Bộ TN&MT chưa nhận được đề nghị thẩm định ĐTM dự án hồ Ka Pét

(PLO)- Đến nay Bộ TN&MT chưa nhận được hồ sơ đề nghị thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường việc chuyển hơn 600 ha rừng để làm dự án hồ chứa nước Ka Pét từ UBND tỉnh Bình Thuận.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trao đổi với PLO sáng ngày 6-9, ông Nguyễn Hưng Thịnh, Vụ trưởng Vụ Môi trường, Bộ TN&MT cho hay đến thời điểm này Bộ TN&MT chưa nhận được hồ sơ đề nghị thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) từ chủ đầu tư dự án hồ chứa nước Ka Pét (Hàm Thuận Nam, Bình Thuận).

Lãnh đạo Vụ Môi trường cho hay, dự án hồ thuỷ lợi Ka Pét được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư vào năm 2019 và điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án tại kỳ họp 5 mới đây (tháng 5-2023). Sau khi Quốc được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư, phía UBND tỉnh Bình Thuận (Chủ đầu tư dự án) đang thực hiện các bước để triển khai dự án, trong đó có nội dung xây dựng ĐTM của dự án.

Phối cảnh đập thuỷ lợi hồ Ka Pét

Phối cảnh đập thuỷ lợi hồ Ka Pét

“Vừa qua, chủ đầu tư dự án đã tổ chức lấy ý kiến, tham vấn cộng đồng ĐTM dự án qua nhiều kênh, trong đó có cổng thông tin của Bộ TN&MT theo quy định (điều 33, Luật Bảo vệ môi trường - PV). Kết quả tham vấn này sẽ là một trong những căn cứ để phía chủ đầu tư đề nghị thẩm định ĐTM tới cơ quan thẩm định là Bộ TN&MT. Tuy nhiên đến thời điểm này phía Bộ chưa nhận được đề nghị thẩm định ĐTM dự án từ chủ đầu tư” - ông Thịnh thông tin.

Về trình tự thẩm định ĐTM dự án, lãnh đạo Vụ môi trường cho biết sau khi nhận được hồ sơ đề nghị thẩm định ĐTM của dự án Hồ chứa nước Ka Pét từ UBND tỉnh Bình Thuận thì Bộ TN&MT sẽ có quyết định thành lập hội đồng thẩm định để đánh giá ĐTM của dự án. Thành viên hội đồng thẩm định ĐTM bao gồm đại diện cơ quan quản lý nhà nước và các chuyên gia, nhà khoa học về môi trường.

Việc làm hồ thuỷ lợi Ka Pét phải xoá xổ hàng trăm ha rừng đặc dụng. ảnh: Võ Tùng

Việc làm hồ thuỷ lợi Ka Pét phải xoá xổ hàng trăm ha rừng đặc dụng. ảnh: Võ Tùng

“Đây là một dự án quan trọng của Quốc gia cũng như của tỉnh Bình Thuận, vì vậy chúng tôi cũng mong nhận thêm thông tin từ nhiều phía, nhất là từ các cơ quan truyền thông để có đầy đủ thông tin đánh giá về dự án” - ông Thịnh nói.

Như PLO đã thông tin, những ngày qua dư luận đặc biệt quan tâm về việc chuyển hơn 600 ha rừng để thực hiện dự án hồ chứa nước Ka Pét huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận.

Dự án này đã được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV (tháng 5-2019) và được điều chỉnh chủ trương đầu tư tại kỳ họp 5, Quốc hội khoá XV (tháng 5-2023).

Dự án gồm ba hạng mục hồ chứa với dung tích 51,21 triệu m3, công trình đầu mối và hệ thống kênh. Theo tỉnh Bình Thuận, tổng mức đầu tư dự án là hơn 874 tỉ đồng, tăng gần 290 tỉ đồng so với phê duyệt ban đầu.

Mục tiêu đầu tư của dự án: Cung cấp nước tưới cho sản xuất nông nghiệp; cấp nước thô cho khu công nghiệp và sinh hoạt của người dân; phòng, chống lũ và cải tạo môi trường, điều tiết nước cho vùng hạ du khu vực Hàm Thuận Nam và tỉnh Bình Thuận.

Theo báo cáo kiểm kê hiện trạng rừng và đất lâm nghiệp thuộc dự án hồ chứa nước Ka Pét thì tổng diện tích đất làm dự án là 697,73 ha. Trong đó, diện tích sử dụng đất rừng là 619,72 ha (rừng đặc dụng là 137,95 ha, rừng phòng hộ là 0,51 ha, rừng sản xuất là 440,4 ha, đất nằm ngoài quy hoạch ba loại rừng là 40,72 ha và đất không có rừng 60,14 ha). Còn lại hơn 18 ha là đất sản xuất nông nghiệp.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm