Bộ Nội vụ đề xuất nhiều chính sách về lương, phụ cấp với người về hưu sớm

(PLO)- Bên cạnh những quy định đang được hưởng, Bộ Nội vụ đề xuất thêm nhiều chính sách về lương, phụ cấp đối với cán bộ, viên chức về hưu trước tuổi.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Bộ Nội vụ đang lấy ý kiến đối với dự thảo Nghị định thay thế các Nghị định 108/2014, 113/2018, 143/2020 về chính sách tinh giản biên chế. Trong đó, Bộ Nội vụ đề xuất năm trường hợp tinh giản biên chế được hưởng thêm nhiều chính sách về hưu trước tuổi.

Trường hợp thứ nhất là những người thuộc đối tượng tinh giản biên chế có tuổi thấp hơn từ 2 đến 5 tuổi so với tuổi nghỉ hưu quy định và có đủ thời gian đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) để được hưởng chế độ hưu trí.

Bên cạnh đó, những người này phải có đủ 15 năm làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục hoặc có đủ 15 năm làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn bao gồm cả thời gian làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên trước 1-1-2021.

Bộ Nội vụ đề xuất năm trường hợp tinh giản biên chế được hưởng thêm nhiều chính sách về hưu trước tuổi. Ảnh minh họa: NGUYỆT NHI

Bộ Nội vụ đề xuất năm trường hợp tinh giản biên chế được hưởng thêm nhiều chính sách về hưu trước tuổi. Ảnh minh họa: NGUYỆT NHI

Nếu đáp ứng các điều kiện nêu trên, ngoài hưởng chế độ hưu trí theo quy định thì người nghỉ hưu trước tuổi còn được hưởng các chế độ như không bị trừ tỉ lệ lương hưu do việc nghỉ hưu trước tuổi, được trợ cấp ba tháng tiền lương cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi so với tuổi nghỉ hưu quy định.

Ngoài ra, những người này còn được trợ cấp năm tháng tiền lương cho hai mươi năm đầu công tác, có đóng đủ BHXH. Từ năm 21 trở đi, cứ mỗi năm công tác có đóng BHXH được trợ cấp 1/2 tháng tiền lương. Nếu thời gian đóng BHXH có tháng lẻ là 1/2 năm thì được trợ cấp là 1/4 tháng tiền lương.

Trường hợp thứ hai là những đối tượng tinh giản biên chế (trừ nữ cán bộ, công chức cấp xã) có tuổi thấp hơn tuổi nghỉ hưu 2-5 năm, có đủ 20 năm đóng BHXH trở lên, được hưởng chế độ hưu trí theo quy định và được trợ cấp ba tháng tiền lương cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi so với tuổi nghỉ hưu quy định.

Trường hợp thứ ba, nữ cán bộ, công chức cấp xã thuộc đối tượng tinh giản biên chế có tuổi thấp hơn 2-5 năm so với tuổi nghỉ hưu quy định và có đủ 15 năm đến dưới 20 năm đóng BHXH, ngoài hưởng chế độ lương hưu theo quy định thì sẽ không bị trừ tỉ lệ lương hưu do nghỉ hưu trước tuổi.

Những người này cũng sẽ được trợ cấp ba tháng tiền lương cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi so với tuổi nghỉ hưu, đồng thời được trợ cấp năm tháng tiền lương cho thời gian công tác có đóng từ đủ 15 năm đến dưới 20 năm đóng BHXH.

Trường hợp thứ 4, đối tượng thuộc trường hợp tinh giản mà nghỉ việc trước hai năm so với tuổi nghỉ hưu quy định và có đủ 20 năm đóng BHXH trở lên, trong đó có đủ 15 năm làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục hoặc có đủ 15 năm làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn (bao gồm cả thời gian làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên trước 1-1-2021). Những người này sẽ được hưởng chế độ hưu trí theo quy định và không bị trừ tỉ lệ lương hưu do việc nghỉ hưu trước tuổi.

Trường hợp thứ năm là những đối tượng tinh giản biên chế có tuổi thấp hơn 2 tuổi so với tuổi nghỉ hưu và có đủ 20 năm đóng BHXH trở lên (riêng cán bộ, công chức cấp xã là nữ thì có từ đủ 15 năm đến dưới 20 năm BHXH). Những người này sẽ được hưởng chế độ hưu trí theo quy định và không bị trừ tỉ lệ lương hưu do nghỉ hưu trước tuổi.

Các quy định nêu trên được kế thừa từ Nghị định 143/2020, đồng thời bổ sung chính sách về hưu trước tuổi đối với nữ cán bộ, công chức cấp xã có từ đủ 15 năm và dưới 20 năm đóng BHXH và đủ tuổi đời hưởng chế độ hưu trí theo quy định.

Bộ Nội vụ cho hay chính sách tinh giản biên chế được ban hành đã tạo cơ sở pháp lý để áp dụng chế độ, chính sách đối với đối tượng tinh giản biên chế. Từ đó cơ cấu lại, nâng cao chất lượng của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, tiết kiệm giảm chi thường xuyên, cải cách chính sách tiền lương…

Các Nghị định 108/2014, 113/2018, 143/2020 cũng đã tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan, đơn vị, tổ chức trong giải quyết chế độ, chính sách đối với đối tượng tinh giản biên chế. Cùng đó, đã phân cấp cho các bộ, ngành, địa phương chủ động trong thực hiện tinh giản biên chế.

Cũng theo Bộ Nội vụ, việc xây dựng Nghị định mới quy định về tinh giản biên chế trên cơ sở kế thừa các quy định còn phù hợp tại các nghị định cũ, đồng thời thể chế hóa các chủ trương của Đảng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và quy định của pháp luật. Qua đó, giải quyết chế độ, chính sách đối với đối tượng tinh giản biên chế; khắc phục các tồn tại, hạn chế của các nghị định quy định về chính sách tinh giản biên chế hiện hành.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm