Đại diện Cục Quản lý thị trường (QLTT) TP.HCM cho biết hiện cơ quan này đã yêu cầu các đội QLTT thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của bộ trưởng Bộ Công Thương về việc tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm trong kinh doanh xăng dầu.
Khách phải dắt xe vì hết xăng
Theo báo cáo về tình hình kinh doanh xăng dầu của Cục QLTT TP.HCM, tại địa bàn TP hiện có 548 cửa hàng kinh doanh xăng dầu vẫn hoạt động bình thường. Tuy nhiên, có một số trường hợp thiếu xăng A95 để bán, đang chờ nhập xăng và chỉ còn bán dầu.
Ghi nhận của PV Pháp Luật TP.HCM sáng 10-2 tại hai cửa hàng xăng ở quận Bình Tân cho thấy nhiều khách hàng ghé vào để đổ xăng nhưng chưa kịp dừng đã phải quay đầu xe vì nhân viên thông báo “hết xăng”. Một số khách hàng đành lủi thủi dắt xe tìm cửa hàng khác.
Xe hết xăng gặp cửa hàng cũng hết xăng nên khách hàng đành dắt bộ.
Ảnh: TÚ UYÊN
Một nhân viên bán hàng tại Trạm xăng dầu Biên Khoa (tỉnh lộ 10, phường Bình Trị Đông A, quận Bình Tân) cho biết xăng hết nhưng vẫn còn bán dầu. Công ty đưa hàng về thì cửa hàng bán, chỉ làm theo lệnh của cấp trên. Hôm qua, lực lượng chức năng xuống kiểm tra và đo bồn đã cạn xăng nên bơm không được, chỉ có dầu. “Xăng nhập về là bán ngay cho khách, bán hết nên nghỉ chứ ai găm hàng làm gì” - nhân viên này nói.
Chiều 10-2, tại buổi họp báo định kỳ cung cấp thông tin về tình hình dịch bệnh trên địa bàn, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, khẳng định không có việc chủ các cây xăng găm hàng chờ tăng giá trên địa bàn TP.HCM. Các đơn vị theo quy định đều đáp ứng dự trữ lượng hàng 30 ngày. Riêng Petrolimex còn có mức dự trữ lên đến 45-60 ngày một số mặt hàng. Tuy có nhiều khó khăn nhưng các đơn vị vẫn nỗ lực đảm bảo cung ứng hàng hóa đầy đủ.
Bình Dương: Hàng chục cửa hàng xăng dầu đóng cửa Ngày 10-2, ông Nguyễn Thanh Toàn, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Dương, cho biết hiện nay có 58 cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn tỉnh đóng cửa do không đủ điều kiện để hoạt động bán lẻ. Ngoài ra còn có 33 cửa hàng khác đóng cửa do không có nguồn cung nguyên liệu và nhân viên bán hàng. Tuy nhiên, các ngành chức năng tỉnh Bình Dương đã vận động 25 cửa hàng mở cửa phục vụ người dân; tám cửa hàng vẫn đang đóng cửa tạm thời do nguồn cung ngoài tỉnh hết hàng. “Các thương nhân đầu mối và các thương nhân phân phối cung ứng xăng dầu chính trên địa bàn tỉnh Bình Dương cam kết vẫn bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho các thương nhân phân phối và các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn tỉnh” - ông Toàn cho biết thêm. L.ÁNH |
Phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM cũng khẳng định 548 cửa hàng xăng dầu tại TP gần như hoạt động bình thường. “Chiều nay (10-2), cơ quan QLTT kiểm tra, rà soát thì ghi nhận bảy cửa hàng hết xăng RON 95” - ông Phương nói và cho biết Sở Công Thương TP.HCM sẽ cho kiểm tra ngay để xem các đơn vị cung ứng xăng cho các cửa hàng này vì lý do gì mà họ không cung ứng, nếu có sai phạm sẽ xử lý nghiêm.
Ông Phương cho biết thêm, trong cuộc họp với lãnh đạo TP.HCM vào ngày 8-2, các doanh nghiệp cam kết duy trì dự trữ và tăng nhập khẩu xăng. “Nguồn hàng nhập khẩu đang trên đường về, chuẩn bị cập cảng. Lượng hàng sẽ rất đầy đủ và dự báo sau khi điều chỉnh giá xăng vào ngày 11-2, tình hình sẽ trở lại bình thường” - ông Phương nói.
Trách nhiệm chỉ đạo, điều hành thuộc Bộ Công Thương
Bộ Công Thương và các tập đoàn xăng dầu cũng khẳng định nguồn cung xăng dầu không thiếu. Tuy nhiên, tại nhiều địa phương, nhiều cây xăng vẫn “cửa đóng then cài” với lý do hết xăng, chiết khấu thấp... Liên quan vấn đề này, ngày 10-2, Văn phòng Chính phủ có thông báo về kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành tại cuộc họp về đảm bảo cung ứng xăng dầu cho thị trường trong nước được tổ chức vào ngày 8-2 vừa qua.
Theo đó, Phó Thủ tướng nhấn mạnh Chính phủ đã ban hành nhiều công cụ quản lý, các cơ chế, chính sách pháp luật và giao Bộ Công Thương “đủ thẩm quyền” để chủ động điều hành thị trường xăng dầu, bảo đảm đáp ứng đủ nhu cầu xăng dầu cho sản xuất và tiêu dùng.
“Việc để một số cửa hàng bán lẻ xăng dầu đóng cửa, không bán hàng, ảnh hưởng đến sản xuất, sinh hoạt của nhân dân tại một số địa phương như phản ánh của dư luận trong thời gian qua thuộc trách nhiệm chỉ đạo, điều hành của Bộ Công Thương” - Phó Thủ tướng nêu rõ ý quan trọng về trách nhiệm.
Về giải pháp khắc phục, lãnh đạo Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương cần chủ động bám sát tình hình thực tiễn, sát sao hơn trong chỉ đạo điều hành để xử lý kịp thời các tình huống phát sinh. Qua đó bảo đảm không để thiếu hụt xăng dầu phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân.
Trước tình trạng một số cây xăng dừng bán hàng, bộ cần chỉ đạo thanh tra, kiểm tra ngay đối với các đơn vị liên quan đến cung ứng, phân phối xăng dầu; các cửa hàng kinh doanh xăng dầu đóng cửa, tạm ngưng hoạt động trong thời gian qua. Từ đó để phát hiện, xử lý nghiêm hành vi găm hàng nhằm trục lợi và các vi phạm khác nếu có trong hoạt động kinh doanh xăng dầu.
Về giải pháp dài hơi, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì rà soát các quy định về thuế, phí; tính toán lại mức chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức trong công thức tính giá cơ sở xăng dầu cho phù hợp với tình hình thực tế. Từ đó nhằm bảo đảm tính đúng, tính đủ, hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu và người tiêu dùng.
Hôm nay, giá xăng có thể tăng mạnh Hôm nay (11-2), liên bộ Công Thương - Tài chính sẽ thực hiện điều chỉnh giá xăng dầu theo chu kỳ. Dữ liệu Bộ Công Thương cập nhật đến ngày 7-2 cho thấy giá xăng dầu thành phẩm bình quân trên thị trường Singapore có xu hướng tăng so với kỳ trước. Bình quân xăng RON 92 có giá 101,8 USD/thùng, giá xăng RON 95 ở mức 104,13 USD/thùng. Một số doanh nghiệp đầu mối, phân phối xăng dầu nhận định trong kỳ điều hành hôm nay, giá xăng có thể tăng mạnh quanh mức 1.000 đồng/lít, giá dầu 800-900 đồng/lít. |