Bộ mặt ngành thẩm mỹ bẩn do quảng cáo lố

Ngày 31-10, hơn 160 hội viên Hội Phẫu thuật Thẩm mỹ (PTTM) TP.HCM đã ngồi lại cùng Hội Y học thành phố để chia sẻ tâm tư, tình cảm sau vụ BS Nguyễn Mạnh Tường ở Hà Nội vứt xác. Các bác sĩ lên án hành vi của BS Tường, lên án các bác sĩ hành nghề không phép và đề xuất với Sở Y tế những giải pháp siết chặt quảng cáo, chống bác sĩ hành nghề “chui”…

Cắt mí, hút mỡ cũng nội soi!

BS Nguyễn Thanh Hải, phòng Thông tin truyền thông - Hội PTTM TP.HCM, chia sẻ rất nhiều quảng cáo nói quá sự thật. Có những kỹ thuật, thậm chí là kỹ thuật rất cũ nhưng người ta đẩy lên thành cao trào trong khi người dân không nắm rõ hết.

Theo PGS-TS-BS Lê Hành, Chủ tịch Hội PTTM TP.HCM, quảng cáo là rất cần thiết và rất tốt. Nhưng quảng cáo quá chức năng, quảng cáo bằng lời lẽ ghê gớm thì đây là quảng cáo trái phép. “Anh sau quảng cáo luôn phải hơn anh trước. Có anh nói tôi là người đầu tiên trong nước thì anh kia phải nói tôi là người đầu tiên ở khu vực... Chúng ta bị ảnh hưởng bởi thẩm mỹ của Hàn Quốc, cái gì cũng đầu tiên. Nhiều người quan niệm muốn tạo đẳng cấp thì phải quảng cáo nhưng họ có biết rằng muốn trở thành chuyên gia hàng đầu phải mất 20-30 năm. Quảng cáo quá đáng làm cho bộ mặt của ngành PTTM không sạch sẽ -  PGS Lê Hành nói.

Bộ mặt ngành thẩm mỹ bẩn do quảng cáo lố ảnh 1

Sau vụ BS Tường vứt xác, nhiều bệnh viện thẩm mỹ tại TP.HCM cho biết khách hàng đã không dám nâng ngực dù đã đóng tiền. Ảnh minh họa: BS PHAN HIỆP LỢI

BS Nguyễn Xuân Cương, hội viên Hội PTTM TP.HCM, tâm tư: Chúng tôi rất buồn khi mình cố gắng xây dựng ngành thẩm mỹ Việt Nam nhưng chỉ bằng 1-2 năm, các bác sĩ trẻ đã xóa sạch thương hiệu thẩm mỹ Việt Nam. “Họ quảng cáo cho bệnh nhân cắt cánh mũi nội soi là nội soi, cắt mí cũng… nội soi, vậy nội soi chỗ nào? Giờ còn thêm quảng cáo… hút mỡ nội soi. Chứng tỏ bác sĩ quảng cáo không biết gì về hút mỡ. Vì hút mỡ phải làm bằng tay và nhìn bằng mắt” - BS phân tích.

Chấn chỉnh quảng cáo thẩm mỹ

Các bác sĩ đã đề xuất cần chấn hưng ngành thẩm mỹ bắt đầu từ việc cấp quảng cáo, bởi hiện thành phố chỉ có vài chục phòng khám PTTM nhưng có đến hơn 3.000 cơ sở spa, thẩm mỹ viện… quảng cáo loạn xạ.

“Trước khi quyết định cấp quảng cáo cho  phòng khám thẩm mỹ, Sở Y tế cần tham vấn Hội PTTM, vì người ta có thể dùng những thuật ngữ để lách luật, đánh lừa khách hàng. Thí dụ như phương pháp hút mỡ là phương pháp rất cũ nhưng gần đây họ đẩy lên rất cao siêu và đua nhau làm” - BS Hải nói.

PGS Lê Hành cao kiến: Thứ nhất, chỉ cho phép một bác sĩ quảng cáo trên một tạp chí 1-2 lần/năm (như Hong Kong quy định). Thứ hai, quy định khung quảng cáo, thí dụ 1/2 trang A4, chỉ quảng cáo cái mình làm được chứ không làm tràn lan. Thứ ba, tránh những chữ sau đây trong quảng cáo: nhất thế giới, số một, duy nhất, chỉ có, hàng đầu...

Theo TS-BS Bùi Minh Trạng, Chánh Thanh tra Sở Y tế, hiện nay Sở quản lý quảng cáo trong lĩnh vực khám, chữa bệnh khá chặt. Tuy nhiên, về quảng cáo khám, chữa bệnh chưa có quy định cụ thể nên chỉ yêu cầu các cơ sở đăng ký với Sở Y tế để Sở chấp thuận, làm theo đúng quy định. Sắp tới, Sở Y tế sẽ mời Hội PTTM tham gia vào công tác cấp chứng chỉ hành nghề.

Chống bác sĩ… giả!

Theo một số bác sĩ thẩm mỹ, TP.HCM có rất nhiều người mổ không phép, thậm chí có những người không phải là bác sĩ cũng tham gia PTTM. “Tôi cũng biết 3-4 chỗ tay ngang đi PTTM, họ làm hư rồi sang đưa tôi sửa. BV Chợ Rẫy cũng nhận rất nhiều ca nâng mũi theo công nghệ Hàn Quốc bị nhiễm trùng. Sở Y tế nên coi lại để người làm nghề chân chính đỡ mang tiếng” - BS Đỗ Quang Hùng, Trưởng khoa PTTM, BV Chợ Rẫy, nói.

Chánh Thanh tra Sở Y tế TP.HCM Bùi Minh Trạng đề nghị: Hội PTTM phải thống nhất hai thuật ngữ là phòng khám PTTM hoặc cơ sở PTTM để phân biệt với thẩm mỹ viện và đồng loạt làm cùng biển hiệu. Có như vậy mới dễ quản lý, xử phạt.

Thời gian gần đây liên tục có những biến chứng gây hậu quả nghiêm trọng trong hoạt động nghề nghiệp, làm ảnh hưởng đến uy tín của ngành cũng như uy tín của các anh em đang hoạt động trong ngành thẩm mỹ. Ngoài những tai biến, biến chứng trong từng loại phẫu thuật và đã được ghi nhận thì có rất nhiều biến chứng xảy ra gần đây do bác sĩ thiếu kiến thức chuyên môn, hoạt động quá phạm vi cho phép, thiếu trang thiết bị xử lý sơ cứu, cấp cứu, hạn chế trong xử lý tình huống cấp cứu… dẫn đến những tai nạn nghề nghiệp đáng tiếc.

Nhân đây, tôi xin cảnh tỉnh các anh em còn hành nghề vượt chuyên môn, quảng cáo và hoạt động vượt phạm vi cho phép, hãy vì sự nghiệp, vì ngành y nói chung và ngành thẩm mỹ của nước nhà nói riêng, vì lợi ích và sinh mạng của khách hàng, của bệnh nhân… mà thẳng thắn nhìn lại mình, chấn chỉnh mình kịp thời. Đừng để những tai nạn đáng tiếc cứ liên tục xảy ra trong tình hình ngành y  đang trong giai đoạn khó khăn.

Ngoài ra, tôi xin tha thiết yêu cầu các anh em chưa là hội viên của Hội PTTM TP.HCM thì đừng dùng danh nghĩa hội viên trong hoạt động nghề nghiệp của mình.

Nhân đây, tôi cũng đôi lời cùng khách hàng, bệnh nhân ngành thẩm mỹ… Hãy chọn những bác sĩ có giấy phép hành nghề được ghi ngay tại bảng hiệu bên ngoài các cơ sở. Hoặc tham khảo tại trang web www.hoithammy.org để chọn cho mình địa chỉ và bác sĩ có uy tín.

(Trích Thư cảnh báo gửi các hội viên của PGS-TS-BS LÊ HÀNH, Chủ tịch Hội PTTM TP.HCM)

Bác sĩ thẩm mỹ phải học cấp cứu

Các phòng khám thẩm mỹ phải đặt vấn đề cấp cứu giống như trong bệnh viện, bởi khi bệnh nhân bị phản ứng thì phải được cấp cứu liền, nếu trang bị sơ sài sẽ không xử lý kịp, bởi khi tiêm một mũi thuốc thì ở đâu cũng phản ứng như nhau. Đặc biệt, bác sĩ thẩm mỹ phải được học qua khóa cấp cứu, tốt nghiệp xong mới được cấp chứng chỉ hành nghề.

Một bác sĩ đề xuất

DUY TÍNH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm