Bộ Công Thương nói về 'rối ren' trên thị trường xăng dầu

Sau khi giá xăng dầu trong nước đồng loạt tăng mạnh ngày 11-2, nhiều nhà chức trách lẫn chuyên gia dự báo hoạt động kinh doanh xăng dầu trên thị trường cả nước sẽ ổn định lại. Tuy nhiên, thực tế cho thấy dù giá xăng dầu vừa tăng gần 1.000 đồng/lít nhưng nguồn cung một số nơi vẫn nhỏ giọt, một số đại lý vẫn treo bảng hết xăng.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Trần Duy Đông (ảnh), Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước thuộc Bộ Công Thương, thẳng thắn nhìn nhận: “Đúng là việc thiếu hụt cục bộ chưa hoàn toàn được khắc phục; chưa hoàn toàn chấm dứt việc một số cửa hàng, một số thương nhân hay một số nơi vẫn có thể có thiếu hàng cục bộ. Tuy nhiên, phải khẳng định rằng tình hình hiện nay có tốt hơn so với một tuần trước”.

Ông Trần Duy Đông cho rằng trong một hai tuần tới, tình hình sẽ tốt hơn khi xăng dầu về nhiều hơn, áp lực cho các doanh nghiệp cũng đỡ hơn cho công tác điều hành

Đã có cơ chế điều hành trong những trường hợp đặc biệt

. Phóng viên: Có ý kiến cho rằng những rối ren của thị trường xăng dầu trong nước thời gian qua có nguyên nhân do Bộ Công Thương thiếu sự linh hoạt trong điều hành. Ông có ý kiến thế nào?

+ Ông Trần Duy Đông: Về vấn đề điều hành xăng dầu, liên bộ Công Thương - Tài chính luôn phải bám sát nguyên tắc là hài hòa lợi ích của DN, Nhà nước và người dân. Ngay khi nắm được thông tin về tình hình của Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn thì Bộ đã chỉ đạo các thương nhân đầu mối, các sở Công Thương trên địa bàn nắm lại thông tin nguồn tại chỗ và bổ sung nguồn.

Bộ cũng làm việc với Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, Bình Sơn đề nghị tăng công suất. Đồng thời ngay sau đó, ngày 28-1, Bộ đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, trong đó phân tích rất rõ tình hình thế giới, tình hình trong nước và có bốn kiến nghị gửi Thủ tướng.

Về ý kiến tại sao Bộ không điều hành sớm, thiếu sự linh hoạt thì trong bốn kiến nghị nêu trên, Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng cho phép được lựa chọn thời điểm điều hành giá xăng dầu phù hợp cho kỳ điều hành tới theo quy của Nghị định 95/2021 về kinh doanh xăng dầu (Nghị định 95).

Tức là chúng tôi đã nắm tình hình rất kỹ, đoán được chuyện nguồn cung gián đoạn sẽ bị ảnh hưởng, biết được diễn biến giá thế giới tăng rất mạnh trong thời gian nghỉ tết. Khi đó, một trong những giải pháp giảm áp lực phần nào cho các DN là điều hành sớm để giá xăng dầu trong nước bám sát giá thế giới, giúp tạo nguồn cung xăng dầu tốt hơn.

Tuy nhiên, từ trước tới giờ, quan điểm của Chính phủ là mục tiêu giữ bình ổn giá trong thời điểm đặc biệt trước, trong và sau tết Nguyên đán. Đặc biệt, liên bộ cũng phân tích rất kỹ tình hình chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1-2022. CPI tháng 1 tăng 1,94%, lạm phát cơ bản tăng 0,66%, trong khi đó yếu tố về giá xăng dầu lúc đó là yếu tố cấu thành giá CPI rất cao, nên rất cân nhắc.

Tóm lại Chính phủ, Liên Bộ rất cân nhắc thời điểm điều hành, để làm sao hài hòa lợi ích của người dân, DN và mục tiêu kiểm soát vĩ mô của Chính phủ.

. Như ông vừa chia sẻ giá dầu thế giới những ngày qua tăng liên tục, DN nhập tàu hàng nào về là lỗ tàu đó. Có ý kiến cho rằng việc điều chỉnh giá xăng dầu cần linh hoạt hơn, có thể 3-5 ngày/lần thay vì định kỳ ba lần/tháng như hiện nay?

+ Chính phủ và cơ quan điều hành bao giờ cũng phải tính mục tiêu bình ổn giá. Bình ổn giá phải có đủ thời gian cho người dân, cho hỗ trợ các đối tượng khác. Liên bộ tính toán chu kỳ 10 ngày cũng phù hợp với tập quán kinh doanh chu kỳ hàng của các DN, chu kỳ để tính CPI cũng như đủ thời gian để cho cơ quan quản lý nhà nước cập nhật dữ liệu.

Nhưng trong Nghị định 95 cũng cho phép cơ chế điều hành trong những trường hợp đặc biệt. Bộ Công Thương cũng đã đề xuất điều khoản này. Nhưng thực ra mong mọi người thông cảm, chia sẻ cho là khi điều hành cân nhắc rất nhiều chiều, nhiều yếu tố, tránh tạo tiền lệ; tránh việc DN sử dụng sức ép đối với cơ quan điều hành để điều hành chỉ có lợi cho DN.

Thời điểm này với DN đúng là khó khăn thật và cơ quan quản lý không phải không cân nhắc yếu tố này trong điều hành, khi sử dụng quỹ; khi điều hành đã tính toán rất kỹ để hài hòa nhất có thể.

