Thông tư 13/2024 của Bộ GD&ĐT quy định tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông công lập và giáo viên dự bị đại học có hiệu lực thi hành từ ngày 15-12-2024.
Thông tư này thay thế cho Thông tư số 34/2021 quy định tiêu chuẩn, điều kiện dự thi hoặc xét thăng hạng giáo viên, nội dung, hình thức và việc xác định người trúng tuyển trong kỳ xét thăng hạng giáo viên mầm non, phổ thông công lập.
Thông tư 13 của Bộ GD&ĐT không quy định tiêu chuẩn, điều kiện thi thăng hạng do Chính phủ đã bỏ hình thức thi thăng hạng; cũng không quy định nội dung, hình thức và việc xác định người trúng tuyển trong kỳ xét thăng hạng.
Như vậy, thay vì phải thi thăng hạng giáo viên, thầy cô được đăng ký xét thăng hạng nếu đáp ứng đủ tiêu chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ, phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp, số năm công tác.
Cụ thể, giáo viên mầm non hạng III muốn được xét lên hạng II phải có 2 năm công tác liền kề trước đó được xếp loại “Hoàn thành tốt nhiệm vụ” trở lên; giáo viên phổ thông và dự bị đại học phải có 3 năm đạt điều kiện này.
Còn để được xét từ hạng II lên hạng I, giáo viên cần có 5 năm công tác liền kề trước đó được xếp loại “Hoàn thành tốt nhiệm vụ” trở lên, trong đó có ít nhất 2 năm “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”.
Ngoài ra, giáo viên cần có các danh hiệu thi đua, khen thưởng trong thời gian giữ hạng II. Việc này nhằm đảm bảo một danh hiệu, thành tích không được sử dụng đồng thời ở 2 lần thăng hạng (từ hạng III lên II và từ hạng II lên I).
Bộ GD&ĐT cho rằng, các tiêu chuẩn trên giúp đảm bảo yêu cầu tỉ lệ giáo viên hạng 1 tối đa 10%, hạng II không quá 50%, theo hướng dẫn của Bộ Nội Vụ, cũng như lựa chọn được những người xứng đáng, có sự nỗ lực phát triển nghề nghiệp trong thời gian giữ hạng.