Ngày 4-1, Bộ Quốc phòng Nga công bố số liệu thống kê ước tính về viện trợ nước ngoài mà Ukraine nhận được trong cuộc xung đột Nga-Ukraine, theo đài RT.
Theo Bộ Quốc phòng Nga, có khoảng 54 quốc gia cung cấp các khoản viện trợ trị giá hơn 203 tỉ USD cho Ukraine kể từ khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra hồi tháng 2-2022.
Bộ Quốc phòng Nga cũng ước tính quân đội Ukraine được viện trợ hơn 1.600 thiết bị tên lửa và pháo binh, hơn 200 hệ thống phòng không, khoảng 5.220 xe tăng và xe bọc thép, cùng hơn 23.000 máy bay không người lái (UAV).
Ngoài ra, Bộ Quốc phòng Nga ước tính khoảng 13.500 lính đánh thuê nước ngoài đến Ukraine để hỗ trợ Kiev. Trong đó, có khoảng 8.500 người châu Âu và hơn 2.700 người từ Bắc và Nam Mỹ, số còn lại đến từ châu Á và châu Phi.
Theo Bộ Quốc phòng Nga, hiện có hơn 1.900 người nước ngoài nằm trong hàng ngũ quân đội Ukraine.
Bên cạnh đó, Bộ Quốc phòng Nga cũng ước tính có hơn 500 tàu vũ trụ của Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), bao gồm 70 vệ tinh giám sát quân sự và vệ tinh thương mại nhưng có mục đích sử dụng kép, đang phục vụ nhu cầu của Kiev.
Ukraine cũng nhận được hơn 20.000 thiết bị đầu cuối Starlink từ công ty SpaceX của tỉ phú Mỹ Elon Musk, theo Bộ Quốc phòng Nga.
Tuy nhiên, viện trợ nước ngoài cho Kiev đã giảm đáng kể trong những tháng gần đây, theo RT.
Các quan chức Nga cảnh báo rằng việc phương Tây cung cấp vũ khí, chia sẻ thông tin tình báo và huấn luyện cho quân đội Ukraine chỉ làm gia tăng nguy cơ kéo dài cuộc chiến và không làm thay đổi mục tiêu kết quả cuộc xung đột.
Ukraine và các nước phương Tây chưa lên tiếng về các thông tin và số liệu do Bộ Quốc phòng Nga đưa ra.
Tại Mỹ, các nghị sĩ đảng Cộng hòa phản đối gói hỗ trợ 60 tỉ USD cho Ukraine mà chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đề xuất. Theo đài CNN hôm 3-1, Ngoại trưởng Ukraine - ông Dmitry Kuleba nói rằng chính quyền Kiev “không có kế hoạch B” nếu viện trợ của Mỹ không đến kịp thời.
Trong khi đó, Hungary đã phủ quyết gói viện trợ trị giá 50 tỉ euro (55 tỉ USD) trong vòng 4 năm cho Ukraine theo kế hoạch của Liên minh châu Âu (EU).