Bỏ quyền khởi tố vụ án của tòa: Thay đổi mang tính thực tiễn

(PLO)- Bỏ quyền khởi tố vụ án của tòa không ảnh hưởng đến thực hiện quyền tư pháp trong sự phối hợp giữa tòa án với các cơ quan tiến hành tố tụng.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Theo tờ trình đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức TAND, TAND Tối cao đề xuất phương án bỏ quy định “tòa án có thẩm quyền ra quyết định khởi tố vụ án hình sự tại phiên tòa”.

Thẩm quyền khởi tố vụ án không thuộc chức năng xét xử

Hiện nay, thẩm quyền ra quyết định khởi tố vụ án tại phiên tòa được quy định tại khoản 4 Điều 153 BLTTHS 2015. Cụ thể, HĐXX có thẩm quyền ra quyết định khởi tố vụ án trong trường hợp nếu qua việc xét xử tại phiên tòa mà phát hiện có việc bỏ lọt tội phạm. Cạnh đó, điểm d khoản 3 Điều 2 Luật Tổ chức TAND 2014 cũng quy định một trong những quyền của tòa án khi xét xử là quyền khởi tố vụ án nếu phát hiện có việc bỏ lọt tội phạm.

Để xem xét đề xuất bỏ quy định tòa án có thẩm quyền ra quyết định khởi tố vụ án hình sự tại phiên tòa có cơ sở hay không, chúng ta cần phải xem xét chức năng của tòa án được quy định trong Hiến pháp 2013.

Theo khoản 1 Điều 102 Hiến pháp 2013 quy định: “TAND là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp”. Như vậy, TAND bên cạnh chức năng xét xử thì còn thực hiện quyền tư pháp.

HĐXX trong một phiên tòa hình sự tại TAND TP. HCM. Ảnh: HỮU ĐĂNG

HĐXX trong một phiên tòa hình sự tại TAND TP. HCM. Ảnh: HỮU ĐĂNG

Về mặt lý luận, căn cứ vào chức năng của tố tụng hình sự thì theo nguyên tắc buộc tội đến đâu thì xét xử đến đó, tòa án xét xử bị cáo trong giới hạn hành vi mà VKS truy tố. Tòa án đóng vai trò là trọng tài, bên nào thực hiện việc buộc tội bên đó phải có trách nhiệm chứng minh, lập luận cho các cơ sở, lý lẽ của việc buộc tội, tạo cơ sở để phát huy tính chủ động, tích cực và trách nhiệm của kiểm sát viên và luật sư trong thực hiện chức năng tố tụng của mình. Nếu tòa án chỉ thực hiện chức năng xét xử thì không thực hiện những thẩm quyền thuộc chức năng buộc tội. Điều đó cũng có nghĩa là nếu TAND chỉ thực hiện chức năng xét xử thì thẩm quyền khởi tố vụ án không thuộc chức năng xét xử của tòa án.

Quyền khởi tố vụ án hình sự có phải quyền tư pháp?

Vấn đề tiếp theo là nội hàm khái niệm “thực hiện quyền tư pháp” là như thế nào? Quyền khởi tố vụ án hình sự có thuộc “thực hiện quyền tư pháp” hay không?

Về mặt lý luận, nội dung của quyền tư pháp bao gồm các thẩm quyền: Xét xử và phán quyết về các tranh chấp, xung đột trong xã hội; giải thích pháp luật; tổng kết thực tiễn xét xử và hướng dẫn áp dụng pháp luật; xây dựng và phát triển án lệ; xây dựng và phát triển cộng đồng thẩm phán; kiểm tra tính hợp pháp và tính có căn cứ của các quyết định và hoạt động của các cơ quan nhà nước và của những người có chức vụ, quyền hạn; bảo đảm việc thi hành và chấp hành các bản án, các quyết định khác.

Quyền tư pháp thuộc về tòa án. Quyền tư pháp vừa có tính thống nhất vừa có tính phối hợp. Tính phối hợp của quyền tư pháp được hiểu: (1) Sự phối hợp của quyền tư pháp với quyền lập pháp, với quyền hành pháp trong thực hiện quyền lực thống nhất của Nhà nước; (2) Sự phối hợp của cơ quan tư pháp (tòa án) với các cơ quan tham gia thực hiện quyền tư pháp (VKS, cơ quan công an, cơ quan thi hành án).

Với cách hiểu như trên, bỏ quyền khởi tố vụ án hình sự của tòa án không ảnh hưởng đến “thực hiện quyền tư pháp” trong sự phối hợp giữa tòa án với các cơ quan tiến hành tố tụng khác thực hiện nhiệm vụ của luật tố tụng hình sự, trong đó có nhiệm vụ “không để lọt tội phạm” mà còn hỗ trợ tốt hơn chức năng xét xử của tòa án.

Tóm lại, đề xuất bỏ quy định tòa án có thẩm quyền ra quyết định khởi tố vụ án hình sự tại phiên tòa là không mâu thuẫn với quy định của hiến pháp, đảm bảo về lý luận và phù hợp với thực tiễn xét xử ở nước ta hiện nay.•

HĐXX không có điều kiện xác minh những dấu hiệu tội phạm

Về mặt thực tiễn, để thực hiện quyền khởi tố vụ án, các cơ quan có thẩm quyền phải dựa trên các căn cứ quy định của luật tố tụng hình sự như tố giác của công dân, tin báo của cơ quan, tổ chức, dấu hiệu tội phạm do cơ quan có thẩm quyền trực tiếp phát hiện...

Để đảm bảo tính chính xác, có căn cứ của quyết định khởi tố vụ án các cơ quan có thẩm quyền phải thực hiện các hoạt động xác minh, củng cố chứng cứ làm cơ sở cho việc khởi tố. Trong khi đó, HĐXX chỉ thực hiện chức năng xét xử thuần túy, không có điều kiện xác minh những dấu hiệu tội phạm làm căn cứ để khởi tố vụ án. Vì vậy, việc quyết định khởi tố vụ án và đảm bảo tính chặt chẽ có căn cứ của quyết định khởi tố vụ án của HĐXX hiện nay là rất khó khăn.

Do đó, dự thảo sửa đổi theo hướng bỏ quy định tòa án có thẩm quyền ra quyết định khởi tố vụ án hình sự tại phiên tòa là có tính thực tiễn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm