Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ có hiệu lực từ 1-1-2025, có nhiều quy định mới trong cấp bằng lái và đào tạo lái xe. Vì vậy, Bộ GTVT đang dự thảo thông tư quy định về đào tạo, sát hạch, cấp, thu hồi giấy phép lái xe; cấp, sử dụng giấy phép lái xe quốc tế; kiểm tra, cấp chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ.
Phải học đủ thời gian quy định mới được thi
Pháp luật hiện hành đang quy định, hạng B1 và B2 được cấp cho người không hành nghề và hành nghề lái xe ô tô chở người đến 9 chỗ tính cả chỗ ngồi cho người lái xe; ô tô tải, kể cả ô tô tải chuyên dùng có trọng tải thiết kế dưới 3.500kg.
Tuy nhiên, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ quy định hạng B1 chỉ được phép điều khiển các loại mô tô ba bánh và xe thuộc hạng A1, bao gồm xe mô tô hai bánh có dung tích xi lanh đến 125cm3, hoặc có công suất động cơ điện đến 11kW.
Thêm vào đó, luật mới xoá bỏ hạng B2, thay vào đó bổ sung hạng B. Hạng B được cấp cho người lái xe ô tô chở người đến 8 chỗ, không kể chỗ của người lái xe. Hạng C cũng được chia thành hạng C1 và C và cấp cho người lái xe ô tô tải và ô tô chuyên dùng.
Theo đó, người lái xe đang sở hữu hạng B1, B2 vẫn sử dụng điều khiển phương tiện bình thường. Trường hợp muốn cấp, đổi sẽ được cơ quan chức năng chuyển sang hạng tương đương là hạng B hoặc hạng C1. Đồng thời, từ 1-1-2025, người học lái xe ô tô sẽ được cấp các bằng hạng B, C1… thay vì B1, B2… như trước đây.
Để phù hợp quy định trên, Bộ GTVT đề xuất bổ sung quy định kiểm tra cấp bằng lái đối với hai hạng mới là B và C1. Theo đó, người học muốn được cấp bằng lái hai hạng trên phải trải qua phần thi lý thuyến gồm các câu hỏi môn pháp luật giao thông đường bộ; cấu tạo và sửa chữa thông thường; nghiệp vụ vận tải; đạo đức, văn hoá giao thông, phòng chống tác hại của rượu bia… và mô phỏng các tình huống giao thông.
Với môn thực hành, học viên phải trải qua các bài thi liên hoàn, bài tiến lùi hình chữ chi và lái xe trên đường.
Người học lái xe được xét kiểm tra kết thúc môn học khi tham dự ít nhất 70% thời gian học lý thuyết. Học đủ thời gian và tối thiểu 50% số km học thực hành lái xe trên sân tập lái, đủ số km và tối thiểu 50% thời gian học thực hành lái xe trên đường.
Điểm đánh giá kết quả học tập của học sinh theo thang điểm 10. Điều kiện được xét cấp giấy chứng nhận hoàn thành khóa đào tạo là người học lái xe có 100% các kết quả kiểm tra hết môn học trong chương trình đào tạo, có điểm kiểm tra đạt các môn học từ 5 điểm trở lên.
Cạnh đó, Bộ GTVT cũng đề xuất bổ sung điều kiện nâng hạng giấy phép lái xe, theo hướng người học phải có đủ thời gian lái xe an toàn như sau: Hạng B lên C1, B lên C, B lên D1, B lên BE, C1 lên C, C1 lên D1, C1 lên D2, C1 lên C1E, D1 lên D2, D1 lên D, D1 lên D1E, D2 lên D, D2 lên D2E, D lên DE thời gian lái xe an toàn từ hai năm trở lên. Hạng B lên D2, C lên D, thời gian lái xe an toàn từ ba năm trở lên.
Học viên được tự chọn hình thức học lý thuyết
Về hình thức đào tạo, Bộ GTVT cũng đề xuất người có nhu cầu cấp giấy phép lái xe hai bánh các hạng A1, A và B1 được tự học các môn lý thuyết, nhưng phải đăng ký tại cơ sở được phép đào tạo để được ôn luyện, kiểm tra.
Người có nhu cầu cấp giấy phép lái xe ô tô các hạng B, C1, C, D1, D2, D, BE, C1E, CE, D1E, D2E và DE được lựa chọn học lý thuyết một trong các hình thức sau: tập trung tại cơ sở đào tạo; tập trung tại cơ sở đào tạo kết hợp đào tạo từ xa, tự học có hướng dẫn; đào tạo từ xa, tự học có hướng dẫn.
Tuy nhiên, với các môn học thực hành, dự thảo thông tư quy định phải học tập trung tại cơ sở đào tạo, gồm: cấu tạo và sửa chữa thông thường; kỹ năng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; kỹ thuật lái xe.
Việc kiểm tra các môn lý thuyết và thực hành lái xe đều phải tổ chức tại cơ sở đào tạo, để được xét cấp giấy chứng nhận hoàn thành khóa đào tạo.
“Quá thời hạn một năm kể từ ngày cơ sở đào tạo tổ chức xét cấp giấy chứng nhận hoàn thành khóa đào tạo lần đầu của khóa đào tạo mà học viên không đủ điều kiện để được cấp giấy chứng nhận hoàn thành khóa đào tạo thì phải đào tạo lại theo khóa học mới…”- dự thảo thông tư quy định.
Bộ GTVT cũng đưa vào quy định bắt buộc các trung tâm đào tạo lái xe phải truyền, chia sẻ ngay dữ liệu giám sát sát hạch đến Sở GTVT và cơ quan quản lý về trật tự an toàn giao thông đường bộ ở địa phương. Đồng thời, các trung tâm phải lưu trữ và chịu trách nhiệm về tính chính xác, đầy đủ, trung thực dữ liệu giám sát sát hạch; bảo đảm an toàn dữ liệu…
Đại diện Bộ GTVT, cho biết các quy định trên nhằm phù hợp với Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ vừa được Quốc hội thông qua. Đồng thời, những điều chỉnh này cũng đảm bảo tính tương thích với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Theo đánh giá của một số chuyên gia giao thông, những quy định trên rất phù hợp, đáp ứng nhu cầu thực tế của xã hội. Trong đó, quy định cho học viên được lựa chọn hình thức học lý thuyết thực tế đã triển khai thời gian qua và giúp người học tiết kiệm được nhiều thời gian hơn.
“Tuy nhiên, để công tác đào tạo lái xe được tốt, ngoài xây dựng chính sách vai trò tuân thủ pháp luật của các trung tâm và ý thức của người học cũng rất quan trọng”- vị chuyên gia này cho hay.
Đồng quan điểm, anh Nguyễn Quỳnh, ngụ ở quận Thanh Xuân, Hà Nội nhận định chương trình học lái xe ở trong nước hiện nay rất bài bản, thậm chí khó hơn nhiều quốc gia phát triển. Vì vậy, điều quan trọng cơ quan chức năng phải thiết lập được bộ máy giám sát để các trung tâm không muốn và không thể làm sai. “Từ đó, học viên khi được cấp bằng đều có kỹ năng lái xe tốt, giảm tai nạn giao thông”- anh Quỳnh nói.
Bộ GTVT cho biết Luật Giao thông đường bộ, quy định cơ sở đào tạo lái xe là loại hình cơ sở dạy nghề. Theo đó, quy trình về xây dựng giáo trình, chương trình đào tạo chi tiết, tổ chức kiểm tra, xét công nhận tốt nghiệp, cấp chứng chỉ sơ cấp nghề do thủ trưởng cơ sở đào tạo lái xe xây dựng.
Tuy nhiên, Luật mới không quy định Cơ sở đào tạo lái xe là loại hình cơ sở dạy nghề. Vì vậy, Bộ GTVT đề xuất bổ sung quy định về thẩm quyền của cơ sở đào tạo trong công tác xây dựng giáo trình, chương trình đào tạo chi tiết, tổ chức kiểm tra, xét công nhận tốt nghiệp, cấp chứng chỉ sơ cấp nghề để đảm bảo tính khả thi của chính sách.