Bộ trưởng Bộ GD-ĐT: Cần triệt tiêu văn mẫu

(PLO)-  Các môn học đều cần có sự đổi mới, nhưng môn Lịch sử, Ngữ văn là những môn Khoa học xã hội nhân văn, quan trọng, cần thiết cần ưu tiên làm trước.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tại Hội thảo đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn, môn Lịch sử ở trường phổ thông hôm 15-8, Bộ Trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho rằng, không phải đến thời điểm này Bộ GD&ĐT mới đặt vấn đề đổi mới môn Lịch sử, Ngữ văn và các môn học khác, mà vấn đề này đã đặt ra hàng chục năm nay.

Các môn học đều cần đổi mới

Nhưng chỉ đổi mới về phương pháp dạy học là chưa đủ mà phải đổi mới sâu hơn, toàn diện hơn.

Các thầy cô giáo cần bàn bạc trên tinh thần cởi mở để dành nhiều thời gian định vị môn học, cách tiếp cận, tư duy môn học, khi làm được điều đó, phương pháp mới có gốc.

Theo ông Sơn, kể từ khi Nghị quyết 29 ra đời, Chương trình GDPT 2018 ban hành thì vấn đề đổi mới giáo dục mang tính tổng thể, toàn diện.

Chương trình GDPT 2018 là kịch bản đổi mới tổng thể, bài bản nhất từ trước đến nay, khung cho toàn bộ sự đổi mới. Việc đổi mới từng môn học, từng nội dung, phương pháp, SGK, kiểm tra, đánh giá sẽ dẫn đến sự thay đổi về lượng và chất.

Các môn học cần có sự đổi mới, nhưng môn Lịch sử, Ngữ văn là những môn Khoa học xã hội nhân văn, quan trọng, cần thiết cần ưu tiên làm trước.

“Mục tiêu của đổi mới giáo dục phổ thông là tăng cường phương diện dạy người, rèn luyện đạo đức, nhân cách, phẩm chất của con người. Sự kỳ vọng của xã hội đặt ở việc triển khai hai môn học này cũng rất lớn.

Do đó, đổi mới Lịch sử và Ngữ văn cần làm trước, ưu tiên và làm ngay, làm dứt khoát cho đến khi nào có hiệu quả” – ông Sơn nói.

Cũng theo ông Nguyễn Kim Sơn, cái vướng chung hiện nay của cả hai môn học này là làm sao hấp dẫn được học sinh học và giáo viên hứng thú dạy và học, quan trọng là cái thực và tính chủ thể của giáo viên và học sinh trong tiếp cận môn học.

“Lịch sử là công cụ, chỗ dựa, phương tiện để tu dưỡng con người. Môn Lịch sử đem lại cho con người thế giới kinh nghiệm, tri thức về xã hội. Giáo dục Lịch sử là giáo dục cho trẻ em những trải nghiệm, chứ không chỉ là tri thức…”- Bộ trưởng Bộ GD&ĐT nhấn mạnh.

Ông Sơn cho rằng, tiếp cận vấn đề như vậy sẽ tìm ra phương pháp dạy học phù hợp.

Cần triệt tiêu văn mẫu

Còn đối với môn Ngữ văn, ông Nguyễn Kim Sơn đề đề cập đến việc cần tập trung nhiều hơn cho môn tiếng Việt, cần tiếp cận môn tiếng Việt với mục tiêu bất kỳ người Việt nào cũng có trình độ và năng lực tiếng Việt tốt, không chỉ ở bậc phổ thông, mà ở cả các cấp học cao hơn.

Khẳng định quan điểm cần triệt tiêu văn mẫu, Văn học phải củng cố vị trí của một môn học nghệ thuật. Môn học cần phát triển tư duy nghệ thuật, trong đó đặc biệt lấy phát triển tư duy hình tượng, lấy Văn học làm rộng mở trí tượng tưởng, phát triển các cảm xúc.

“Cần loại bỏ xúc động theo mẫu, tưởng tượng theo khuôn và tình cảm theo quy định. Làm được như thế mới giải phóng được con người”- ông Sơn nói.

Cũng tại đây, các đại biểu đã thẳng thắn chia sẻ về những thuận lợi, khó khăn trong dạy môn Lịch sử và Ngữ văn.

Cụ thể, với môn Lịch sử, nhiều thầy cô còn ôm đồm nhiều kiến thức, dạy chuỗi dài các sự kiện khiến học sinh không mấy hứng thú. Hay như môn Ngữ văn, tình trạng dạy theo lối mòn truyền thống, truyền thụ kiến thức một chiều, ngại đổi mới vẫn còn.

Các đại biểu cũng nhìn nhận quá trình đào tạo sinh viên sư phạm nhiều năm gần đây còn bất cập khi chất lượng đầu vào chưa cao, chương trình đào tạo chưa bắt nhịp đổi mới.

Từ đó, các đại biểu đề xuất cần tăng cường bồi dưỡng đội ngũ cán bộ; đổi mới kiểm tra đánh giá; tăng cường cơ sở vật chất; giảm tải các tiêu chí đánh giá xếp loại viên chức và chuẩn nghề nghiệp thay vào đó tập trung cho chuyên môn để nâng cao chất lượng.

Hội thảo đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn, môn Lịch sử ở trường phổ thông được tổ chức tại Hải Phòng. Tham dự Hội thảo có các lãnh đạo các vụ, cục chuyên môn của Bộ GD&ĐT: Vụ Giáo dục Trung học, Vụ Giáo dục Tiểu học, Vụ Giáo dục Thường xuyên, Cục Quản lý chất lượng; lãnh đạo, chuyên viên, giáo viên thuộc 31 Sở GD&ĐT; đại diện 9 trường đại học và Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam.

Hội thảo nhằm đánh giá thực trạng dạy học các môn Ngữ văn, Lịch sử hiện nay ở trường phổ thông; đề xuất những giải pháp đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực nhằm nâng cao chất lượng dạy học và kiểm tra đánh giá đối với các môn học Ngữ văn và Lịch sử ở trường phổ thông.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm