Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên: Tháo các 'điểm nghẽn' để bứt phá, vươn lên

Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên: Tháo các 'điểm nghẽn' để bứt phá, vươn lên

(PLO)- Năm 2023, dự báo sẽ có nhiều khó khăn và Bộ Công Thương sẽ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ được giao.

“Sang năm 2023, nền kinh tế nước ta nói chung và ngành công thương nói riêng được dự báo sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, ngành công thương sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp để tiếp tục thực hiện thắng lợi và toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2023 đã được giao”.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên chia sẻ với Pháp Luật TP.HCM dịp đầu xuân Quý Mão 2023.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên

Vượt qua khó khăn để đạt nhiều chỉ tiêu quan trọng

. Phóng viên:Năm 2022 tình hình quốc tế diễn biến nhanh, khó lường và dị biệt, thế nhưng ngành công thương vẫn đạt và vượt nhiều chỉ tiêu quan trọng. Bộ trưởng có thể chia sẻ thêm về kết quả này?

+ Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: Năm 2022, dù gặp nhiều khó khăn nhưng ngành công thương vượt qua khó khăn, đạt được nhiều kết quả tích cực, hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu được Quốc hội, Chính phủ giao.

Nổi bật là sản xuất công nghiệp phục hồi tích cực ở hầu hết ngành, lĩnh vực và địa phương. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế với tốc độ tăng 8,1%, đóng góp 2,1 điểm phần trăm vào tốc độ tăng trưởng GDP và hơn 86% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Xuất nhập khẩu hàng hóa đạt mức kỷ lục mới 732,5 tỉ USD, tăng gần 10% so với năm 2021, đưa Việt Nam (VN) vào nhóm các nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế.

Cán cân thương mại năm 2022 tiếp tục ghi nhận VN xuất siêu năm thứ bảy liên tiếp với thặng dư 11,2 tỉ USD, gấp 3,3 lần so với năm 2021, góp phần tích cực cho cán cân thanh toán, giúp nâng cao dự trữ ngoại hối, ổn định tỉ giá và các chỉ số kinh tế vĩ mô khác của nền kinh tế.

Cùng với xuất khẩu, thị trường trong nước cũng hồi phục mạnh mẽ với các chương trình kích cầu tiêu dùng, tháng khuyến mãi tập trung được tổ chức đồng loạt ở các địa phương trên cả nước.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ năm 2022 tăng gần 20%, vượt mục tiêu kế hoạch của ngành (mục tiêu tăng 8%), cơ bản đáp ứng đủ hàng hóa thiết yếu cho sản xuất và tiêu dùng.

Thương mại điện tử tiếp tục tăng trưởng mạnh, trở thành phương thức phân phối quan trọng, đưa VN vào nhóm năm quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới, tạo động lực phát triển kinh tế và dẫn dắt chuyển đổi số trong doanh nghiệp (DN).

Tình hình sản xuất và cung ứng điện năng cơ bản đáp ứng nhu cầu phục vụ sản xuất và đời sống sinh hoạt của nhân dân trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng toàn cầu cũng là một điểm sáng đáng ghi nhận của ngành công thương.

Thủ tướng Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà và Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên chủ trì Hội nghị thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng trong nước và mở rộng thị trường xuất khẩu năm 2023 vào ngày 3-2. Ảnh: TTXVN

Tác động khó lường của nền kinh tế toàn cầu

. Bên cạnh những điểm sáng ấy, Bộ trưởng còn băn khoăn, trăn trở với vấn đề gì không?

+ Năm 2022, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, ngành công thương vẫn tồn tại một số khó khăn, hạn chế cần tập trung tháo gỡ.

Với lĩnh vực công nghiệp, đó là xu hướng tăng trưởng chậm lại trong những tháng cuối năm.

Các DN sản xuất công nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, chi phí vốn tăng ảnh hưởng đến sự phục hồi của sản xuất, ảnh hưởng đến giá thành sản phẩm và sức cạnh tranh của DN.

Sự tham gia của các DN trong nước vào các chuỗi cung ứng toàn cầu chưa cao; các ngành công nghiệp có tính nền tảng, then chốt phát triển còn chậm…

Với xuất khẩu, việc nối lại thị trường nước ngoài và các chuỗi cung ứng vẫn chưa trở lại bình thường, ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng xuất khẩu chung của cả nước.

Tại thị trường trong nước, giá một số hàng hóa, nhất là các mặt hàng nhóm năng lượng, xăng dầu… có xu hướng tăng theo giá hàng hóa thế giới đã gây ảnh hưởng đến sức mua của toàn thị trường.

