Chính phủ vừa có báo cáo gửi Quốc hội về việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số Nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII thuộc lĩnh vực Nội vụ.
Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân. Ảnh: quochoi.vn
Báo cáo cho hay từ năm 2019 đến nay, Bộ Nội vụ đã tiến hành hơn 40 cuộc thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch về quản lý, sử dụng biên chế công chức; công tác bổ nhiệm công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý; số lượng cấp phó công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý…
Trong thời gian từ 2017 đến hết 2019, các bộ, ngành, địa phương đã tiến hành hơn 3.570 cuộc thanh tra, kiểm tra đối với gần 4.300 cơ quan, tổ chức thuộc, trực thuộc.
Đối với những sai phạm phát hiện qua thanh tra, kiểm tra, Thủ tướng đã chỉ đạo xử lý nghiêm; yêu cầu các bộ, ngành, địa phương nghiêm túc kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và các hình thức xử lý đối với cá nhân, tổ chức để xảy ra sai phạm trong công tác tổ chức, quản lý và sử dụng biên chế; thực hiện tinh giản biên chế chưa đúng tiến độ, tỉ lệ theo quy định; bổ nhiệm cấp phó vượt quá số lượng quy định…
Đặc biệt, các sai phạm tại một số bộ, ngành, địa phương đã bị xử lý bằng hình thức thu hồi, hủy bỏ các quyết định tuyển dụng, bổ nhiệm công chức, viên chức không đúng quy định.
Cụ thể, có 252 trường hợp bị thu hồi quyết định tuyển dụng; 271 trường hợp bị thu hồi quyết định bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, điều động bổ nhiệm; 118 trường hợp bị thu hồi, hủy bỏ quyết định thăng hạng chức danh nghề nghiệp; 53 trường hợp bị xếp lại ngạch công chức, hạng viên chức; 53 trường hợp bị thi hành kỷ luật.
Có 955 trường hợp bị kiểm điểm, rút kinh nghiệm; 967 trường hợp bị áp dụng biện pháp xử lý khác.
Ngoài các cuộc thanh tra, kiểm tra trực tiếp, các bộ, ngành, địa phương đã nhận thấy sai sót và tự khắc phục.
Cụ thể: 133 trường hợp bị thu hồi quyết định tuyển dụng theo chính sách thu hút của các bộ, ngành, địa phương; bảy trường hợp bị thu hồi, hủy bỏ quyết định bổ nhiệm; 45 trường hợp bị thu hồi, hủy bỏ quyết định tuyển dụng, tiếp nhận; tám trường hợp bị xếp lại ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức.
Ngoài ra, có 61 trường hợp bị chấm dứt hợp đồng lao động làm công tác chuyên môn, nghiệp vụ.
Đồng thời, Bộ Nội vụ cũng kiến nghị các bộ, ngành, địa phương tự xử lý các sai phạm.
Theo đó, các bộ, ngành, địa phương đã thu hồi quyết định tuyển dụng theo chính sách thu hút đối với 59 trường hợp; thu hồi, hủy bỏ quyết định bổ nhiệm đối với 27 trường hợp…
Đặc biệt, Bộ Nội vụ kiến nghị chấm dứt hợp đồng lao động làm công tác chuyên môn, nghiệp vụ đối với 2.176 trường hợp; xử lý theo Kết luận số 43-TB/TW và Kết luận số 48-KL/TW đối với 249 trường hợp.
Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga từng chất vấn Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân: “Có hay không tình trạng bổ nhiệm ồ ạt cán bộ tại không ít Bộ, ngành, địa phương vào thời điểm chuyển giao nhiệm kỳ, trong đó có những người không đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định". Ảnh: quochoi.vn
Theo báo cáo của Chính phủ, những tồn tại, hạn chế, sai phạm được phát hiện thông qua công tác thanh tra, kiểm tra gồm: Không thực hiện đúng quy định về thành lập Hội đồng tuyển dụng, không công khai thông báo tuyển dụng, hình thức thi đối với một số môn thi ở nhiều kỳ thi không đúng, việc chấm thi còn có sai sót, miễn thi môn ngoại ngữ, tin học và ưu tiên trong tuyển dụng không đúng quy định (đối với việc thi tuyển, xét tuyển).
Việc tuyển dụng công chức đối với các trường hợp đặc biệt tại các bộ, ngành, địa phương không đúng tiêu chuẩn về bằng cấp chuyên môn hoặc thời gian công tác, không thực hiện đủ trình tự trong việc kiểm tra, sát hạch hoặc xin ý kiến của cơ quan có thẩm quyền.
Một số địa phương ban hành chính sách thu hút không phù hợp quy định (đối với tuyển dụng đặc biệt không qua thi); không thực hiện đầy đủ trình tự bổ nhiệm hoặc bổ nhiệm các trường hợp chưa đáp ứng đủ tiêu chuẩn tại thời điểm bổ nhiệm về trình độ chuyên môn, quản lý nhà nước, lý luận chính trị, ngoại ngữ, tin học, quá tuổi bổ nhiệm lần đầu, không có trong quy hoạch, có số lượng cấp phó vượt quy định...