tin sai lệch, độc hại trên không gian mạng. Sau đó, sử dụng các biện pháp kỹ thuật, làm việc với cá nhà cung cấp dịch vụ trong và ngoài nước yêu cầu họ tuân thủ làm sao chúng ta có thể sàng lọc thông tin xấu, độc, làm cho không gian mạng lành mạnh hơn…”, ông Hùng nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm