'Bố ơi, con ngu lắm hả'

Cách trò chuyện hài hước, “thẳng-thô-thật” của hai vị khách mời: Thạc sĩ xã hội học Trần Đình Dũng (tác giả sách Quà của bố) và tâm sự mềm mại của biên tập viên Thu Hà (tác giả sách “Con nghĩ đi, mẹ không biết”) khiến buổi trò chuyện về chủ đề “Bé học gì ngoài trường học” trở nên thân mật, thoải mái hơn. Buổi trò chuyện vừa diễn ra tối 27-3 tại Toa Tàu (Bình Thạnh, TP.HCM).

Những vấn đề như: Có nên cho con học trước, làm thế nào để giải quyết mâu thuẫn giữa hai thế hệ trong cách nuôi dạy con cháu mình, chọn đúng “nhà thầu phụ” cùng bố mẹ nuôi con khôn lớn… đều được chia sẻ trong buổi trò chuyện này.

“Bố mẹ sẽ học cùng con”


Chủ đề “Bé học gì ngoài trường học”

Tại buổi nói chuyện, anh D., một phụ huynh chia sẻ câu chuyện của mình: "Vì tự tin và vì muốn con có thể thoải mái bước vào lớp 1, tôi quyết định không ép bé đi học trước. Kết quả ngày vào học, bé là đứa trẻ duy nhất trong lớp không biết đọc biết viết. Khác với tâm trạng háo hức của buổi sáng đến lớp, bé trở về với tâm trạng rầu rĩ. Bé ngước nhìn tôi hỏi ”Bố ơi, con ngu lắm hả?”".

Nhiều người khá tò mò vậy sau đó anh sẽ trả lời con như thế nào và anh sẽ làm thế nào để con theo kịp các bạn.

“Tôi xoa đầu con và bảo: Con đã tự tập xe được, con biết tô màu,… Từ bây giờ ba sẽ cùng tập đọc, tập viết cùng con. Chúng ta sẽ làm được thôi!” - anh kể chuyện.

Và quả thật, sáu tháng sau con anh đã theo kịp các bạn. Đứa trẻ vui vẻ trở lại.

Câu trả lời của ông bố trẻ nhận được tràng vỗ tay nhiệt tình từ các bậc phụ huynh. Thay vì giao con cho cô, hay cuống cuồng tìm những lớp học phụ đạo cho con, anh và vợ nhẫn nại cùng con trong những buổi học tại nhà, nắm tay con đưa những nét bút đầu tiên, đánh vần cùng con những từ quen thuộc.

Không khó để nhận ra, đa phần phụ huynh đều cho con học thêm trước khi vào lớp như một xu hướng, không muốn con bị thua thiệt với bạn bè.

Biên tập viên Thu Hà (tác giả sách “Con nghĩ đi, mẹ không biết” chia sẻ, khoảng thời gian quyết tâm không cho con đi học trước, nhiều người nói chị ác, để con tự bơi giữa các bạn đã thành thạo, làm con mất tự tin ngay điểm xuất phát. Nhưng thực tế, trước đó chị thường trò chuyện với con rằng “con không học trước cho nên con sẽ chậm hơn các bạn trong việc viết và đọc nhưng bù lại, con và mẹ có nhiều thời gian đi chơi, đi du lịch, tập các môn thể thao như đạp xe, bơi, trượt patin, tập đàn, tập hát, tập vẽ…”


Khách mời Thu Hà (tác giả sách “Con nghĩ đi, mẹ không biết”). Ảnh: NGUYỄN TRÀ

Chúng tôi xin được lược trích một đoạn trong bài viết “Tôi không cho con học thêm trước khi vào lớp 1” của chị gửi tới các bạn độc giả: “Tôi nhớ câu dẫn trong cuốn sách so sánh Giáo dục Việt Nam và Phần Lan của TS Nguyễn Khánh Trung: "Khi chúng ta lạc đường, càng tiến tới, chúng ta càng xa đích đến!". Đường học còn rất dài, còn suốt cả cuộc đời. Hãy để bé đặt bước chân khởi đầu vào lớp 1 bằng sự háo hức của một đứa trẻ khi được học điều mới mẻ chứ không phải là cực hình khi phải ngồi yên trật tự nghe lại những điều cũ kỹ đã học mấy tháng trước”

Chọn “nhà thầu phụ” như thế nào?

Bố mẹ luôn cố gắng đi tìm những “nhà thầu phụ” để cùng bố mẹ dạy con mình. Nhưng làm thế nào để tìm được nhà thầu phụ có tâm, họ “làm giáo dục” chứ không phải “kinh doanh giáo dục” là vấn đề mà nhiều bậc phụ huynh đau đầu.

Chị NTH, một phụ huynh chia sẻ chị cho con đi học rất nhiều khóa kỹ năng khác nhau như cứu hỏa, sơ cứu người bị chết đuối… nhưng chị thấy những khóa kỹ năng đó rất rời rạc. Một vài buổi học không thể giúp con đọng lại cái gì. Với chị một nơi làm giáo dục thực sự nghĩa là họ phải có triết lý rõ ràng của riêng mình. “Với tôi điều quan trọng là con cần phải hiểu: Sống không chỉ biết đến mình mà phải biết nghĩ và quan tâm đến người khác.”


Khách mời Trần Đình Dũng (tác giả sách Quà của bố). Ảnh: NGUYỄN TRÀ

“Ai cũng nói tôi dạy cho con bạn cái gì nhưng rất ít người nói họ dạy như thế nào. Thứ nhất, Ai cũng luôn luôn nói cái “What” mà họ luôn dấu cái “How”. Nếu nơi nào đó nói cho bạn cái “How”, hướng dẫn cho bạn cách dạy con như thế nào… thì nơi đó là nơi “làm giáo dục” chứ không phải “kinh doanh giáo dục”" - ThS xã hội học Trần Đình Dũng nói.

Anh cũng lưu ý các bậc phụ huynh: "Đừng để cơ sở vật chất của bất kỳ nơi nào làm che mờ cảm nhận của bạn. Bàn ghế, dụng cụ học tập… nơi mà bạn bước vào và có cảm giác chỉ ba ngày sau bước ra con bạn sẽ có đủ tiêu chuẩn để vào Harvard. Đừng! Hãy nhìn vào giá trị thật của ngôi trường đó. Hãy xem cách họ nói và kết quả họ làm: Họ sẽ làm những gì cho con bạn, con bạn và họ sẽ cùng học những gì, tại sao họ làm như thế, điều mà con bạn sẽ học được là gì… đó là cả một hành trình chứ không chỉ đôi ba ngày mà có được”.

Chuỗi tọa đàm “Cùng bố mẹ trò chuyện” tại Toa Tàu Trẻ Em đã khởi động vào 5-3 với chủ đề đầu tiên “Để con tự giác học”, trao đổi về những vấn đề xung quanh việc khuyến khích và hướng dẫn con trẻ thích thú, chủ động và tự giác trong việc học.

“Bé học gì ngoài trường học?” là nội dung buổi trò chuyện thứ hai trong chuỗi tọa đàm này.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới