Bỏ rác đúng chỗ, tiết kiệm tiền tỉ

Tại Ngày hội Sống xanh 2018 do UBND TP.HCM triển khai đầu tháng 6 vừa qua, đã có nhiều mô hình, giải pháp, ý tưởng… sống xanh được các đơn vị, tổ chức tham gia ngày hội giới thiệu, chia sẻ. Mục tiêu được ngày hội hướng đến là khuyến khích cộng đồng góp phần chung tay bảo vệ môi trường (BVMT) thông qua những hành động nhỏ trong sinh hoạt hằng ngày.

Nhiều ý tưởng hay, thiết thực

Khi nói đến sống xanh, mọi người luôn nghĩ đến những hành động BVMT mang tầm vĩ mô, cao xa. Thế nhưng sống xanh trên thực tế lại đơn giản hơn rất nhiều. Chỉ cần thay đổi một vài thói quen nhỏ trong sinh hoạt hằng ngày, chúng ta ai cũng có thể tạo ra thay đổi lớn đối với cộng đồng.

Đơn cử, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP.HCM (CITENCO) với giải pháp kêu gọi sống xanh bằng cách thực hiện phân loại rác tại nguồn đã được nhiều người quan tâm. Khi nghe giới thiệu việc phân loại rác giúp TP tiết kiệm tiền tỉ mỗi ngày, nhiều khách tham quan tỏ ra rất ngạc nhiên, thậm chí không tin. Đại diện CITENCO liền giải thích: Hằng ngày TP.HCM có 8.300 tấn chất thải sinh hoạt, 1.500 tấn chất thải rắn, 374 tấn chất thải nguy hại. Trong số 8.300 tấn rác thải sinh hoạt có rất nhiều thành phần khác nhau. Ngoài các loại rác hữu cơ từ rễ cây, rau củ quả, thức ăn hỏng... còn có cả các loại rác vô cơ như pin, ắcquy, bao nylon nói chung, chai lọ nhựa, hộp xốp, thủy tinh...

“Chi phí xử lý một tấn chất thải rắn sinh hoạt khoảng 200.000-300.000 đồng. Nếu không được phân loại từ nguồn, toàn bộ 8.300 tấn chất thải sinh hoạt đều phải mang đi chôn lấp và TP mất gần 2 tỉ đồng/ngày. Giảm khối lượng rác mang đi chôn lấp, diện tích đất phục vụ cho việc chôn lấp rác cũng sẽ giảm đáng kể. Bên cạnh đó, TP cũng giảm được gánh nặng chi phí trong việc xử lý nước rỉ rác cũng như xử lý mùi” - đại diện CITENCO nói.

Trong khi đó, thầy trò Trường ĐH Nguyễn Tất Thành lại có ý tưởng kêu gọi mọi người giảm thiểu sử dụng rác thải nhựa, tăng cường tái chế loại rác này để giảm tác động đến môi trường. Còn nhóm thiện nguyện vì môi trường xanh lại khuyến khích các em nhỏ tập làm sản phẩm xanh từ những vật liệu bỏ đi như gấp túi giấy từ bìa carton, làm móc khóa từ tre, trồng cây xanh trong các vỏ chai nhựa...

Đổ rác được nhận dầu ăn, nước mắm… là cách làm hay của CITENCO nhằm khuyến khích người dân phân loại rác tại nguồn. Ảnh: H.VI

Cần cả cộng đồng chung sức

Có mặt tại ngày hội, ông Trần Phong, Cục trưởng Cục Môi trường miền Nam, Bộ TN&MT, đánh giá đa số mô hình, giải pháp được giới thiệu lần này đều thiết thực, có ý nghĩa, phù hợp với tình hình thực tế TP.HCM. Ông cũng đánh giá cao những giải pháp, chương trình BVMT đô thị đang được TP.HCM triển khai.

“Một hành động nhỏ như nói không với túi nylon cũng đã là góp phần BVMT. Thời gian tới, Bộ TN&MT rất mong mỗi người sẽ dần hình thành ý thức, thói quen suy nghĩ khi chọn lựa các sản phẩm tiêu dùng hướng tới các tiêu chí xanh. Để thực hiện các mục tiêu về giảm ô nhiễm môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh, chúng ta cần có sự tập trung, chung tay của cả cộng đồng bao gồm lãnh đạo địa phương, doanh nghiệp và người dân” - ông Phong kêu gọi.

Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM, cũng cho biết: Bên cạnh những thành tựu về phát triển kinh tế-xã hội, TP đang đối đầu với những áp lực về gia tăng dân số, đô thị hóa nhanh chóng gây ra các vấn đề ô nhiễm môi trường và cả những vấn đề do biến đổi khí hậu toàn cầu. Nhằm thực hiện mục tiêu xây dựng TP có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình, TP.HCM đang tập trung nguồn lực, giải pháp, tăng tốc triển khai thực hiện bảy chương trình đột phá gắn với cơ chế đặc thù theo Nghị quyết 54 của Quốc hội, trong đó có chương trình giảm ô nhiễm môi trường.

“Hơn lúc nào hết, TP.HCM cần và khuyến khích các doanh nghiệp thực thi trách nhiệm cộng đồng của mình trong vấn đề BVMT thông qua những việc làm thiết thực như xử lý chất thải, kiểm soát tốt ô nhiễm trong sản xuất, sử dụng các công nghệ và quy trình hiện đại, tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường, giảm phát thải khí nhà kính. Chúng tôi cũng kêu gọi mỗi người dân thay đổi thói quen, hình thành lối sống thân thiện với môi trường tại nhà, tại trường, tại nơi làm việc. Tất cả vì một TP.HCM có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình” - ông Thắng nói.

Phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn là một trong những chương trình trọng điểm của TP.HCM. Trong năm 2017, CITENCO đã tổ chức tuyên truyền ý nghĩa, lợi ích của chương trình đến từng người dân trên địa bàn 24 quận/huyện, tại các cơ quan, trường học, trung tâm thương mại, siêu thị, bệnh viện, khu vui chơi, giải trí, khu công nghiệp, khu tiểu thủ công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao... Tại các quận 1, 3, 5, 6, 7, 12, Bình Thạnh, CITENCO tiếp tục duy trì, mở rộng phạm vi, đối tượng áp dụng chương trình.

Năm 2018, CITENCO tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng, mở rộng đối tượng, phạm vi triển khai phân loại rác. TP phấn đấu đạt tỉ lệ phân loại trên 50% đối tượng hộ dân và ngoài hộ dân tại các phường, xã đang triển khai thực hiện chương trình. Giai đoạn 2019-2020, UBND quận/huyện phải tiếp tục nâng chất, đẩy mạnh đối tượng, phạm vi, đảm bảo đến năm 2020 hoàn thành cơ bản việc triển khai phân loại chất thải tại nguồn trên toàn địa bàn TP. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới