Các cuộc tấn công tên lửa quy mô lớn của Nga gần đây nhằm vào Ukraine đã gây ra sự tàn phá trên diện rộng.
Ý đồ thật sự của Nga
Trang Business Insider dẫn nhận định của giới chuyên gia rằng ngoài việc cố gắng phá hủy các mục tiêu ở Ukraine, Nga có thể còn đang cố dẫn dụ Ukraine sử dụng hết số tên lửa Patriot vốn có hạn của nước này.
Nếu không có sự bảo vệ của hệ thống phòng không Patriot, Nga có thể sẽ gây ra nhiều thiệt hại hơn cho Ukraine mà không lo các cuộc tấn công của mình sẽ bị thất bại.
Thời điểm này lại đặc biệt thích hợp khi quốc hội Mỹ chậm trễ phê duyệt gói viện trợ quân sự tiếp theo cho Ukraine, làm hạn chế khả năng Ukraine nhận thêm tên lửa Patriot.
Tiến sĩ Jade McGlynn, nhà nghiên cứu chính trị Nga và là trợ lý cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), nhận định việc làm cạn kiệt kho tên lửa Patriot cùng các loại tên lửa khác của Ukraine rõ ràng nằm trong chiến lược của Nga.
Đồng quan điểm với bà McGlynn, nhà báo Yaroslav Trofimov của báo The Wall Street Journal cho rằng Nga đang tìm cách làm vơi đi kho dự trữ tên lửa Patriot của Ukraine với hy vọng sau đó có thể phá hủy các khẩu đội này. Như vậy, những tổ hợp Patriot sẽ khó thay thế hơn nhiều.
Cũng theo nhà báo Trofimov, một loại tên lửa đất đối không khác là NASAMS cũng là mục tiêu của Nga.
Ukraine đã nhận được 5 tổ hợp tên lửa Patriot từ Mỹ, Đức và Hà Lan.
Hệ thống Patriot có thể theo dõi 100 mục tiêu cách 96 km, và được cho đã phá hủy nhiều tên lửa cùng máy bay của Nga.
Tháng 12 năm ngoái, Ukraine cho hay nước này sắp nhận thêm hệ thống Patriot từ phương Tây, trong đó có 1 tổ hợp từ Đức và không đi sâu chi tiết. Một nhà tài trợ khác – Mỹ - không thể viện trợ thêm nếu không có sự chấp thuận của quốc hội.
Các nghị sĩ đảng Cộng hòa ở Thượng viện đã chặn yêu cầu của Tổng thống Mỹ Joe Biden về việc cấp thêm tài trợ, nói rằng họ sẽ chỉ phê duyệt nếu yêu cầu của họ về việc tài trợ cho biên giới phía nam nước Mỹ được đáp ứng trước.
Điều này đã khiến Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken phải lên tiếng cảnh báo vào tháng trước: “Chúng ta sắp hết số tiền cần thiết và sắp hết thời gian”.
Theo bà McGlynn, những diễn biến tại quốc hội Mỹ đã lý giải tại sao Nga phải chờ tới cuối tháng 12-2023 mới bắt đầu tiến hành các cuộc tấn công tên lửa ồ ạt nhằm vào Ukraine.
Bà McGlynn lưu ý rằng năm 2022, các cuộc tấn công của Nga bắt đầu vào khoảng tháng 10.
“Điều này có ý nghĩa trong bối cảnh Mỹ đình trệ phê duyệt viện trợ quốc phòng cho Ukraine” – bà McGlynn nói.
Nhà báo Trofimov cũng cho rằng Nga muốn tận dụng sự chậm trễ của quốc hội Mỹ.
Trong khi đó, ông Keir Giles, nhà phân tích về Nga tại viện chính sách Chatham House (tổ chức phi chính phủ ở Anh), cho rằng có thể Nga đang thực hiện chiến dịch tên lửa theo khung thời gian riêng của nước này và biết được rằng sẽ có nguồn cung cấp hạn chế cho Ukraine từ nước ngoài.
Tuy nhiên, ông Giles cũng nói rằng việc thiếu sự hỗ trợ đảm bảo của Mỹ khiến tình hình trở nên khó khăn hơn nhiều với Ukraine, buộc họ phải đưa ra những quyết định khó khăn về thời điểm sử dụng hệ thống phòng không.
Nga thay đổi mục tiêu tấn công tại Ukraine
Theo cập nhật tình báo của Bộ Quốc phòng Anh hôm 3-1, các cuộc tấn công gần đây của Nga nhằm vào Ukraine cho thấy sự thay đổi trong chiến lược của Nga.
Bộ Quốc phòng Anh đánh giá Nga đã sử dụng phần lớn kho dự trữ tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo phóng từ trên không mà họ đã chế tạo trong những tháng gần đây. Đồng thời Bộ Quốc phòng Anh lưu ý các mục tiêu của Nga tại Ukraine đã thay đổi.
Các cuộc tấn công gần đây chủ yếu nhắm vào ngành công nghiệp quốc phòng Ukraine, trái ngược với các cuộc tấn công Nga tiến hành vào mùa đông năm trước, Bộ Quốc phòng Anh nhận định. Bộ này lưu ý thêm vào đầu tháng 12-2023, các cuộc tấn công của Nga chủ yếu nhằm vào cơ sở hạ tầng năng lượng.
