Mới đây, Bộ Tư pháp đã thay mặt Chính phủ ký tờ trình gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị bổ sung dự án Luật thuế bảo vệ môi trường (BVMT) (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017 của Quốc hội. Trong đó đáng chú ý có nâng khung thuế BVMT với xăng dầu lên tối đa 8.000 đồng/lít. Trước đó, Bộ Tài chính đã có tờ trình gửi Chính phủ và Bộ Tư pháp về dự luật này.
Dự kiến, tháng 4-2017, Bộ Tài chính sẽ lấy ý kiến các đơn vị, tổ chức, cá nhân về dự án luật này. Tháng 5-2017, Bộ Tài chính xin ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp. Sau đó, Chính phủ trình trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án luật và đến tháng 9-2017 dự án luật sẽ được gửi đến đại biểu Quốc hội. Dự kiến dự luật sẽ trình Quốc hội xem xét thông qua vào tháng 10 năm nay.
Trước đó, sau khi Bộ Tài chính đưa ra đề xuất nêu trên, các bộ ngành cũng đã có văn bản góp ý. Theo đó, Bộ Ngoại giao thì cho rằng Bộ Tài chính nên cân nhắc kỹ sự cần thiết, lộ trình thực hiện của việc tăng khung thuế đối với xăng dầu. Nhất là trong bối cảnh các doanh nghiệp (DN) còn gặp khó khăn trong khi mặt hàng xăng dầu lâu nay đã gánh nhiều loại thuế, phí.
Trong khi đó, Bộ Tư pháp nhận định dự thảo luật này còn sơ sài, có nhiều nội dung trùng lắp giữa tờ trình và báo cáo đánh giá tác động. Bản báo cáo đánh giá tác động không có đánh giá tác động định lượng mà chỉ sử dụng phương pháp định tính trong khi mức thuế môi trường lại tăng 2,5 lần so với quy định hiện hành.
Bộ Tư pháp đề nghị Bộ Tài chính đánh giá một cách thận trọng các chính sách đưa ra trong dự thảo. Đặc biệt là việc điều chỉnh khung thuế suất đối với nhóm hàng xăng dầu lên gấp đôi hiện hành, tạo khoảng cách lớn giữa mức thuế tối thiểu và mức tối đa. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi và lợi ích của người dân và DN.
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng cho rằng việc tăng thuế đối với xăng dầu sẽ tác động tiêu cực đến toàn bộ nền kinh tế Việt Nam. Việc cắt giảm thuế quan từ các hiệp định thương mại có thể mang lại lợi thế cho các DN Việt Nam nhưng cũng mang lại lợi thế tương tự cho các DN ở quốc gia khác. Nếu tăng thuế đối với xăng dầu để bù lại thì vô hình trung, chính sách này khiến các DN Việt Nam mất lợi thế cạnh tranh trước các đối thủ nước ngoài.
Theo VCCI, xăng dầu là nguyên liệu đầu vào quan trọng của nền kinh tế. Các phương tiện giao thông vận tải hàng hóa, máy nông nghiệp, tàu cá… đều sử dụng. Do đó, nếu tăng thuế đối với xăng dầu thì những ngành chịu thiệt hại nặng nhất là vận tải, nông nghiệp, thủy hải sản. Đây đều là những ngành kinh tế có nhiều đối tượng yếu thế và đang trong giai đoạn hiện đại hóa, chuyển từ thủ công sang cơ giới. Nếu chi phí xăng dầu tăng có thể làm giảm động lực chuyển đổi cơ giới hóa của nông dân.
Lý giải các vấn đề trên, Bộ Tài chính cho rằng việc nâng khung thuế BVMT với xăng dầu nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức của tổ chức, cá nhân về BVMT; đảm bảo chính sách có tính ổn định; phù hợp với lộ trình dài, thay thế thuế nhập khẩu phải cắt giảm dần; phù hợp với mức thu của các nước xung quanh nhằm hạn chế tình trạng buôn lậu xăng dầu.
Đề xuất tăng khung thuế BVMT của Bộ Tài chính Đối với xăng (trừ xăng ethanol), mức thuế dự kiến sẽ tăng 1.000-4.000 đồng/lít lên 3.000-8.000 đồng/lít. Riêng xăng E5 và E10 cũng được đề xuất áp mức 2.500-7.200 đồng/lít. Đối với dầu diesel, mức thuế dự kiến áp dụng là 3.000-6.000 đồng/lít thay vì 500-2.000 đồng như hiện hành. Dầu mazut 900-4.000 đồng/kg, tăng gấp ba lần hiện nay. |