Bộ Quốc phòng cho biết đơn vị này nhận được Văn bản số 1194/BDN ngày 11-10-2023 của Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc báo cáo nguyên nhân chưa giải quyết dứt điểm kiến nghị cử tri, kèm theo kiến nghị của cử tri tỉnh Đắk Lắk.
Cụ thể, kiến nghị của cử tri có nội dung “Đề nghị đề xuất với Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định 36/2008/NĐ-CP ngày 28-3-2008 của Chính phủ về quản lý tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ, cụ thể:
Bổ sung thiết bị bay không người lái vào danh mục cần thiết được phép sử dụng đối với cơ quan quản lý ngành lâm nghiệp và đơn vị chủ rừng được Nhà nước giao rừng, cho thuê rừng để quản lý, bảo vệ.
Việc tổ chức hoạt động bay được phép trong phạm vi vùng rừng do đơn vị quản lý, bảo vệ mà không ảnh hưởng các khu vực quân sự thuộc bí mật nhà nước để thực hiện.
Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan Nhà nước đã được Chính phủ có chủ trương thực hiện theo Nghị định số 64/2007/NĐ-CP ngày 10-4-2007 chưa có cơ chế chính sách đầu tư thiết bị, công nghệ cho địa phương để thực hiện quản lý, bảo vệ rừng tự nhiên có hiệu quả”.
Về nội dung này, Bộ Quốc phòng có văn bản trả lời, trong đó nêu rõ: Theo quy định tại Nghị định số 36/2008/NĐ-CP ngày 28-3-2008 của Chính phủ về quản lý tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ (Nghị định số 36) và các văn bản hiện hành không cấm, hạn chế sử dụng thiết bị bay không người lái trong hoạt động quản lý, bảo vệ rừng.
Trừ các khu vực rừng nằm trong khu vực cấm bay theo Quyết định số 18/2020/QĐ-TTg ngày 10-6-2020 của Thủ tướng Chính phủ về thiết lập khu vực cấm bay, khu vực hạn chế bay đối với tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ.
Thời gian qua, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo Cục Tác chiến cấp phép bay cho các thiết bị bay không người lái ứng dụng trong nhiều lĩnh vực đời sống xã hội như: Truyền thông, Nông nghiệp, Lâm nghiệp, quy hoạch đô thị, quản lý lưới điện, quản lý an ninh - trật tự..., trong đó, đã cấp các phép bay phục vụ quản lý, bảo vệ rừng cho các Chi cục, Hạt kiểm lâm thuộc các tỉnh: Bà Rịa - Vũng Tàu, Gia Lai, Đồng Tháp, Lâm Đồng, Đắk Nông, Bắc Kạn, Tây Ninh; thời gian mỗi lần cấp phép từ 03-06 tháng theo đề nghị.
Tiếp thu ý kiến của cử tri, để tạo thuận lợi cho ứng dụng thiết bị bay không người lái trong ngành Lâm nghiệp nói riêng và trong mọi lĩnh vực đời sống xã hội nói chung, trong dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 36 (chuẩn bị trình Chính phủ), Bộ Quốc phòng đề xuất phân quyền cấp phép bay ở ba cấp:
Cục Tác chiến, cấp Quân khu và cấp Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương; thời gian một lần cấp phép bay đối với các khu vực cố định (khu vực truyền thống) tối đa đến 360 ngày; cùng với đó, Bộ Quốc phòng đang tích cực hoàn thiện hạ tầng cung cấp dịch vụ công để tiếp nhận và trả lời thủ tục hành chính trực tuyến trên môi trường mạng Internet (môi trường điện tử).
Về vấn đề “chưa có cơ chế chính sách đầu tư thiết bị, công nghệ cho địa phương để thực hiện quản lý, bảo vệ rừng tự nhiên có hiệu quả”, Bộ Quốc phòng cho biết: Thời gian qua Bộ Quốc phòng đã tích cực phối hợp với các Bộ: Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Khoa học và Công nghệ rà soát cấp phép nhập khẩu, sản xuất hàng nghìn thiết bị bay không người lái phục vụ sản xuất nông nghiệp, quản lý bảo vệ rừng....
Bộ Quốc phòng xác định đây là lĩnh vực ưu tiên đầu tư, kinh doanh theo tinh thần “sớm triển khai trên toàn quốc thiết bị bay không người lái trong nông nghiệp nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc mùa vụ cho nông dân” tại Văn bản số: 304/TB-VPCP ngày 18-8-2020 của Văn phòng Chính phủ Thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại hội nghị với lãnh đạo các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng Sông Cửu Long.
“Như vậy, những vấn đề cử tri tỉnh Đắk Lắk nêu cũng là các vấn đề Chính phủ, Bộ Quốc phòng đã và đang quan tâm giải quyết; việc chậm ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 36 không ảnh hưởng đến các chính sách ưu tiên ứng dụng phương tiện bay không người lái trong Lâm nghiệp” - Bộ Quốc phòng bày tỏ.