“Những cuộc tấn công này cho thấy ít nhất có một sự thay đổi tạm thời trong cách tiếp cận của Nga đối với việc tiến hành các cuộc tấn công tầm xa” – Bộ Quốc phòng Anh nhấn mạnh.
Bộ này nói thêm các nhà hoạch định Nga gần như nhận ra tầm quan trọng ngày càng tăng của năng lực công nghiệp quốc phòng khi họ chuẩn bị cho một cuộc chiến kéo dài.
Lệnh trừng phạt của phương Tây dần mất hiệu quả
Theo Business Insider, các cuộc tấn công ồ ạt nhằm vào Ukraine gần đây cho thấy Nga đã bổ sung kho dự trữ tên lửa, và thông tin tình báo cho thấy nước này đang nhắm tới một loạt mục tiêu quan trọng mới.
Việc Nga liên tục tấn công Ukraine cũng đặt ra câu hỏi về tính hiệu quả của các lệnh trừng phạt phương Tây nhằm vào Nga nhằm làm suy yếu khả năng sản xuất vũ khí của nước này.
Chỉ trong vài ngày qua, Nga đã tiến hành các cuộc tấn công tầm xa quy mô lớn nhằm vào Ukraine, tấn công cơ sở hạ tầng dân sự và quân sự. Giới chức Ukraine mô tả cuộc tấn công của Nga hôm 29-12-2023 là cuộc tấn công trên không tồi tệ nhất trong cuộc xung đột với 158 tên lửa và máy bay không người lái (UAV) được sử dụng, khiến ít nhất 39 người thiệt mạng.
Hôm 2-1, Nga tiến hành tấn công Ukraine với 100 tên lửa, trong đó có 10 tên lửa siêu thanh Kinzhal, và UAV. Ukraine tuyên bố nước này đã bắn hạ phần lớn tên lửa của Nga, trong đó có 10/10 tên lửa Kinzhal bằng hệ thống phòng không Patriot do Mỹ cung cấp.
Hôm 2-1, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói rằng kể từ ngày 29-12-2023, phía Nga đã phóng khoảng 500 tên lửa và UAV vào Ukraine.
Số lượng vũ khí được Nga sử dụng phù hợp với cảnh báo từ giới chức Ukraine rằng Nga đã tích lũy vũ khí cho các cuộc tấn công trên không quy mô lớn hơn, đồng thời đặt câu hỏi về kho dự trữ vũ khí và khả năng sản xuất vũ khí của nước này.
Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) trụ sở tại Washington DC (Mỹ) đánh giá cuộc tấn công của Nga hôm 29-12-2023 dường như là đỉnh cao của nhiều tháng Nga trải nghiệm sự kết hợp nhiều loại vũ khí và UAV khác nhau cũng như nỗ lực kiểm tra hệ thống phòng không của Ukraine.
ISW nói thêm trong khi Nga sẽ tiếp tục tiến hành các cuộc tấn công quy mô lớn nhằm áp đảo phòng không và làm sa sút tinh thần Ukraine, thì dự trữ tên lửa và UAV cũng như tốc độ sản xuất vũ khí hiện tại của Nga có thể không cho phép lực lượng Nga tiến hành các cuộc tập kích tên lửa quy mô lớn thường xuyên, nhưng cho phép tiến hành tấn công bằng UAV ổn định hơn.
Và sau các cuộc tấn công gần đây nhất, dường như Nga đang sử dụng tên lửa nhanh hơn khả năng thay thế chúng, ISW lưu ý.
Tuy nhiên, các báo cáo gần đây cho thấy Nga đã và đang tiếp tục đầu tư mạnh vào khả năng sản xuất tên lửa. Dù các lệnh trừng phạt của phương Tây áp vào Nga đã tạo ra vết lõm lớn trong ngành công nghiệp quốc phòng Nga nhưng dường như hiệu quả ban đầu của lệnh trừng phạt đã dần mất đi.
Các chuyên gia trước đây đánh giá rằng Nga đã tăng cường sản xuất đạn dược tầm xa cùng các loại vũ khí và hệ thống khác.
“Với Nga, nguồn cung cấp vũ khí tấn công của Nga đang tăng lên. Tháng 10-2022, Nga sản xuất khoảng 40 tên lửa tầm xa trong một tháng. Hiện nay, nước này sản xuất hơn 100 tên lửa mỗi tháng” – chuyên gia Justin Bronk tại Viện Các quân chủng thống nhất Hoàng gia Anh (RUSI) cho hay.
Ông Bronk nhấn mạnh Nga hiện nay đã chuyển nền kinh tế nước này sang trạng thái sẵn sàng chiến tranh.
Việc Nga đầu tư vào sản xuất đạn dược đã khiến giới chức Ukraine lo ngại, đặc biệt là khi phương Tây chậm trễ về viện trợ quân sự trong tương lai.
Trả lời phỏng vấn tờ The Economist ngày 1-1, nhà lãnh đạo Ukraine Zelensky nói rằng phương Tây đã mất đi sự cấp bách trong việc hỗ trợ Ukraine, điều này sẽ khiến lực lượng Ukraine dễ tổn thương trước các cuộc tấn công trên bộ và trên không của Nga.