Theo quy định của Luật Cư trú, kể từ ngày 1-1-2023, sổ hộ khẩu, sổ tạm trú chính thức hết giá trị sử dụng.
Trước đó, những giấy tờ này là căn cứ để phân tuyến trong tuyển sinh của lớp 1, lớp 6. Do đó, nhiều phụ huynh lo lắng khi sổ hộ khẩu, tạm trú bị “khai tử” thì việc phân tuyến sẽ được thực hiện như thế nào, căn cứ vào đâu?
Băn khoănđịa phươngcăn cứ vào đâu
Có con năm nay vào lớp 1, chị Thư Nguyễn (sống tại quận Gò Vấp) bày tỏ sự lo lắng khi sổ hộ khẩu giấy không còn được sử dụng.
“Nếu bỏ sổ hộ khẩu giấy, địa phương sẽ căn cứ vào đâu để phân tuyến cho học sinh vào các trường? Dựa vào mã định danh của trẻ, giấy đăng ký cư trú hay dựa vào CCCD của cha mẹ? Trong trường hợp trẻ có mã định danh ở quận A, mà tạm trú ở quận B thì sẽ dựa vào tiêu chí nào để lên danh sách cho trẻ học ở trường thuộc quận nào?” - chị Thư bày tỏ.
Trưởng Phòng GD&ĐT một quận cũng cho biết hiện nay Phòng GD&ĐT đang nắm bắt những thắc mắc của phụ huynh liên quan đến việc bỏ sổ hộ khẩu, tạm trú. Từ đó, Phòng GD&ĐT sẽ sắp xếp làm việc với công an quận để trao đổi tìm hướng giải quyết khi không còn dùng những giấy tờ trên.
“Tôi đang ghi nhận lại hết những khó khăn khi phụ huynh thực hiện công tác tuyển sinh, qua đó trao đổi để làm sao tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân nhưng vẫn đúng theo quy định để phân tuyến cho các em” - vị này nhấn mạnh.
Vẫn phân tuyến theo địa bàn cư trú
Liên quan đến vấn đề này, ông Trịnh Vĩnh Thanh, Trưởng phòng GD&ĐT quận Gò Vấp, cho biết quy định mới trong Luật Cư trú không ảnh hưởng đến việc tuyển sinh đầu cấp của các địa phương.
Sở GD&ĐT TP.HCM vừa tổ chức cuộc họp với các đơn vị liên quan về ứng dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong công tác tuyển sinh của ngành GD&ĐT.
Sau khi UBND TP.HCM công bố kế hoạch tuyển sinh đầu cấp của TP, căn cứ vào kế hoạch trên các quận, huyện sẽ công bố kế hoạch tuyển sinh của mình. Thời điểm công bố vào khoảng tháng 4.
Dù sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã hết sử dụng nhưng giấy khai sinh của trẻ em hiện nay đều có thông báo về mã định danh, trong đó có thông tin về diện tạm trú hay thường trú.
“Phòng GD&ĐT đã làm việc với Công an quận Gò Vấp về vấn đề này. Theo đó, phòng sẽ dựa vào thông báo mã định danh của các trẻ để phân tuyến” - ông Thanh nói.
Cũng theo ông Thanh, phụ huynh sau khi đăng ký trực tuyến sẽ đến trường để nộp hồ sơ. Nếu như trước đây, nhà trường yêu cầu phụ huynh mang theo sổ hộ khẩu hay sổ tạm trú để đối chiếu thì giờ đây phụ huynh cần mang theo các giấy tờ do công an cung cấp gồm: Thông báo mã định danh của trẻ và thông tin công dân trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
“Nếu thông tin khi đăng ký không trùng khớp với mã định danh, trẻ sẽ được bố trí chỗ học nhưng không được phân tuyến như học sinh khác” - ông Thanh nhấn mạnh.
Tại quận Gò Vấp, từ ngày 15-2 đến 15-3, cha mẹ học sinh sẽ đăng ký thông tin trực tuyến trên trang tuyensinh.pgdgovap.hcm.edu để có cơ sở xem xét phân tuyến tuyển sinh lớp 1 năm 2023.
Ông Trần Khắc Huy, Trưởng phòng GD&ĐT quận Tân Bình, chia sẻ bỏ sổ hộ khẩu không có nghĩa tuyển sinh tự do, Phòng GD&ĐT không kiểm soát được nơi cư trú của trẻ.
Phụ huynh Trường Tiểu học Lê Văn Thọ, quận Gò Vấp đến nộp hồ sơ nhập học vào lớp 1 cho con năm học 2022-2023. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN |
Thực tế việc cư trú của công dân vẫn được quản lý bằng hình thức số hóa trên hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và thông qua mã định danh. Đa phần các trẻ hiện nay đều có mã định danh. Do đó, các phường sẽ rà soát số lượng trẻ trên địa bàn, báo cáo về Phòng GD&ĐT. Căn cứ vào số liệu, phòng sẽ tham mưu quận để phân tuyến cho phù hợp.
“Hiện nay các phường, tổ dân phố đang tập trung điều tra thông tin cư trú theo địa bàn dân cư, trong đó chủ yếu là xác định thông tin của gia đình có con em chuẩn bị vào lớp 1. Còn lớp 5 lên lớp 6 chủ yếu vẫn phân tuyến dựa trên trường tiểu học mà các em đang học, trừ một số trường hợp phát sinh thêm” - ông Huy nói thêm.
Điều tra thực tế
“Bỏ sổ hộ khẩu nhưng học sinh vẫn có mã định danh, giấy đăng ký cư trú. Do đó, học sinh ở địa bàn nào sẽ học ở địa bàn đó, chứ không phải muốn học ở đâu thì học” - ông Lưu Hồng Uyên, Trưởng phòng GD&ĐT quận 6, nói và cho biết từ trước đến nay việc tuyển sinh lớp 1 Phòng GD&ĐT giao cho phường phụ trách. Bởi phường nắm rõ số lượng học sinh vào lớp 1 cũng như thông tin của từng em để lập danh sách gửi qua trường. Dựa trên số liệu này, trường sẽ căn cứ để nhận học sinh.
Ông Ngô Văn Tuyên, Trưởng phòng GD&ĐT quận Bình Tân, cho rằng để phục vụ cho công tác tuyển sinh đầu cấp, công tác điều tra dân số của các phường rất quan trọng. Hiện nay, cán bộ phụ trách của phường đang đi điều tra số lượng trẻ vào lớp 1, cập nhật dữ liệu gửi cho Phòng GD&ĐT nắm. Dựa trên số liệu có được, phòng sẽ tham mưu quận phân tuyến.
100% đăng ký nguyện vọng vào lớp 10 bằng hình thức trực tuyến
Năm 2023, Sở GD&ĐT TP.HCM đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số. Do vậy, tất cả nguyện vọng trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 bao gồm ba nguyện vọng thường, nguyện vọng chuyên và nguyện vọng tích hợp sẽ được triển khai đăng ký theo hình thức trực tuyến.
Đây là điểm mới trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 TP.HCM năm 2023. Dự kiến kỳ thi vào lớp 10 sẽ diễn ra vào đầu tháng 6.
Bên cạnh đó, việc xử lý dữ liệu tuyển sinh đầu cấp năm học này cũng được thực hiện trên hệ thống dữ liệu tuyển sinh ở tất cả bậc học từ mầm non lên lớp 1, lớp 5 lên lớp 6, lớp 9 lên lớp 10.
Ông VÕ THIỆN CANG, Trưởng phòng Khảo thí và kiểm định chất lượng Sở GD&ĐT TP.HCM