Một cửa hàng xăng trên đường Hà Huy Giáp, quận 12 thông báo chỉ bán 30.000 đồng/khách. Ảnh: TÚ UYÊN

Đề nghị được điều hành linh hoạt

. Chúng ta sẽ ứng phó như thế nào vì sau kỳ 11-2 vừa qua, các DN vẫn lỗ, khan hàng, tình trạng đóng cửa vẫn tiếp tục diễn ra?

+ Bộ đang theo dõi rất sát để đảm bảo không đứt gãy nguồn cung. Quan điểm của Bộ vẫn để ngỏ ý như bộ trưởng nói, là đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép Bộ Công Thương lựa chọn thời điểm điều hành giá phù hợp theo Nghị định 95 để đảm bảo nguồn cung, đỡ áp lực cho DN.

. Các DN lớn có lợi thế về nhập khẩu nhưng nhập về là lỗ, còn DN nhỏ đã không có lợi thế về nhập khẩu lại chịu nhiều rủi ro hơn. Như vậy rõ ràng càng đẩy thị trường tới mối đe dọa về việc đảm bảo nguồn hàng. Vậy từ nay đến kỳ tiếp theo và tiếp theo nữa, vấn đề này bộ sẽ được giải quyết như thế nào?

+ Giải pháp về điều hành thì như tôi đã trao đổi, chúng tôi sẽ theo dõi sát tình hình để đề xuất phương án điều hành phù hợp nhất, hài hòa nhất. Giải pháp thứ hai là đảm bảo nguồn cung. Vấn đề này bộ vẫn đang thường xuyên cập nhật dữ liệu mới nhất của các DN đầu mối, DN sản xuất.

Giải pháp thứ ba là công tác kiểm tra, giám sát thị trường. DN phải chia sẻ, tránh tạo ra tiền lệ để gây sức ép với cơ quan quản lý nhà nước.

Tính đến phương án giá dầu thô vượt ngưỡng 100 USD

. Vừa rồi liên bộ đã dùng các công cụ để điều hành, như quỹ bình ổn nhưng hiện tại khi chênh lệch giá đang rất cao thì quỹ bình ổn ở nhiều DN đầu mối lớn đang âm. Vậy dư địa nào còn để điều hành trong thời gian tới đây khi giá dầu thế giới cũng như giá xăng thành phẩm có xu hướng tăng lên nữa?

+ Vấn đề này bộ đã tính toán và đã có báo cáo, sau đó Bộ Tài chính cũng đã có trả lời. Tức là bộ đã tính phương án nếu diễn biến giá quá cao, giá dầu thô vượt ngưỡng 100 USD/thùng trong khi quỹ có hạn thì khi đó chắc chắn phải đề xuất sử dụng các công cụ khác là thuế, phí.

Bởi nếu giá xăng dầu cao quá sẽ gây tác động vô hiệu hóa một số chính sách mà chúng ta đang muốn phục hồi kinh tế, kể cả chuyện giảm thuế giá trị gia tăng 2% vừa rồi.

. Không thể phủ định thị trường xăng dầu vừa qua đã có những rối ren. Vậy bài học hay kinh nghiệm rút ra trong điều hành của Bộ Công Thương với thị trường xăng dầu vừa qua là gì?

+ Những gì Bộ Công Thương đã lường trước, đã làm hết mức. Tức là cũng đã phân tích rất sát tình hình cung cầu và đã đề xuất tất cả giải pháp. Quan điểm của tôi, là bài học hay kinh nghiệm thì phải đánh giá công tâm, khách quan nhiều chiều.

Vì nếu ở góc độ DN, chắc chắn DN cho rằng chưa sát diễn biến giá. Nhưng nếu nhìn về góc độ CPI, bối cảnh sau tết, góc độ bình ổn giá... thì lại cho rằng là đúng.

Quan điểm điều hành của Bộ Công Thương là luôn bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, hài hòa lợi ích của DN, người dân và Nhà nước.

. Xin cám ơn ông.

Một cây xăng trên đường Phan Văn Trị, quận Gò Vấp, TP.HCM thông báo tạm nghỉ bán. Ảnh: TÚ UYÊN

Phát hiện găm hàng sẽ xử ý nghiêm

. Ông đánh giá thế nào về các hiện tượng có thể có về việc nhà máy sản xuất, thương nhân đầu mối và kể cả các đại lý xăng dầu có tâm lý găm hàng trước mỗi kỳ tăng giá. Liệu những đợt kiểm tra đang diễn ra và sắp tới của Bộ Công Thương có chỉ mặt được những đơn vị có yếu tố găm hàng, giảm cung ra thị trường không?

+ Quan điểm của Bộ Công Thương như Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã trả lời là sẽ xử lý rất nghiêm các DN kinh doanh xăng dầu, trong đó ở tất cả khâu thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối, đại lý cửa hàng bán lẻ nếu như có hành vi găm hàng không muốn bán ra để chờ tăng giá. Bộ đã chỉ đạo rất quyết liệt tất cả các tuyến.

Bộ trưởng cũng đã ký thành lập ba đoàn kiểm tra liên ngành cấp bộ về các địa phương kiểm tra. Bộ trưởng cũng đã ký công văn gửi UBND các tỉnh tăng cường công tác kiểm tra, giám sát. Bộ cũng chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường làm tốt công tác này.

 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm