Bộ Tài chính vừa gửi công văn lấy ý kiến các bộ, ngành về dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu.
Theo Bộ Tài chính, ngày 22-2, Thủ tướng có Công điện số 160/2022 về việc bảo đảm cung ứng xăng dầu cho thị trường trong nước.
Tại Công điện đó, Bộ Tài chính được giao “chủ trì, phối hợp với Bộ Công thương và các cơ quan liên quan khẩn trương nghiên cứu, đề xuất phương án điều chỉnh chính sách thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu”.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái sau đó đã chỉ đạo Bộ Tài chính đã xây dựng hồ sơ dự án Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội về điều chỉnh mức thuế BVMT đối với nhóm xăng dầu, mỡ nhờn (trừ nhiên liệu bay) theo trình tự, thủ tục rút gọn được quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Theo dự thảo Nghị quyết được gửi lấy ý kiến, Bộ Tài chính đề xuất giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng từ 4.000 đồng/lít xuống còn 3.000 đồng/lít. Các loại dầu khác giảm mức 500 đồng/lít.
Trong những kỳ điều hành xăng dầu gần đây, liên bộ Công Thương - Tài chính luôn điều chỉnh giá xăng tăng và hiện giá xăng được coi ở mức "kỷ lục". Ảnh: PHI HÙNG
Theo Bộ Tài chính, nếu giảm thuế bảo vệ môi trường theo đề xuất nói trên sẽ giảm thu NSNN khoảng gần 12.000 tỉ. Tuy vậy, giảm thuế sẽ góp phần trực tiếp làm giảm giá bán lẻ của các mặt hàng xăng dầu, giảm giá bán và hạn chế sự gia tăng chi phí sản xuất, giảm giá thành sản xuất, ổn định lạm phát.
Đối với người dân và doanh nghiệp, việc giảm thuế bảo vệ môi trường như trên góp phần đảm bảo hài hòa lợi ích giữa người dân, doanh nghiệp và nhà nước khi giá dầu thô tăng cao, góp phần làm giảm chi phí sản xuất của doanh nghiệp và tiết kiệm chi phí tiêu dùng cho người dân.
Việc giảm thuế bảo vệ môi trường cũng phù hợp với các nguyên tắc điều chỉnh mức thuế này và không làm ảnh hưởng đến mục tiêu bảo vệ môi trường cũng như các cam kết quốc tế về môi trường.
Việc lấy ý kiến các bộ, ngành sẽ tiến hành từ nay đến hết ngày mai (4-3).