Đây là vấn đề được Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh đưa ra tại cuộc họp với lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty trực thuộc về vấn đề ô nhiễm môi trường diễn ra chiều 6-10. Tại cuộc họp, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã yêu cầu các lãnh đạo tập đoàn báo cáo thực tế hiện trạng tại các dự án điện, than, xi măng, khoáng sản…
Mở đầu cuộc họp, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đặt vấn đề: “Các đồng chí nghĩ gì khi đọc các bài báo phản ánh hiện trạng “14 nhà máy nhiệt điện vây đồng bằng sông Cửu Long” hay “Nhiệt điện than "bao vây" đồng bằng”. Cá nhân tôi thấy rất đau lòng. Là người đứng đầu các tập đoàn, tổng công ty lớn, các đồng chí đừng để người dân cứ nhắc đến nhiệt điện lại rùng mình coi đó là bệnh tật, là ô nhiễm là ung thư… chua xót lắm”.
Bộ trưởng Tuấn Anh yêu cầu các lãnh đạo tập đoàn, công ty phải đứng ra cam kết “không đánh đổi môi trường lấy dự án”. Đồng thời Bộ trưởng khẳng định sẽ kiên quyết đóng cửa những nhà máy, dự án nào có kết luận gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống dân sinh.
“Thời gian qua, tôi cảm thấy rất bất ngờ khi thấy các ý kiến cứ nhắc đi nhắc lại chuyện chọn thép hay chọn cá. Chúng ta bằng mọi giá phải xóa đi nỗi ám ảnh của người dân về điều này. Chúng ta không đánh đổi cái gì cả. Giữ môi trường cũng là giữ sự sống cho chúng ta và tương lai con cháu chúng ta sau này. Khi một số dự án mới chỉ là quy hoạch, từ khi quy hoạch đến lúc triển khai là cả một chặng đường dài có thể năm năm, 10 năm hoặc lâu hơn nữa.
Bộ trưởng Công Thương: Chúng ta bằng mọi giá phải xóa đi nỗi ám ảnh của người dân về chọn cá hay thép. Ảnh: ĐL
Người dân bày tỏ lo ngại về công nghệ, về vấn nạn môi trường, điều này có phần trách nhiệm của chúng ta khi chưa giải thích, cung cấp thông tin đầy đủ cho người dân hiểu”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.
Bộ trưởng còn cho rằng, Formosa cần được coi là bài học để các đơn vị ngành tập đoàn, tổng công ty cần rà soát thận trọng một lần nữa các dự án, nhà máy của mình. Bảo vệ môi trường sống, giảm thiểu ô nhiễm môi trường được coi là tiêu chí hàng đầu cho phát triển bền vững.
“Đã đến lúc chúng ta cần nói thẳng, nói thật với nhau xem chúng ta còn bỏ sót quy trình nào, cái gì chưa hoàn thiện cần khắc phục ngay, tốn kém cũng phải làm. Sử dụng tài nguyên có hiệu quả nhưng không phải bằng mọi giá, không đánh đổi hay hủy hoại môi trường bởi đó là tội ác” - ông nhấn mạnh.
Ông Trần Văn Lượng, Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp, cho biết qua kiểm tra một số dự án có thể thấy một số doanh nghiệp đã đi vào vận hành nhưng chưa có giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường như: Nhà máy nhôm Lâm Đồng, nhiệt điện Vũng Áng - PVN, nhiệt điện Duyên Hải 1.
Một số doanh nghiệp chưa có giấy phép xả nước thải vào nguồn nước như nhiệt điện Duyên Hải 1, nhiệt điện Hải phòng, Cảng dịch vụ dầu khí tổng hợp (PTSC) Quảng Bình, PTSC Đà Nẵng, PTSC Dung Quất, Công ty TNHH MTV phân bón dầu khí Cà Mau - PVN, Nhà máy đóng tàu Dung Quất - PVN.
Theo ông Lượng, việc chậm xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường do nhiều nguyên nhân: Chủ đầu tư thuê tư vấn lập ĐTM không đủ năng lực, dẫn đến phát sinh nhiều thay đổi trong thực tế triển khai; chủ đầu tư thay đổi các công trình bảo vệ môi trường mà chưa được sự chấp thuận; sự phối hợp giữa ban quản lý dự án với đơn vị được giao vận hành thiếu chặt chẽ;…