Tại cuộc họp báo Bộ LĐ-TB&XH diễn ra sáng 30-7, ông Nguyễn Duy Cường, Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội (Bộ LĐ-TB&XH), khẳng định việc không điều chỉnh chênh lệch tỉ lệ lương hưu của nam và nữ trong Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) là để phù hợp với cân đối Quỹ BHXH.
Chỉ bổ sung tỉ lệ lương hưu với người đóng BHXH dưới 20 năm
Luật BHXH 2024 vừa được Quốc hội thông qua (hiệu lực từ ngày 1-7-2025) quy định: Lao động nữ đủ điều kiện nhận lương hưu thì tỉ lệ hưởng lương hưu sẽ bằng 45%, tương ứng với 15 năm đóng BHXH.
Lao động nam đủ điều kiện nhận lương hưu tỉ lệ hưởng lương hưu sẽ bằng 45%, tương ứng với 20 năm đóng BHXH.
Cả lao động nam và nữ sau khi đạt tỉ lệ hưởng lương hưu bằng 45%, cứ mỗi năm đóng thêm sẽ được cộng 2%. Trong đó, lao động nam cần đóng 35 năm để hưởng lương hưu tối đa 75%, lao động nữ cần đóng BHXH 30 năm để đạt mức tối đa 75%.
Riêng lao động nam có thời gian đóng BHXH từ 15-20 năm, tỉ lệ hưởng lương hưu tính bằng 40% - tương ứng với 15 năm đóng, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng thì tính thêm 1%.
Với cách tính như vậy, tỉ lệ lương hưu của nam và nữ khi đóng đủ 15 năm BHXH có sự chênh lệch 5%, đóng đủ 20 năm BHXH tỉ lệ chênh lệch lương hưu của nam và nữ tăng lên 10%.
Theo tìm hiểu của PLO, một trong những nguyên nhân để xem xét tỉ lệ lương hưu của nam và nữ trong Luật BHXH hiện hành là tuổi nghỉ hưu. Trong khi đó, Bộ Luật lao động đã điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu của nam và nữ tiệm cận nhau, nam 62 và nữ 60. “Vậy vì sao khi sửa luật BHXH không giảm tỉ lệ chênh lệch lương hưu của nam và nữ tương ứng với độ tuổi nghỉ hưu?”- phóng viên hỏi.
Ông Cường cho biết Luật BHXH hiện hành đã tính toán kỹ tỉ lệ lương hưu của nam và nữ. Vì vậy khi sửa luật, cơ quan soạn thảo không đặt ra vấn đề điều chỉnh.
Với lao động nam có thời gian đóng BHXH dưới 20 năm thuộc đối tượng phát sinh mới, cần phải xem xét điều chỉnh. Theo đó, ban đầu cơ quan soạn thảo đề xuất lao động nam đóng 15 năm BHXH hưởng tỉ lệ tối thiểu 33,75%; đóng đủ 15 năm đến dưới 20 năm thì mức hưởng được tính thêm 2,25% mỗi năm.
Lao động nữ đóng BHXH 15 năm hưởng lương hưu tối thiểu giữ nguyên là 45% và cần đóng 30 năm để đạt mức tối đa 75%.
Như vậy, cùng lấy mốc 15 năm đóng BHXH tối thiểu nhưng tỉ lệ tích lũy lương hưu của lao động nam thấp hơn nữ đến 11,25%.
Tuy nhiên, qua góp ý của đại biểu Quốc hội và người dân, cơ quan soạn thảo điều chỉnh tăng tỉ lệ hưởng lương hưu của nam có thời gian đóng BHXH đủ 15 năm và dưới 20 năm lên 40%, đồng thời giảm tỉ lệ tăng thêm năm đóng BHXH của đối tượng này từ 2,5% xuống 1%.
“Luật BHXH 2024 chỉ điều chỉnh tỉ lệ lương hưu đối với nhóm hưởng lương hưu mới phát sinh, còn lại giữ nguyên như quy định hiện hành”- ông Cường nói, đồng thời nhấn mạnh tuổi nghỉ hưu chỉ là một căn cứ, cân đối Quỹ BHXH mới mang tính quyết định trong điều chỉnh tỉ lệ lương hưu.
Cứ đóng BHXH là được hưởng trợ cấp hằng tháng
Luật BHXH cũng quy định công dân Việt Nam đủ tuổi nghỉ hưu nhưng không đủ thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu và chưa đủ điều kiện hưởng trợ cấp hưu trí xã hội, nếu không hưởng BHXH một lần và không bảo lưu mà có yêu cầu thì được hưởng trợ cấp hằng tháng từ chính khoản đóng của mình.
Về thời gian hưởng và mức hưởng trợ cấp hằng tháng, ông Cường cho biết sẽ được xác định căn cứ vào thời gian đóng BHXH của người lao động. Mức trợ cấp hằng tháng thấp nhất bằng mức trợ cấp hưu trí xã hội.
“Hiện chúng tôi đang xây dựng nghị định hướng dẫn, trong đó không quy định thời gian đóng tối thiểu để được hưởng trợ cấp hàng tháng”- ông Cường thông tin.
Luật BHXH 2024 cũng quy định người lao động có thời gian đóng BHXH trước ngày 1-7-2025, sau 12 tháng không tham gia BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện, có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm được rút BHXH một lần.
Người lao động tham gia BHXH sau ngày 1-7-2025 không được nhận BHXH một lần, trừ các trường hợp: Đủ tuổi hưởng lương hưu mà chưa đủ 15 năm đóng BHXH; ra nước ngoài để định cư; đang mắc một trong những bệnh ung thư, bại liệt, xơ gan mất bù, lao nặng, AIDS; có mức suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên; người khuyết tật đặc biệt nặng.
Ông Cường cho biết thêm, trường hợp người lao động không hưởng BHXH một lần mà bảo lưu thời gian đóng để tiếp tục tham gia thì có cơ hội sẽ có các quyền lợi cao hơn, chẳng hạn mức hưởng các chế độ tốt hơn, được Quỹ BHXH đóng BHYT trong thời gian hưởng lương hưu có BHYT.
Chưa hết, người lao động còn được trợ cấp hằng tháng khi không đủ điều kiện hưởng lương hưu và chưa đủ tuổi nhận trợ cấp hưu trí xã hội... đồng thời được hưởng BHYT do ngân sách Nhà nước đảm bảo.
Luật BHXH 2024 cũng quy định giao Chính phủ trình Quốc hội xem xét điều chỉnh một số quy định liên quan đến căn cứ đóng BHXH bắt buộc, cách tính mức bình quân tiền lương làm căn cứ tính lương hưu, trợ cấp BHXH và điều chỉnh tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc khi Nhà nước áp dụng chế độ tiền lương mới theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo thay thế cho hệ thống bảng lương hiện hành.