Bước sang năm 2023, tôi cho rằng ngành công thương tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Tình hình xung đột Nga - Ukraine dự báo còn kéo dài, điều này khiến cho nguồn cung và giá cả năng lượng vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường.

Các xung đột địa chính trị cùng với tình hình lạm phát, suy thoái kinh tế và sụt giảm tăng trưởng toàn cầu vẫn là các mối nguy đối với an ninh kinh tế của các quốc gia. Các tác động của kinh tế toàn cầu đối với đất nước là rất rõ rệt khi độ mở cửa của nền kinh tế ngày càng lớn sẽ tác động đến việc thực hiện các mục tiêu tăng trưởng mà Quốc hội và Chính phủ đề ra.

Thủ tướng: Tập trung thực hiện bốn quy hoạch ngành

Ngày 3-2, tại Hội nghị thúc đẩy sản xuất tiêu dùng trong nước và mở rộng thị trường xuất khẩu năm 2023 do Bộ Công Thương tổ chức, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu ngành công thương trước hết cần tập trung cho bốn quy hoạch ngành được giao chủ trì gồm: Quy hoạch Điện lực quốc gia; Quy hoạch Tổng thể về năng lượng quốc gia; Quy hoạch Hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia; Quy hoạch Thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản.

Về giá điện, Thủ tướng đánh giá giá điện của nước ta không thể giống nước phát triển, giá quá cao thì người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế không chịu được. Thủ tướng đề nghị Bộ Công Thương phải suy nghĩ thấu đáo vấn đề này theo tinh thần lợi ích hài hòa, khó khăn và rủi ro chia sẻ giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.

Ngành công thương cũng cần có giải pháp để tận dụng hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết. Tận dụng tốt cơ hội Trung Quốc mở cửa sau khi kiểm soát được dịch bệnh...

Thực hiện đồng bộ các giải pháp

. Với những khó khăn như Bộ trưởng vừa chia sẻ, vậy ngành công thương sẽ có kế hoạch hành động như thế nào cho năm 2023 để đạt được các mục tiêu đã đề ra?

+ Sang năm 2023, nền kinh tế nước ta nói chung và ngành công thương nói riêng được dự báo sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

Tại hội nghị tổng kết của Bộ Công Thương vào ngày 26-12-2022, ngành công thương đặt mục tiêu chỉ số sản xuất công nghiệp tăng khoảng 8%-9%; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 6% so với năm 2022.

Những mục tiêu này được đánh giá là “khá cao” so với những dự báo về tình hình khó khăn chung của toàn thế giới. Để khắc phục những khó khăn, thách thức, tiếp tục thực hiện thắng lợi và toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2023 được giao, ngành công thương sẽ tập trung vào năm nhóm nhiệm vụ trọng tâm.

Một trong những nhiệm vụ đó là chú trọng các giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ DN phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh; đẩy nhanh triển khai các dự án phát triển công nghiệp, thương mại, nhất là các dự án trọng điểm. Đồng thời có cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp có tính nền tảng, góp phần nâng cao năng lực tự chủ của nền công nghiệp quốc gia.

Chúng tôi cũng tiếp tục triển khai các chương trình kết nối các DN trong nước tham gia chuỗi cung ứng của các DN FDI. Qua đó góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của các DN Việt để từng bước tham gia sâu vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.

Về xuất nhập khẩu, bộ chủ động rà soát, tham mưu cho cấp có thẩm quyền đàm phán, ký kết các cơ chế hợp tác song phương và đa phương mới. Đồng thời tiếp tục phát huy tốt vai trò của hệ thống cơ quan thương vụ VN ở ngoài nước nhằm hỗ trợ các địa phương, hiệp hội, DN khai thác có hiệu quả các hiệp định thương mại tự do đã ký kết để mở rộng, đa dạng hóa thị trường, chuỗi cung ứng và mặt hàng xuất nhập khẩu. Chú trọng hỗ trợ các địa phương, DN chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch gắn với xây dựng thương hiệu, thúc đẩy xuất khẩu bền vững.

Đối với thị trường trong nước, tiếp tục khai thác hiệu quả thị trường nội địa 100 triệu dân còn nhiều tiềm năng, đồng thời theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả, thị trường các mặt hàng thiết yếu để điều hành phù hợp, hiệu quả.

Bên cạnh đó, bộ cũng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường; đẩy mạnh đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, gian lận xuất xứ, cạnh tranh không bình đẳng; nâng cao năng lực phòng vệ thương mại... bảo đảm môi trường sản xuất, kinh doanh lành mạnh, bình đẳng cho DN, bảo vệ sản xuất và lợi ích của người tiêu dùng trong nước, phù hợp với các cam kết quốc tế.

. Xin cám ơn ông.•

Các kịch bản ứng phó với thị trường xăng dầu

Trước tác động bất thường của thị trường xăng dầu năn 2022, Bộ Công Thương đã thực hiện đồng bộ, kịp thời, hiệu quả các giải pháp nhằm bảo đảm nguồn cung xăng dầu.

Cụ thể, bộ phân giao bổ sung hạn mức xăng dầu nhập khẩu trong quý II-2022 cho các thương nhân đầu mối, chỉ đạo các thương nhân đầu mối tăng lượng nhập khẩu và mua từ nguồn sản xuất trong nước; yêu cầu các nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, Bình Sơn tăng công suất tối đa...

Bộ cũng đã nhiều lần kiến nghị lên Thủ tướng chỉ đạo và đề nghị Bộ Tài chính rà soát, điều chỉnh các chi phí liên quan đến kinh doanh xăng dầu, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp (DN) và người dân...

Nhờ thực hiện đồng bộ, quyết liệt cùng với sự chỉ đạo sát sao, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng... nên nguồn cung xăng dầu trong nước vẫn cơ bản được đảm bảo phục vụ hoạt động sản xuất, tiêu dùng trong nước. Giá xăng dầu Việt Nam giữ ổn định, thấp thứ 29 trên thế giới, góp phần đảm bảo tăng trưởng kinh tế và kiềm chế lạm phát.

Năm 2023, Bộ Công Thương sẽ tập trung chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các DN thực hiện nghiêm phương án nhập khẩu bổ sung đã được phân giao, bảo đảm duy trì nguồn cung liên tục cho thị trường trong nước, kiên quyết không để xảy ra thiếu hụt nguồn cung trong mọi tình huống.

Bộ cũng sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính trong việc rà soát, cập nhật, điều chỉnh kịp thời các chi phí kinh doanh xăng dầu, bảo đảm phù hợp với thực tế phát sinh để khuyến khích các DN tạo nguồn cung ổn định cho thị trường. Sử dụng linh hoạt, hiệu quả công cụ quỹ bình ổn giá theo quy định của pháp luật, góp phần thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát và hỗ trợ phục hồi kinh tế.

Cùng với việc tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh xăng dầu, bộ cũng sẽ khẩn trương rà soát, tham mưu với Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định 83/2014-NĐ/CP và Nghị định 95/2021-NĐ/CP của Chính phủ, bảo đảm khoa học, hợp lý, hiệu quả, khả thi, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và công tác quản lý nhà nước, bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, người dân và DN.

Cùng với đó là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành kinh doanh xăng dầu tại các DN đầu mối, thương nhân phân phối và tổng đại lý kinh doanh xăng dầu trên toàn quốc, bảo đảm công khai, minh bạch, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý kinh doanh xăng dầu trên phạm vi cả nước.

.................................

Doanh nghiệp mong Bộ Công Thương sát cánh hơn nữa

Trong các thương vụ cụ thể, Bộ Công Thương đã sát cánh cùng các doanh nghiệp (DN) và họ mong muốn nhiều hơn trong việc tạo điều kiện cũng như tiếp tục có các dự báo, cảnh báo và giải pháp sát sườn hơn.

Ông ĐẶNG HOÀNG GIANG, Tổng thư ký Hiệp hội Điều Việt Nam - Vinacas:

Vào cuộc kịp thời vụ lừa đảo 100 container hạt điều


Ông Đăng Hoàng Giang, Tổng thư ký Hiệp hội Điều Việt Nam

Trong năm 2022, vụ việc “nóng” nhất đối với DN xuất khẩu ngành điều là 100 container hạt điều xuất khẩu sang EU bị lừa đảo và có nguy cơ mất hàng.

Ngay khi nhận được thông tin và xét thấy có dấu hiệu lừa đảo, Hiệp hội Điều VN đã phối hợp với đại sứ quán, thương vụ VN cùng những cơ quan liên quan nỗ lực đàm phán, khiếu nại để giảm thiệt hại tối đa cho DN.

Kể từ khi sự việc xảy ra, Bộ Công Thương đã vào cuộc nhanh chóng và quyết liệt, giúp các DN VN không giao bộ chứng từ gốc, đòi được một số bộ chứng từ chuyển ngược lại VN.

Bộ trưởng Bộ Công Thương đã gửi bốn công thư cho bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Kinh tế của Ý, Bộ Kinh tế Tài chính, Đại sứ quán VN tại Ý và Đại sứ quán Ý tại VN đề nghị hỗ trợ xem xét việc này phù hợp theo quy định của pháp luật.

Bộ Công Thương cũng thành lập một tổ đặc trách, bao gồm cán bộ các cục, vụ liên quan trong bộ để trao đổi thường xuyên với hiệp hội, đơn vị, các DN liên quan nhằm hỗ trợ DN và có hướng xử lý kịp thời trong các bước giải quyết tiếp theo.

Nhận được sự hỗ trợ tích cực, sau khoảng ba tháng, các DN VN đã giành lại quyền kiểm soát đối với toàn bộ 100 container và chỉ mất một phần thiệt hại về chi phí lưu kho, vận chuyển, giải phóng hàng giá rẻ, ít hơn nhiều so với thiệt hại dự kiến. Đây sẽ là bài học kinh nghiệm lớn cho DN xuất khẩu ngành điều cũng như các ngành khác. Trong thời gian tới, xuất khẩu sẽ tiếp tục có nhiều cơ hội khi nhiều thị trường mà VN đã ký kết Hiệp định thương mại tự do (FTA) rộng mở hơn.

Xuất khẩu nhân điều sang các thị trường FTA đều có tăng trưởng nhẹ nhưng sản lượng xuất khẩu trực tiếp các sản phẩm điều chế biến sâu vào các thị trường cao cấp vẫn còn thấp. Ví dụ, Hà Lan nhập khẩu lượng điều nhân từ VN rất lớn, sau đó các nước như Đức, Anh lại nhập khẩu từ Hà Lan.

Vì vậy, chúng tôi mong muốn Bộ Công Thương đưa ra những cảnh báo rủi ro kịp thời và có những giải pháp hỗ trợ nhằm giúp các DN tận dụng tốt các FTA, đưa các sản phẩm nông sản trong đó có hạt điều vào những thị trường cao cấp, giảm bớt lượng hạt điều qua thị trường cửa ngõ trung gian để mang về giá trị gia tăng.

Ông TRẦN QUỐC MẠNH, Phó Chủ tịch Hiệp hội Hàng thủ công mỹ nghệ VN:

Cần các thương vụ tại nước ngoài “sát cánh”


Ông TRẦN QUỐC MẠNH, Phó Chủ tịch Hiệp hội Hàng thủ công mỹ nghệ VN

Trong điều kiện nền kinh tế đang gặp nhiều thách thức, các hiệp định FTA vẫn mang lại nhiều cơ hội cho DN, giúp các DN đi sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Tuy nhiên, khi hàng hóa thâm nhập sâu vào thị trường quốc tế thì chắc chắn không thể tránh khỏi các hàng rào bảo hộ hàng hóa nội địa của các nước tăng cường sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại.

Do đó, thời gian qua gia tăng các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại đối sản phẩm gỗ VN.

Bên cạnh nỗ lực của DN, sự hỗ trợ của cơ quan quản lý nhà nước trong vấn đề phòng vệ thương mại là hết sức quan trọng.

Thời gian qua Bộ Công Thương, cụ thể là Cục Phòng vệ thương mại đã đồng hành với ngành gỗ trước các vụ việc phòng vệ thương mại. Trong nhiều vụ việc điều tra phòng vệ thương mại của ngành gỗ, nhất là các vụ điều tra từ thị trường Mỹ, tiếng nói từ Bộ Công Thương đã đóng vai trò quan trọng, góp phần bảo vệ được lợi ích cho hàng hóa, DN VN.

Đặc biệt, hệ thống cảnh báo sớm của Bộ Công Thương rất hữu ích, có ý nghĩa đối với DN. Nhiều vụ việc của ngành gỗ đã nhận được cảnh báo sớm và kịp thời ứng phó hiệu quả.

Bên cạnh sự hỗ trợ từ Bộ Công Thương, các DN mong muốn nhận được sự “sát cánh”, hỗ trợ của các thương vụ VN tại nước ngoài trong việc cập nhật thông tin về các thị trường, nhu cầu xuất nhập khẩu cũng như cảnh báo sớm các biện pháp phòng vệ thương mại.

QUANG HUY ghi

Đọc thêm