Việc phân loại rác tại nguồn đã là một chủ trương lớn, được TP triển khai thí điểm từ năm 2006 nhưng đến nay kết quả còn khá hạn chế. Cơ quan chức năng chưa cung cấp bao bì chuyên dụng cho người dân thực hiện phân loại, nhiều nơi người dân chưa thực sự ý thức trong việc phân loại rác. Thậm chí do thiếu phương tiện và sợ mất thời gian, lắm lúc rác đã phân loại lại bị người thu gom bỏ chung thành một.
Mỗi ngày toàn TP phải thu gom và xử lý khoảng 10.000 tấn rác thải sinh hoạt. Trong đó, phần nhiều trong số lượng rác này do lực lượng thu gom rác dân lập đảm trách. Thế nhưng phương tiện thu gom của lực lượng này đã lạc hậu, không đảm bảo tiêu chuẩn môi trường. Chủ yếu là xe tải cũ, xe ba gác, xe tự chế..., được cơi nới cao thêm và treo móc xung quanh đủ loại bao tải. Rác bốc mùi, rơi vãi tung tóe trên đường vận chuyển, gây mất vệ sinh và không đảm bảo an toàn giao thông.
Tình trạng ô nhiễm cũng xảy ra ở một số trạm trung chuyển (TTC), điểm tập kết, điểm hẹn lấy rác trên khắp thành phố. Nguyên nhân do nằm sát khu dân cư, không có mái che, không được cách ly... Trong số đó, TTC rác Hiệp Thành nằm ở phường Hiệp Thành, quận 12 là một điển hình khi gần 20 năm nay làm người dân khốn đốn vì phải sống chung với ô nhiễm bởi bệnh tật, mùi hôi, chuột, ruồi... Người dân nơi đây cũng đã nhiều lần phản ánh tình trạng trên nhưng phía chính quyền địa phương vẫn chưa có thời điểm cụ thể di dời TTC này.
Tại cuộc họp bàn giải pháp chuyển đổi hạ tầng, phương tiện thu gom, xử lý rác thải của các lực lượng thu gom rác dân lập, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cho biết, các lực lượng thu gom rác dân lập phải chuyển đổi toàn bộ phương tiện thu gom, vận chuyển rác trước ngày 31-10-2019. Tuy nhiên, quyết định này đang vấp phải nhiều ý kiến trái chiều của các lực lượng này.
Nhiều đại diện cho rằng Quỹ Bảo vệ môi trường của TPHCM đã triển khai nhiều giải pháp tiếp cận đối tượng cần vay; thế nhưng tiêu chí cho vay chưa rõ ràng, việc tiếp cận nguồn vốn vay chuyển đổi phương tiện còn phức tạp, thủ tục hành chính rối rắm. Còn người thu gom rác dân lập cũng không mặn mà bởi lẽ chi phí mua xe mới phải hơn 100 triệu, thêm tốn kém xăng dầu, phải có bằng lái xe nhưng xe lại không thể len lỏi vào các con hẻm nhỏ được.
Bên cạnh đó, theo định hướng quy hoặch vị trí trạm trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn thành phố đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được UBNDTP chấp thuận, thành phố sẽ giảm dần các trạm trung chuyển trong khu vực nội thành, tăng vị trí trạm trung chuyển trên các tuyến vàng đai.
Thiết nghĩ, thành phố cần hợp nhất các lực lượng thu gom rác thải dân lập cùng với các công ty môi trường đô thị quận, huyện, thành phố nên một theo mô hình tổng công ty. Mục đích của việc làm này là nhằm kiện toàn, thống nhất và nâng cao năng lực hoạt động cho các đơn vị; đẩy mạnh việc phân loại rác thải tại nguồn, Ngoài ra, cũng cần tiến tới việc tính đúng, tính đủ chi phí xử lý rác thải đối với mỗi hộ gia đình để có thêm ngân sách đầu tư máy móc, công nghệ theo hướng hiện đại. Bao gồm các hệ thống xử lý nước thải, khí thải, mùi hôi…nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường thành phố.