Bộ trưởng Cao Đức Phát xin lỗi vì nói chưa hết ý

Ngay sau phát ngôn của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát, đông đảo người dân quan tâm đến tình hình an toàn thực phẩm (ATTP) hết sức bức xúc và cho rằng Bộ trưởng Phát nói như thế là khinh thường nhân dân.

Chiều 3-4, tại trụ sở Bộ NN&PTNT, Bộ trưởng Cao Đức Phát đã có cuộc trao đổi với báo chí liên quan đến phát ngôn trước đó của ông tại Quốc hội (QH).

“Tôi diễn đạt không hết ý”

Trần tình về phát ngôn của mình, Bộ trưởng Phát cho rằng: “Thực ra do thời gian ở QH rất hạn chế nên tôi đã diễn đạt chưa rõ ràng làm cho độc giả, người dân bức xúc”.

Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng trách nhiệm của Bộ NN&PTNT là chính, là phải nỗ lực giúp người dân phân biệt thực phẩm an toàn. Thời gian qua Bộ NN&PTNT cùng các cơ quan quản lý nhà nước đã phối hợp với các địa phương cố gắng xây dựng những chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, có xác nhận, có thương hiệu để người dân yên tâm đến những nơi đó mua và tiêu dùng.

“Chúng tôi đã phối hợp với 35 tỉnh xây dựng được 280 chuỗi và bán tại 549 cửa hàng, trong đó 406 cửa hàng đã có xác nhận ATTP. Ý khi tôi nói chữ “không biết” là vì thời gian gấp quá, đáng ra tôi phải nói là người dân không biết đâu là sản phẩm thực sự an toàn và đâu là sản phẩm có vi phạm” - Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết.

Thực phẩm không an toàn đang là tâm điểm khiến toàn xã hội quan tâm. Ảnh: S.HÀO

Theo ông Phát, tình trạng thực phẩm mất an toàn đang rất nghiêm trọng. Ông cũng dẫn lời của Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ VN Nguyễn Thiện Nhân báo cáo ý kiến của cử tri với QH coi đây là một vấn nạn.

Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng gia đình ông cũng có người bị ung thư nên rất thấm thía nỗi đau và muốn chia sẻ với những gia đình có người mang bệnh. Bộ trưởng Phát khẳng định: “Đối với ngành nông nghiệp, nhiều năm nay chúng tôi coi việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm là nhiệm vụ trọng tâm số một. Chúng tôi hiểu đây là mong đợi của nhân dân, vấn đề này có liên quan đến sức khỏe, đến giống nòi”.

Theo ông Phát, đó cũng là mục tiêu của tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn hiện nay. Hiện về cơ bản, chúng ta đáp ứng đủ về số lượng lương thực, thực phẩm cho nhân dân, thậm chí có dư để xuất khẩu với số lượng rất lớn nên yêu cầu bây giờ là chất lượng và hiệu quả. Chỉ tiêu quan trọng hàng đầu của chất lượng đó là an toàn vệ sinh thực phẩm.

Mạnh tay hơn đối với thực phẩm bẩn

Kết thúc buổi làm việc, Bộ trưởng Cao Đức Phát gửi lời xin lỗi đến người dân cả nước khi phát biểu đã diễn đạt không hết ý nên đã gây ra sự hiểu lầm khiến người dân bức xúc. Bộ trưởng khẳng định: “Tình hình ATTP đã có chuyển biến nhưng chậm. Suốt năm tháng vừa qua, chúng tôi làm cao điểm thì chuyển biến có khá hơn. Với đà đó, chúng tôi đang định trong năm nay sẽ làm mạnh, ngăn chặn việc sử dụng chất cấm salbutamol, vàng ô trong chăn nuôi và việc sử dụng thuốc trừ sâu, hóa chất trong rau, củ quả để đem lại thực phẩm an toàn cho người dân, đồng thời xử lý nghiêm các cơ sở chăn nuôi, trồng rau không an toàn, gây nguy hại đối với xã hội”.

Về vấn đề này, ông Phạm Tiến Dũng, Cục phó Thanh tra Bộ NN&PTNT, cho biết sắp tới cần có chế tài mạnh hơn đối với hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. Theo ông, hiện nay chưa thể xử lý hình sự đối với những công ty, người đưa chất cấm vào chăn nuôi. Dù mức phạt lên đến nửa tỉ đồng nhưng xem ra các công ty vẫn không hề sợ sệt.

Rồi ai phải chịu trách nhiệm?

Bộ trưởng Cao Đức Phát xin lỗi vì nói chưa hết ý ảnh 2

Tại buổi trao đổi với báo Lao Động chiều 3-4, Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát đã nói: “Tôi mong muốn gửi lời xin lỗi đến nhân dân và độc giả. Trong lòng tôi thực sự mong muốn nỗ lực cùng đồng nghiệp để nhân dân được sử dụng thực phẩm an toàn”. 

Lời xin lỗi của ông có thể xem là một cách khép lại một sự cố lẽ ra không đáng có của một bộ trưởng. Trước đó, tại Quốc hội ngày 1-4, câu phát biểu của Bộ trưởng Phát: “Đa số thực phẩm là an toàn nhưng nhân dân không biết” đã khiến nhiều người dân bất bình.

Còn nhớ, ngày 25-12-2015, trong cuộc họp cuối năm của Ban chỉ đạo Liên ngành về an toàn thực phẩm (ATTP) Quốc gia do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì, Bộ trưởng Phát đã báo cáo thực trạng vấn đề ATTP trong nông nghiệp, theo đó lỗi không phải do cơ quan trung ương mà thuộc về địa phương, cơ sở, nơi thực hiện và triển khai những chính sách về ATTP. Theo Bộ trưởng Phát, toàn quốc có 700.000 ha rau nhưng chỉ khoảng 1% đủ và có đăng ký tiêu chuẩn VietGap (tiêu chuẩn đạt quy trình sản xuất sạch và an toàn).

Thông tin tại hội thảo quốc gia liên ngành về phòng, chống ung thư tổ chức tại BV Bạch Mai đầu tháng 12-2015 cho hay: Năm 2014, 82.000 người chết vì ung thư mà 70% có nguyên nhân từ vấn đề ATTP không được đảm bảo. Còn tại báo cáo ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân trước Quốc hội ngày 21-3, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân cho hay nhân dân và cử tri coi mất vệ sinh ATTP là “quốc nạn” và đề nghị Quốc hội, Chính phủ có những giải pháp quyết liệt.

Nhiều lần ông Nhân khẳng định: Người Việt đang đầu độc người Việt bằng những sản phẩm không an toàn. Điều đó trái với văn hóa và đạo lý của dân tộc. Nói về việc kinh doanh thực phẩm bẩn, ông cho rằng: “Không thể kiếm lợi nhuận bằng việc đầu độc chính đồng bào mình”.

Thực phẩm bẩn cũng là chủ đề nóng tại các kỳ họp Quốc hội gần đây với những phát ngôn ấn tượng: Chưa bao giờ con đường từ dạ dày đến nghĩa địa lại ngắn đến thế! Nhân dân cũng rất bất bình, lo lắng chắc không thua kém Bộ trưởng Phát khi ông nói về một người trong gia đình mình bị ung thư vì thực phẩm bẩn.

Thế nhưng sự quyết liệt thực hiện trách nhiệm của một số lực lượng, cán bộ thực thi công vụ trong vấn đề này, như lời bà Phó cục trưởng Cục ATTP, Bộ Y tế Trần Việt Nga nói với Pháp Luật TP.HCM, vẫn chưa hoàn thành, thậm chí có việc buông lỏng quản lý. Điều này khiến chúng ta hoàn toàn có quyền đặt nghi vấn về những tiêu cực trong việc ngăn chặn thực phẩm bẩn, đảm bảo ATTP. Tiêu cực, tham nhũng, buông lỏng quản lý, không làm hết trách nhiệm… chắc chắn, dù có khi là vô tình, cũng tiếp tay cho tình trạng thực phẩm bẩn, ảnh hưởng tới sức khỏe của toàn dân.

Có đại biểu Quốc hội cũng nói rằng hiện nay dân không ăn cũng chết mà ăn cũng chết. Ai lắng nghe những lời ai oán này? Sự vô cảm, thờ ơ, dù ở bất cứ cấp độ nào, cũng là vô tình tiếp tay cho những hành vi làm mất ATTP, sản xuất thực phẩm bẩn mà có vị lãnh đạo đã từng gọi đúng tên của nó: “Tội ác”.

Cuối cùng, ngoài việc mong ước có thể dùng thực phẩm sạch, người dân trông mong một câu trả lời cho “quốc nạn” này: Ai phải chịu trách nhiệm?

CHÂN LUẬN

Phải đưa ngay vào luật và xem việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi phải xử lý hình sự. Như thời điểm hiện nay, luật vẫn chưa đảm bảo tính chặt chẽ nên chất cấm, kích thích rau quả… vẫn chưa được ngăn chặn. Việc này cần phải làm ngay và không thể chần chừ, chậm một ngày sẽ có thêm người ăn phải thực phẩm không an toàn và đồng nghĩa với việc có thể bị mang mầm bệnh ung thư.

ĐINH THỊ PHƯƠNG KHANH, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Long An

Các nhà khoa học báo động về số người bị ung thư tại Việt Nam tăng nhanh. Riêng năm 2014 đã có 82.000 người tử vong vì ung thư. Trong đó, nguyên nhân về môi trường, ATTP… là 75%. Ở thời điểm hiện nay, khi phát hiện người sử dụng chất cấm vẫn không thể xử lý hình sự. Nếu xử lý hành chính, phạt thật nặng thì chỉ xử lý phần ngọn.

Trung tá TRẦN TRỌNG BÌNH, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát môi trường (Bộ Công an)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm