Bổ nhiệm cán bộ dính kỷ luật: Phải thận trọng!

Liên quan đến việc bổ nhiệm cán bộ đang dính kỷ luật cảnh cáo về mặt đảng ở huyện Hòa Bình (Bạc Liêu) làm trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy, ngày 6-9, chúng tôi đã liên hệ với lãnh đạo Tỉnh ủy Bạc Liêu cùng các chuyên gia từ Ủy ban Kiểm tra, Ban Tổ chức Trung ương để tìm hiểu về các quy định hiện hành liên quan.

Quy định 105: Không được bổ nhiệm vào chức vụ cao hơn

Theo các nguồn tin chuyên môn này, trong lĩnh vực kỷ luật đảng viên có hai văn bản quan trọng là Quy định 30 của Ban Chấp hành Trung ương về thi hành Chương VII, VIII Điều lệ Đảng về công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật của Đảng (năm 2016) và Quy định 102 của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm (năm 2017) .

Theo hai văn bản này, với trường hợp đảng viên đang trong thời gian bị xem xét, thi hành kỷ luật thì không được luân chuyển, bổ nhiệm, phong, thăng quân hàm; phong, tặng, công nhận các danh hiệu của Đảng và Nhà nước.Trường hợp đảng viên bị kỷ luật cách chức thì trong vòng một năm sau đó không được bầu vào cấp ủy, không được bổ nhiệm vào các chức vụ tương đương và cao hơn.

Hai quy định này không đề cập tới trường hợp đảng viên bị kỷ luật từ khiển trách đến cảnh cáo.

Tuy nhiên, tình huống này lại được dự liệu trong Quy định 105 (năm 2017) của Bộ Chính trị về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử. Theo đó, cán bộ bị kỷ luật từ khiển trách trở lên thì không được quy hoạch, bổ nhiệm vào các chức vụ cao hơn trong thời gian ít nhất một năm kể từ khi có quyết định kỷ luật.

Chuyên gia từ Ban Tổ chức Trung ương cho biết quan điểm chung về công tác cán bộ của Đảng là kỷ luật không đồng nghĩa đóng mọi cơ hội đóng góp, cống hiến, phát triển của đảng viên. “Ngay cả bị cách chức rồi mà anh quyết tâm sửa sai, tiến bộ thì vẫn có thể xem xét cất nhắc cơ mà, huống chi là mới bị khiển trách, cảnh cáo. Vấn đề là khi xem xét luân chuyển, điều động, bổ nhiệm thì cấp ủy ở đó phải thận trọng, đánh giá cả nhu cầu sử dụng cán bộ, uy tín của nhân sự đó cũng như dư luận cán bộ, đảng viên xem có thuận không” - chuyên gia này bình luận.

Ông Long Quang Dũng đã tự nguyện xin từ chức chủ tịch HĐND huyện Hòa Bình hồi tháng 7-2019. Ảnh: PV

Tính toán thế nào khi sửa đổi Luật CBCC?

Cũng liên quan đến vấn đề này, ngoài quy định của Đảng thì còn có Luật Cán bộ công chức - CBCC (năm 2008) điều chỉnh.

Theo đó, Điều 82 luật này quy định CBCC đang trong thời gian bị xem xét kỷ luật, đang bị điều tra, truy tố, xét xử thì không được ứng cử, đề cử, bổ nhiệm, điều động, luân chuyển, biệt phái, đào tạo, bồi dưỡng, thi nâng ngạch, giải quyết nghỉ hưu hoặc thôi việc. CBCC bị kỷ luật từ khiển trách đến cách chức thì không thực hiện việc nâng ngạch, quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày quyết định kỷ luật có hiệu lực.

Tuy nhiên, quy định này cùng nhiều quy định khác trong Luật CBCC đã bộc lộ bất cập nên đang được Quốc hội xem xét sửa đổi.

Nguồn tin từ Bộ Nội vụ cho biết trong dự thảo mới nhất, Điều 82 được sửa đổi theo hướng chỉ cấm việc nâng ngạch, quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm vào chức vụ “cao hơn” trong thời hạn 12 tháng với CBCC bị kỷ luật. Như vậy, nếu sửa theo hướng sửa này thì quy định tới đây sẽ đồng bộ với quy định của Đảng, cho phép điều động, bổ nhiệm, luân chuyển sang chức vụ chính quyền tương đương.

“Phải phân công nhiệm vụ cho cán bộ”

Trước nhiều ý kiến trái chiều, ngày 5-9, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, bà Mai Cẩm Giang, Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Hòa Bình, khẳng định việc bổ nhiệm ông Long Quang Dũng vào chức vụ trên là đúng theo Quy định 105 của Bộ Chính trị.

Ngày 6-9, một lãnh đạo cấp ủy của tỉnh Bạc Liêu cũng cho rằng: “Về nguyên tắc, ở hình thức kỷ luật cảnh cáo Đảng, khi vẫn chưa hết thời hạn kỷ luật, ông Long Quang Dũng không thể được điều động, bổ nhiệm ở vị trí cao hơn vị trí hiện tại. Trước đó ông đã xin tự nguyện từ chức chủ tịch HĐND huyện và được chấp thuận. Ông không còn chức vụ nào khác về mặt chính quyền, chỉ còn chức vụ trong Đảng là ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy. Chức này tương đương chức trưởng đầu ngành các ban Đảng ở huyện. Nên việc để ông làm trưởng Ban Tuyên giáo huyện Hòa Bình là đúng quy định về công tác cán bộ của Đảng hiện nay”.

Vị lãnh đạo này cũng nhấn mạnh: “Ông Dũng là cán bộ, đang không có chức vụ chính quyền nên phải phân công nhiệm vụ cho ông. Đó là hoạt động phân công nhiệm vụ cho đảng viên, trong công tác cán bộ của Đảng. Nó bình thường, đúng quy định và cần thiết. Nếu Hòa Bình làm sai thì tôi đã tuýt còi rồi”. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm