Đến lúc này thì đã tương đối đủ dữ liệu để có thể rút kinh nghiệm về điều hành thị trường với mặt hàng nhạy cảm, liên quan nhiều tới an ninh năng lượng và tâm lý xã hội này.
Về mặt chính sách, phải khẳng định rằng Nghị định 95/2021 sửa đổi, bổ sung Nghị định 83/2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu đã có những điều chỉnh sát hơn với cơ chế thị trường. Theo đó, kỳ xem xét điều chỉnh giá được rút ngắn từ 15 ngày còn khoảng 10 ngày, đồng thời ấn định rõ thời điểm điều chỉnh giá vào các ngày 1, 11, 21 hàng tháng.
Rút ngắn thời gian điều hành giá như vậy sẽ giúp giá xăng, dầu trong nước sát hơn với diễn biến của thị trường quốc tế, vốn lên xuống thất thường, qua đó giảm bớt nguy cơ rủi ro về giá của hệ thống kinh doanh xăng dầu, từ nhà nhập khẩu, thương nhân phân phối, tới từng cửa hàng bán lẻ.
Tuy đã có những điều chỉnh hợp quy luật, hợp thị trường như vậy, nhưng cơ chế điều hành thị trường xăng dầu cho đến thời điểm này vẫn chưa trao quyền chủ động quyết định về giá bán cho các chủ thể hoạt động xăng dầu. Tổ điều hành liên ngành mà Bộ Công Thương chủ trì vẫn giữ vai trò quyết định tính toán, cân nhắc việc điều hành giá.
Ngoài ra, Nghị định 95 dù ấn định ngày điều hành giá, nhưng lại mở ra tình huống: “Đối với các kỳ điều hành trùng vào ngày nghỉ, ngày nghỉ lễ theo quy định của nhà nước, thời gian điều hành được lùi sang ngày làm việc tiếp theo sau ngày nghỉ, ngày nghỉ lễ. Đối với kỳ điều hành trùng vào dịp Tết Nguyên đán, thời gian điều hành được lùi sang kỳ điều hành tiếp theo”.
Sẽ không có gì rắc rối nếu thị trường xăng dầu quốc tế ổn định, giá nhập khẩu lên xuống ở mức các doanh nghiệp trong hệ thống xăng dầu vẫn có lãi, hoặc ít nhất không lỗ.
Vậy nhưng điều không mong muốn đã diễn ra kéo dài, ngay gắt thời gian trước Tết Nguyên đán. Giá dấu thế giới liên tục tăng khiến cho việc nhập khẩu, phân phối, bán lẻ xăng, dầu theo giá đã được liên bộ ấn định ngày 21-1-2022 vào rủi ro. Xu hướng giá lên này thúc đẩy tâm lý găm hàng trong toàn hệ thống, nhất là những doanh nghiệp nhập khẩu có kho bãi dự trữ lớn. Găm hàng, vì nếu xuất bán sẽ lỗ, trong khi đợi nhà điều hành tăng giá bán thì không chỉ thoát lỗ mà còn có lãi lớn…
Tâm lý ấy dẫn tới kỳ vọng rất lớn vào ngày điều hành tiếp theo, 1-2-2022.
Rủi thay, ngày đó lại trúng Mùng một Tết Nguyên đán. Có vẻ như nhà điều hành đã chấp hành một cách cơ học Nghị định 95, quyết định thời gian điều hành được lùi sang kỳ điều hành tiếp theo – tức ngày 11-2, có lẽ nghĩ rằng giá dầu thế giới đã tăng liên tục thì 10 ngày tiếp theo sẽ giảm.
Thực tễ đã không diễn ra như vậy. Thậm chí, thị trường trong nước còn khó khăn hơn khi những cảnh báo trước đó của Liên doanh lọc dầu Nghị Sơn – đơn vị đang cung ứng tới 35% nhu cầu thị trường trong nước, về giảm công suất hoạt động, nay thành sự thật.
Lực lượng chức năng An Giang kiểm tra các cây xăng. Ảnh: T.L
Những rối loạn cục bộ của thị trường xăng dầu ngay lập tức xuất hiện. Và trách nhiệm thì Phó Thủ tướng Lê Văn Thành trong văn bản phát đi ngày 10-2 đã nêu rõ: Chính phủ đã ban hành nhiều công cụ quản lý, các cơ chế chính sách pháp luật và giao Bộ Công Thương "đủ thẩm quyền" để chủ động điều hành thị trường xăng dầu, bảo đảm đáp ứng đủ nhu cầu xăng dầu cho sản xuất và tiêu dùng.
Đủ thẩm quyền ở đây chính là quy định mở của Nghị định 95: “Trường hợp giá các mặt hàng xăng dầu có biến động bất thường, ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân, Bộ Công Thương có trách nhiệm báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định thời gian điều hành giá xăng dầu cho phù hợp”.
Đã không có báo cáo nào gửi tới Thủ tướng khi nhà điều hành mà Bộ Công Thương là cơ quan chủ trì quyết định không tăng giá vào ngày Mùng một Tết Nguyên đán. Đã không có một ý kiến tham mưu nào dự báo được tình huống rủi ro về giá sẽ tích lũy trong những ngày Tết khiến nhiều cây xăng, nhất là khu vực phía Nam, vốn nhập hàng của các đầu mối tư nhân, năng lực vốn, kho bãi hạn chế, phải treo biển “hết xăng”.
Những rối loạn cục bộ này rồi sẽ qua. Nhưng vấn đề là Liên bộ Công Thương – Tài chính sẽ rút kinh nghiệm thế nào để chuyện sẽ không lặp lại trong thời gian tới?