Nhiều doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) đã giảm lắp ráp để nhập khẩu ô tô, tại sao doanh nghiệp trong nước lại muốn lao vào lắp ráp? Liệu doanh nghiệp có thật sự muốn nội địa hóa hay vì mục đích khác?
Trên đây là băn khoăn được bà Nguyễn Thanh Hằng, Vụ phó Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính, nêu ra tại hội thảo Công nghiệp ô tô và cơ hội phát triển mạng lưới sản xuất Việt Nam do Bộ Công Thương vừa tổ chức.
Không thấy giải pháp, chỉ thấy xin giảm thuế
Bà Hằng nhìn nhận vì sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô nên thời gian qua Bộ Tài chính đã rất vất vả trong việc đưa ra giải pháp về chính sách thuế. Bộ Tài chính muốn lắng nghe xem có giải pháp gì mang tính đột phá, hữu ích giúp ngành ô tô nhưng chưa thấy giải pháp nào hữu ích cả.
“Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) luôn đưa ra khó khăn thách thức của ngành công nghiệp ô tô, kinh nghiệm chính sách phát triển. Điều này ai cũng nhận thức được. Nhưng cuối cùng giải pháp thì lại chỉ… giảm thuế” - Bà Hằng nói.
Bà Hằng cho rằng VAMA nêu quan điểm yếu tố quyết định là dung lượng thị trường, ủng hộ quan điểm Chính phủ phải phát triển công nghiệp ô tô và công nghiệp hỗ trợ nhưng VAMA lại đề nghị giảm thuế, không gắn với điều kiện sản lượng và nội địa hóa.
Tuy nhiên, giảm thuế mà không gắn với yêu cầu về sản lượng thì khó duy trì được ngành công nghiệp ô tô. Trên thực tế, một số doanh nghiệp FDI đã chuyển sang giảm các mẫu xe trong khi không tăng công suất.
“Các doanh nghiệp, hiệp hội đề nghị giảm thuế nhập khẩu linh kiện trong khi lại muốn phát triển công nghiệp phụ trợ. Đó là nghịch lý. Tôi khá thất vọng với các giải pháp mà VAMA nêu ra... Nếu chúng ta áp dụng ưu đãi để tăng tỉ lệ nội địa hóa thì sẽ vi phạm cam kết quốc tế” - đại diện Bộ Tài chính nêu thực tế.
Theo bà Hằng, trong 20 năm phát triển công nghiệp ô tô thì chính sách thuế bảo hộ cho rất cao, chính sách thuế với linh kiện luôn thấp hơn so với nhập khẩu ô tô nguyên chiếc lên tới 70%.
"Nếu chúng tôi không có điều kiện về tỉ lệ nội địa hóa, doanh nghiệp nhập linh kiện lắp ráp lại tháo rời chi tiết các linh kiện để nhập rời, hưởng thuế ưu đãi linh kiện. Thực tế, từ năm 2004 đến nay, tại sao nội địa hóa vẫn thấp? Vậy các doanh nghiệp có thực sự muốn nâng nội địa hóa hay không? Muốn làm công nghiệp hỗ trợ hay không?" - bà Hằng đặt vấn đề.
Theo bà Hằng, do thời điểm giảm thuế nhập khẩu từ ASEAN về 0% sẽ có hiệu lực từ năm 2018 nên đây là thời điểm phải làm cương quyết, việc giảm thuế linh kiện không còn thời gian chờ đợi ngành sản xuất ô tô.
Theo đại diện Bộ Tài chính, các doanh nghiệp đừng nên tập trung quá nhiều vào chính sách thuế mà có các giải pháp khác.
Giá bán xe ô tô tại Việt Nam vẫn ở mức cao so với các nước trong khu vực.
Trong khi đó, đại diện VAMA kiến nghị trong ngắn hạn Bộ Tài chính cần giảm/bãi bỏ thuế nhập khẩu đối với linh kiện nhập CKD từ năm 2018 cho tất cả nhà sản xuất ô tô và các nhà sản xuất linh kiện ô tô mà không gắn với điều kiện về sản lượng, nội địa hoá. Đồng thời, cần có ưu đãi cho các nhà sản xuất nội địa để duy trì sản xuất trong nước, khi thị trường chưa đủ lớn.
Giá bán xe vẫn cao
Bộ Công Thương thừa nhận công nghiệp ô tô của nước ta hiện còn nhiều hạn chế. Điển hình như: Chưa đạt được tiêu chí của ngành sản xuất ô tô thực sự, phần lớn mới ở mức độ lắp ráp đơn giản; giá bán xe vẫn ở mức cao so với các nước trong khu vực.
Về tỉ lệ nội địa hoá đối với xe cá nhân đến 9 chỗ ngồi, theo Bộ Công Thương, mục tiêu đề ra là 40% vào năm 2005, 60% vào năm 2010.
Thế nhưng đến nay mới đạt bình quân khoảng 7%-10%, trong đó Thaco đạt 15%-18%, Toyota Việt Nam đạt 37% đối với riêng dòng xe Innova, thấp hơn mục tiêu đề ra.
“Ngành công nghiệp hỗ trợ công nghiệp ô tô đã hình thành nhưng mới chỉ sản xuất được một số ít chủng loại phụ tùng đơn giản, có hàm lượng công nghệ thấp như gương, kính, ghế ngồi, bộ dây điện, ắc quy, săm-lốp, sản phẩm nhựa... Chỉ một số ít doanh nghiệp đầu tư dây chuyền dập thân, vỏ xe; các loại nguyên vật liệu cơ bản như thép chế tạo, cao su, nhựa và chất dẻo phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu” - Bộ Công Thương đánh giá.