Sáng 10-11, HĐND TP.HCM phối hợp với Đài Truyền hình TP tổ chức chương trình Lắng nghe và trao đổi với chủ đề “Công tác thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt tại hộ gia đình, thực trạng và giải pháp”.
Tại đây, đại diện một số quận, huyện, công ty thu gom rác đã nêu lên những khó khăn trong công tác thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt. Đồng thời các đơn vị cũng đã đưa ra những giải pháp để nâng cao hiệu quả thu gom, vận chuyển rác tại hộ gia đình.
Ô nhiễm vì phương tiện thô sơ
Theo ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP.HCM, công ty luôn chú trọng việc đảm bảo không ô nhiễm môi trường tại điểm hẹn. Trong quá trình tiếp nhận, công ty luôn thực hiện phun xịt khử mùi, dọn dẹp rác rơi vãi. Các phương tiện chở rác của công ty khi thực hiện được vệ sinh sạch sẽ, khử mùi trước khi xử lý.
“Tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm vẫn còn tồn tại ở một số điểm hẹn. Nguyên nhân là do lực lượng thu gom rác dân lập đến điểm hẹn sớm hơn thời gian quy định. Trong thời gian chờ gom rác sẽ gây ra mùi vì rác không được che kín. Bên cạnh đó, nước rỉ ra từ rác không được lưu chứa nên phát sinh ô nhiễm ở một số điểm hẹn. Việc không vận chuyển hết rác kịp thời cũng là nguyên nhân gây ra ô nhiễm khiến người dân TP phản ứng” - ông Sơn nói.
Theo ông Sơn, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị có ưu thế rất lớn trong thu gom, vận chuyển rác trên địa bàn TP vì đang quản lý hai trạm trung chuyển với công suất 2.000 tấn/ngày. Tuy nhiên, công ty cũng gặp khó khăn vì chi phí vận hành trạm trung chuyển này chưa được TP và quận, huyện thanh toán.
Bà Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, Phó Chủ tịch UBND quận 4, cho biết địa bàn quận 4 có nhiều hẻm nhỏ, bề rộng dưới 2 m, cự ly dài, kết nối phức tạp. Phần lớn nhà dân có diện tích nhỏ, đông nhân khẩu, tâm lý người dân còn ngại lưu giữ rác trong nhà. Để hạn chế việc tồn đọng rác là một thách thức cũng như khó khăn của quận và lực lượng thu gom.
“Các phương tiện thu gom của HTX Dịch vụ môi trường quận 4 chủ yếu là xe thô sơ, xe lôi, xe lam, ba gác. Khó khăn của quận là nhiều hẻm với diện tích nhỏ, mật độ dân cư cao, các xe khó vào. Hiện việc thu gom rác ở các hẻm chủ yếu sử dụng thùng đẩy tay 660 lít là chưa phù hợp” - bà Hạnh cho biết thêm.
Lực lượng rác dân lập đi đến điểm hẹn sớm hơn thời gian quy định nên một số trường hợp gây mùi khó chịu cho người dân. Ảnh: NC
Giải pháp nào cho hiệu quả?
Để nâng cao hiệu quả thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt tại hộ gia đình, bà Nguyễn Thị Mỹ Hạnh cho biết UBND quận 4 đã ban hành kế hoạch vận động nhân dân xây dựng mô hình Nhóm hộ tự quản về trật tự đô thị, vệ sinh môi trường tại khu dân cư. Từ các mô hình này sẽ tuyên truyền các quy định về bảo vệ môi trường, phân loại rác tại nguồn. Tính đến nay, quận 4 đã có 660 nhóm hộ tự quản với hơn 28.500 hộ dân tham gia.
Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM, đề nghị tất cả hộ dân đều phải ký hợp đồng và thực hiện việc thu gom rác. Theo ông Thắng, người dân cần bỏ rác đúng nơi quy định để các tổ chức thu gom rác làm tốt nhiệm vụ.
Liên quan đến việc chuyển đổi phương tiện, ông Thắng cho biết hiện mới chỉ ban hành quy định về tiêu chuẩn kỹ thuật, không quy định mẫu xe cụ thể. Tiêu chuẩn kỹ thuật sẽ đáp ứng về tiêu chuẩn môi trường, còn mẫu xe cụ thể thì do địa phương quyết định. Vì vậy, các quận, huyện chọn mẫu nào đảm bảo chuẩn về môi trường, phù hợp với địa bàn, không cứng nhắc về mẫu, miễn sao xe đó đáp ứng được tiêu chuẩn kỹ thuật.
Về các kiến nghị chính sách khi chuyển đổi phương tiện thu gom rác, chính sách ưu đãi khi cho vay vốn chuyển đổi, ông Thắng cho biết lãnh đạo TP đã đồng ý gia hạn thời gian chuyển đổi phương tiện để phù hợp với điều kiện thực tế. “Chủ tịch UBND TP cũng đã đồng ý bổ sung vốn cho Quỹ Bảo vệ môi trường để cho vay chuyển đổi phương tiện. Thời gian cho vay nâng lên bảy năm. Đa số tổ chức vay đều đồng thuận về mức lãi suất” - ông Thắng cho hay.
Gia hạn thời gian chuyển đổi phương tiện thu gom rác Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong vừa có kết luận liên quan vấn đề chuyển đổi phương tiện thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt. Theo đó, chủ tịch TP thống nhất đề xuất của Sở TN&MT về phân kỳ gia hạn thời gian chuyển đổi phương tiện đến năm 2025. Cụ thể, giai đoạn 2020-2021, 100% các quận nội thành và khuyến khích một số huyện ngoại thành hoàn tất công tác chuyển đổi. Tập trung các nội dung như sắp xếp việc thu gom rác dân lập để tránh lãng phí thùng rác 660 lít, xác định số phương tiện cần chuyển đổi, chuyển đổi phương tiện theo hình thức cuốn chiếu, đảm bảo hoàn tất trong một năm tiếp theo. Giai đoạn 2022-2025, các huyện ngoại thành còn lại phải chuyển đổi phương tiện để đảm bảo hoàn tất trên toàn địa bàn TP. Trước đó TP yêu cầu đến ngày 31-10-2019, các quận, huyện phải hoàn thành công tác chuyển đổi phương tiện thu gom rác. Tuy nhiên, các đơn vị rác dân lập cho biết hiện đang gặp khó khăn về kinh phí để mua sắm phương tiện. |