Bộ trưởng Bộ Y tế: Nhiều bệnh có xu hướng gia tăng mùa nắng nóng
Đây là một trong những nội dung được Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh tại hội nghị trực tuyến triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh, công tác tiêm chủng và an toàn tiêm chủng năm 2019 vào sáng 11-6.
Tại Việt Nam, trong nhiều tuần qua, bệnh TCM giảm hơn so với trung bình giai đoạn 2013-2017. Tuy nhiên, số mắc bệnh SXH và TCM vẫn tăng cục bộ tại nhiều tỉnh, thành. Số mắc sốt phát ban nghi sởi và sởi dương tính ghi nhận tại hầu hết các tỉnh, thành.
Bên cạnh đó, thời tiết nóng bất thường, mưa nhiều khiến bệnh SXH có chiều hướng gia tăng. Nắng nóng cũng làm các bệnh TCM, viêm màng não, viêm não Nhật Bản B... có xu hướng gia tăng.
Trong thời gian tới, tình hình dịch bệnh vẫn còn nhiều tiềm ẩn diễn biến phức tạp, nguy cơ bệnh mới nổi và nguy hiểm trên thế giới có khả năng xâm nhập vào nước ta, các bệnh dịch lưu hành trong nước như TCM, sởi, SXH có thể ghi nhận số mắc gia tăng do các nguyên nhân khách quan như biến đổi khí hậu, tốc độ đô thị hóa nhanh, mật độ dân số cao, giao lưu quốc tế và trong nước rộng rãi.
Công tác phòng, chống dịch bệnh còn nhiều khó khăn do các bệnh như SXH, TCM chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vaccine phòng bệnh, hoạt động phòng, chống chủ yếu dựa vào sự tham gia của cộng đồng, ý thức tự phòng bệnh của người dân…
Chính vì vậy, bộ trưởng nhấn mạnh cần phải truyền thông chủ động phòng, chống dịch trước rồi mới đến chữa bệnh, đẩy mạnh các hoạt động truyền thông phòng, chống dịch bệnh mùa hè, chủ động cung cấp thông tin kịp thời cho báo chí về tình hình dịch và khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp phòng tránh.
“Truyền thông dự phòng phải đi trước một bước rồi mới đến chữa bệnh, với an toàn tiêm chủng phải xử lý kịp thời các tai biến. Phòng, chống dịch bệnh cần sự vào cuộc của toàn xã hội, không chỉ riêng ngành y tế…” - Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến lưu ý.
Về điều trị, các bệnh viện phải sàng lọc, phân loại bệnh, tránh chẩn đoán nhầm lẫn hoặc bỏ sót ca bệnh nặng, đồng thời sàng lọc phân loại, phân luồng, phân tuyến, cách ly trong điều trị... để giảm quá tải và lây nhiễm chéo cho người bệnh, không để quá tải gây hoang mang dư luận.
Các bệnh đã có vaccine phòng bệnh như sởi, viêm não Nhật Bản… thì người dân cần thiết phải tiêm vaccine phòng bệnh, không để dịch bệnh bùng phát. Các đơn vị tiêm chủng thực hiện nghiêm túc, an toàn tiêm chủng, sàng lọc thật kỹ tiền sử của trẻ và khi có tai biến xảy ra thì cần xử lý kịp thời.
Để chủ động phòng, chống dịch bệnh trong thời gian tới, đặc biệt là những tháng cuối năm, tại hội nghị, Bộ trưởng Kim Tiến đề nghị các đơn vị y tế cập nhật hướng dẫn về các biện pháp chuyên môn, kỹ thuật cụ thể cho các tuyến tỉnh, huyện, xã theo hướng “cầm tay chỉ việc”, trong đó tập trung vào hướng dẫn kỹ thuật về công tác giám sát, xử lý và phòng, chống bệnh SXH, TCM; hướng dẫn cập nhật phác đồ điều trị bệnh nhân SXH cho trẻ em và phác đồ điều trị bệnh nhân SXH cho người lớn; hướng dẫn thực hiện tiêm chủng an toàn và hướng dẫn xử lý, cấp cứu các trường hợp tai biến sau tiêm chủng.