Việc phân loại rác đầu nguồn lâu nay đã có quy định rõ ràng nhưng người dân phần lớn chưa thực hiện đúng. Gần đây đã xảy ra một số tai nạn, gây thương tích cho các công nhân vệ sinh do khi gom rác có lẫn vật sắc nhọn, dễ vỡ. Có trường hợp phải chuyển đi bệnh viện cấp cứu.
Phải cấp cứu vì dọn rác đụng miểng chai
Mới đây, tại một chung cư ở TP.HCM xảy ra vụ tai nạn lao động khiến một công nhân dọn vệ sinh phải đi cấp cứu vì vết đứt ở tay quá sâu. Theo người dân ở chung cư này, trong lúc thu gom rác lên xe, người công nhân trên bị miểng chai cắt trúng ngay mạch máu, chảy máu khá nhiều. Nguyên nhân do có một số miểng chai được để chung với rác thải thông thường trong bọc đựng rác màu đen, người gom rác không thấy nên cầm trúng ngay mảng miểng chai sắc bén.
Ngay lập tức, người dân trong chung cư đã đưa anh công nhân đi bệnh viện cấp cứu để cầm máu lại.
Câu chuyện trên đã được rất nhiều người chia sẻ trên trang mạng xã hội, mục đích để nhắc mọi người nên có ý thức hơn trong việc phân loại rác, tránh gây tai nạn cho công nhân vệ sinh.
Anh Nguyễn Văn Thành, người thu gom rác dân lập tại khu vực phường Thạnh Xuân, quận 12, TP.HCM, cho biết hiện nay, việc phân loại rác tại nguồn đã được các địa phương tuyên truyền vận động rất nhiều nhưng trên thực tế số người thực hiện không nhiều. “Điển hình là khu vực tôi thu gom, tất các loại rác người dân đều gom chung vào một túi nylon rồi bỏ vào thùng. Có hôm bóng đèn bị bể họ bỏ vô thùng không bao bọc gì cả, tôi vớ tay vào thùng lấy rác đụng phải nên bị đứt tay. Mặc dù có găng tay bảo vệ nhưng những vật sắc nhọn vẫn có thể gây vết thương. Những vết thương ở tay trong khi đi gom rác rất nguy hiểm, lâu lành và rất dễ bị nhiễm trùng” - anh Thành kể.
“Khi bỏ các loại rác thải, xin người dân cẩn thận, có ý thức hơn, đừng để người gom rác chúng tôi phải gặp tai nạn” - anh Thành kêu gọi.
Chị Lê Thị Nga, tổ trưởng tổ vệ sinh 3, Công ty Môi trường đô thị TP.HCM, cho biết trong quá trình dọn rác phát sinh ở ngoài đường, nhiều công nhân cũng từng bị những mảnh kiếng vỡ cắt trúng chảy máu. Chúng tôi rất mong muốn người dân khi đổ rác có ý thức hơn trong việc phân loại rác đầu nguồn. Bà con nên phân loại, bỏ những rác thải như mảnh vỡ chai thủy tinh, chén... hoặc vật dụng có thể gây nguy hiểm cho người thu gom. Các loại rác này nên để riêng, gói kỹ lại hoặc ghi mảnh giấy cảnh báo để cho công nhân vệ sinh đi gom rác biết.
Rác có mảnh vỡ sắc nhọn được người dân dán cảnh báo để người thu gom rác biết. Ảnh: NG.HIỀN
Dán cảnh báo để người dọn rác không bị tai nạn
Chị Thanh Lan sống tại chung cư Nguyễn Văn Luông, phường 11, quận 6, TP.HCM cho biết chung cư của chị ở có 10 tầng, mỗi tầng có một đường ống đổ rác thông xuống tầng cuối cùng của chung cư. Trước đây thường xảy ra các vụ công nhân vệ sinh đi gom rác bị tai nạn đứt tay, chân khi gom rác. Sau đó, ban quản lý chung cư và đơn vị thu gom rác có phổ biến cũng như phát tờ rơi hướng dẫn cách phân loại rác cho các hộ dân.
Theo đó, rác các loại đã được phân loại, để riêng biệt giúp người thu gom rác dễ phân biệt, xử lý, tránh xảy ra được các tai nạn đáng tiếc. Với các vật dụng nhọn, sắc bén thì người dân nơi đây sẽ để riêng để gần nơi đổ rác, dán mảnh giấy ghi vào dòng chữ “Mảnh vỡ, sắc bén” hay một số nội dung tương tự để người thu gom rác biết đặng cẩn thận hơn.
Chị Ngân Phương ở chung cư 35 Hồ Học Lãm, quận Bình Tân, TP.HCM cho biết trong sinh hoạt hằng ngày, gia đình nào cũng thường có các mảnh vỡ gương, ly tách… Các loại rác này phải được xử lý cẩn thận ngay từ đầu, gói gọn lại và ghi lên vài dòng chữ cảnh báo như “Cẩn thận, có mảnh vỡ sắc nhọn”. Sau đó, các bịch rác này được đem xuống nơi thu gom rác để vào nơi quy định, không bỏ qua đường thu gom rác trên các tầng vì dễ rách thủng vì vật sắc, nhọn.
Cũng theo chị Lê Thị Nga, tổ trưởng tổ vệ sinh 3, Công ty Môi trường đô thị TP.HCM, nếu tất cả hộ dân thực hiện được việc phân loại rác như trên thì sẽ giúp ích rất nhiều cho công nhân vệ sinh, giúp họ tránh được các tai nạn đáng tiếc khi đi thu gom rác.
Không phân loại rác, bị phạt 15-20 triệu đồng Theo Quyết định 44/2018 của UBND TP.HCM, người dân, đơn vị tiếp nhận rác phải phân loại rác tại nguồn, nếu không phân loại rác thì có thể bị xử phạt từ 15 triệu đến 20 triệu đồng theo quy định của Nghị định 155/2016. Tại khoản 4 Điều 20 Nghị định 155/2016 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường quy định: Phạt tiền từ 15 triệu đến 20 triệu đồng đối với hành vi không phân loại, không lưu giữ chất thải rắn sinh hoạt theo quy định; không ký hợp đồng hoặc không chuyển giao chất thải rắn sinh hoạt cho đơn vị có chức năng thu gom, vận chuyển và xử lý theo quy định. |