“Tình trạng cơ quan thuế, cán bộ thuế thiếu trách nhiệm vẫn tồn tại. Trên thực tế thủ tục hành chính thuế của Việt Nam vẫn chưa hấp dẫn các nhà đầu tư. Ngành thuế phải nhìn vào đó để thay đổi, không có gì phải xấu hổ, mình kém thì phải học hỏi các nước xung quanh”. Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã nhấn mạnh như thế tại hội nghị trực tuyến triển khai Nghị quyết 19/CP góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, cạnh tranh trong lĩnh vực thuế do Tổng cục Thuế tổ chức ngày 6-4.
Bộ trưởng yêu cầu ngành thuế phải quyết tâm áp dụng công nghệ thông tin vào giải quyết các thủ tục hành chính. Đến tháng 9-2015, phấn đấu tỉ lệ doanh nghiệp (DN) kê khai thuế điện tử đạt 95%, tỉ lệ DN nộp thuế điện tử đạt tối thiểu 90%. Cùng đó, ngành thuế rà soát giảm tối thiểu 10% số thủ tục hành chính thuế, đơn giản hóa 20% số thủ tục thuế theo hướng giảm chứng từ trong hồ sơ khai thuế, nộp thuế,… Theo ông Dũng, để thực hiện được mục tiêu này, ngành thuế phải đổi mới cách tuyên truyền để mang lại hiệu quả như bỏ các biển panô tuyên truyền, băng rôn treo bên đường.
Giải đáp thắc mắc về thuế cho người dân tại Cục Thuế TP.HCM. Ảnh: HTD
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nói: “Trước đây, chúng ta tuyên truyền bằng các biển hiệu lớn dựng ở ngã ba, ngã tư đường, nhiều nhất là địa bàn xã, huyện với các dòng chữ “Nộp thuế là quyền lợi và nghĩa vụ của người dân….”. Cách làm này vừa tốn tiền, không đem lại hiệu quả thực tế. Bây giờ ngành thuế cần tháo bỏ các biển hiệu này, thay đổi cách tuyên truyền như phối hợp với các nhà cung cấp viễn thông tạo các tin nhắn phổ biến chính sách, quy định liên quan đến nộp thuế…”.
Theo báo cáo của Tổng cục Thuế, dù ngành thuế đã giảm được 53 thủ tục hành chính và đơn giản hóa 262 thủ tục hành chính nhưng số lượng thủ tục vẫn còn nhiều, phức tạp ảnh hưởng đến thời gian của người nộp thuế. Tính đến hết năm 2014, thủ tục hành chính thuế vẫn còn 432 thủ tục, trong đó thuế cấp tỉnh và huyện chiếm số lượng lớn. Số lượng nộp thuế điện tử đối với DN còn thấp, tính đến ngày 1-4 mới có 41.800/488.000 DN (tương ứng 8,5% DN) tham gia thực hiện. Thủ tục hành chính thuế đối với cá nhân, hộ kinh doanh (thuế GTGT, TNCN, thuế trước bạ, thuế đất nông nghiệp,…) chưa có sự đổi mới, việc ứng dụng công nghệ thông tin với khu vực này còn hạn chế.
Để cụ thể hơn giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết Thủ tướng yêu cầu chậm nhất là đến 30-9-2015, ngành thuế phải ứng dụng công nghệ ở cấp độ 4 mới có thể giảm thiểu thời gian, chi phí cho người nộp thuế. Ứng dụng công nghệ cấp độ 4 có nghĩa là cơ quan thuế phải tiếp nhận hồ sơ, chứng từ điện tử qua mạng Internet và phải trả chứng từ qua mạng Internet.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM,ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế - Phòng Thương mại và Công nghiệp (VCCI), hoàn toàn đồng tình với các giải pháp nêu trên của lãnh đạo Bộ Tài chính. “Để triển khai giải pháp công nghệ cho khâu kê khai, nộp thuế, ngành thuế nên tính toán có thể sử dụng các dịch vụ công nghệ thông tin thuê ngoài; tránh tình trạng vung vãi bỏ tiền ra đầu tư, vừa lãng phí vừa không hiệu quả” - ông Tuấn lưu ý. Ngoài các giải pháp trên, ông Tuấn cho rằng muốn cải cách ngành thuế một cách căn bản, lãnh đạo Tổng cục Thuế có thể triển khai thêm giải pháp khuyến khích phát triển dịch vụ đại lý thuế, đồng thời tăng tính chuyên nghiệp của dịch vụ này. Bên cạnh đó nội bộ thuế cần tăng cường giám sát công tác thu thuế. |