Bộ trưởng: 'Đừng để sầu riêng đi vào vết xe đổ như vú sữa Lò Rèn'

(PLO)-  Hiện nay ở cửa khẩu đã có một số lô hàng sầu riêng đợi xuất khẩu sang Trung Quốc có dấu hiệu cạnh tranh không lành mạnh, gian dối.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 12-9, Bộ NN&PTNT tổ chức hội nghị triển khai xuất khẩu sầu riêng sang thị trường Trung Quốc.

Đừng để công sức của 4 năm đàm phán đổ sông đổ bể

Ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, cho biết sau 4 năm, Việt Nam và Trung Quốc đã ký nghị định thư về xuất khẩu sầu riêng sang thị trường Trung Quốc. Đến nay đã có 51 vùng trồng và 25 cơ sở đóng gói sầu riêng được Tổng cục Hải quan Trung Quốc cấp mã số xuất khẩu.

Hiện nay các vùng trồng đã được cấp mã số có diện tích vào khoảng 3.000 ha, sản lượng ước tính 68.000 tấn/năm.

Tuy nhiên theo đăng ký của các doanh nghiệp (DN), khối lượng dự kiến xuất khẩu đến nay đã lên tới con số rất lớn, khoảng 1,3 triệu tấn.

“Nếu không kiểm soát chặt chẽ, không tuân thủ đầy đủ các quy định của Nghị định thư sẽ dẫn đến tình trạng gian lận, không đảm bảo chất lượng hàng hoá, vi phạm các quy định xuất khẩu, gây nguy cơ mất thị trường và làm mất uy tín hàng hoá của Việt Nam trên thị trường quốc tế” - ông Trung nhấn mạnh.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan chủ trì hội nghị. Ảnh: AH

Bộ trưởng Lê Minh Hoan chủ trì hội nghị. Ảnh: AH

Thông tin cụ thể, bà Nguyễn Thị Thu Hương, Phó cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho hay hiện nay ở cửa khẩu đã có một số lô hàng có dấu hiệu cạnh tranh không lành mạnh, gian dối. Một số lô hàng này có vùng trồng chưa được uỷ quyền hoặc lấy mã vùng trồng ở những vùng chưa có quả.

"Nếu Trung Quốc phát hiện ra thì toàn bộ công sức của chúng ta những năm qua đều đổ sông đổ bể, nếu phải đàm phán lại thì còn khó khăn hơn gấp nhiều lần mới lấy lại được lòng tin” - bà Hương nói.

Trăn trở của Bộ trưởng Nông nghiệp

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh thông qua câu chuyện trái sầu riêng để nhìn lại toàn bộ chuỗi ngành hàng, để hình dung lại lợi thế và thách thức, xem còn có gì chưa thông suốt thời gian qua.

Bộ trưởng cho hay Việt Nam có những loại nông sản cũng có một thời gian rất huy hoàng, xuất khẩu rất tốt, đơn cử như vú sữa Lò Rèn của Tiền Giang.

“Loại vú sữa này chúng ta đã từng tự hào khi được xuất khẩu sang thị trường Mỹ, một thị trường rất khó tính. Thế nhưng bây giờ vú sữa Lò Rèn mất luôn rồi, giờ chỉ còn một vài cây để người nông dân kỷ niệm lại một thời của trái vú sữa lò Rèn. Tôi mong chúng ta không đi vào vết xe đổ này” - Bộ trưởng chia sẻ.

Tiếp tục phát biểu, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho hay: “Sáng nay, tôi nhận được thông tin từ một số DN ở Tây Nguyên bắt đầu nổi lên một số vấn đề, không phải vấn đề kỹ thuật, kiểm soát dịch hại mà còn nhiều vấn đề khác. Muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì đi cùng nhau”.

Bộ trưởng liên tục nhấn mạnh, đã mất 4 năm trời đàm phán để được xuất khẩu sầu riêng, hiện giờ người nông dân đang rất mong chờ doanh nghiệp, chưa gì đã thấy mạo danh, xâm phạm mã số vùng trồng ở nơi này nơi kia.

Nông dân huyện Krông Pắk trước thềm thu hoạch sầu riêng chính vụ. Ảnh: VLX

Nông dân huyện Krông Pắk trước thềm thu hoạch sầu riêng chính vụ. Ảnh: VLX

Tiếp tục chia sẻ, tư lệnh ngành nông nghiệp nói: “Thế giới đánh giá nền nông nghiệp chúng ta còn dễ dãi, trồng dễ dãi, nuôi dễ dãi, ăn dễ dãi, mua dễ dãi, bán dễ dãi, miễn sao được, lời nhiều không được thì lời ít, bán chợ sáng không được thì bán chợ chiều, xuất khẩu không được thì tấp xe nào đó vô lề đường gắn biển giải cứu nông sản, rồi thì nó cũng bán được… Đó là nền nông nghiệp không kiểm soát, nền nông nghiệp mù mờ”.

Và ông cho hay trách nhiệm của chúng ta là phải làm cho nền nông nghiệp không còn mù mờ nữa, bắt đầu từ câu chuyện trái sầu riêng. Minh bạch từ mã số vùng trồng, minh bạch từ chuỗi liên kết giữa DN và nông dân, kho bãi, cơ sở đóng gói ở đâu…

Bộ trưởng cho rằng hình ảnh trái sầu riêng không quan trọng bằng hình ảnh hệ sinh thái tạo ra trái sầu riêng đó.

Thời gian tới, để duy trì và tiếp tục nâng mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói sầu riêng chính ngạch sang Trung Quốc, Bộ NN&PTNT đề nghị Cục Bảo vệ thực vật và các Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật các tỉnh trồng và có cơ sở đóng gói sầu riêng tiếp tục hướng dẫn các vùng trồng và cơ sở đóng gói hoàn thiện hồ sơ đăng ký, khắc phục để gửi Tổng cục Hải quan Trung Quốc xem xét phê duyệt.

Tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông, đào tạo tập huấn, kiểm tra, giám sát để nâng cao năng lực, nhận thức của người dân trong việc tuân thủ, chuẩn hóa vùng trồng, cơ sở đóng gói.

Các đơn vị kiểm dịch thực vật kiểm soát chặt chẽ các mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói tại cửa khẩu đảm bảo các lô hang xuất khẩu tuân thủ đúng quy định của Trung Quốc….

Các DN xuất khẩu phối hợp với các cơ sở đóng gói, các vùng trồng đã được cấp mã số phải tuân thủ chặt chẽ các quy định của Trung Quốc, không chỉ khi được kiểm tra mà phải luôn duy trì việc đáp ứng về giám sát dư lượng, kiểm soát sinh vật gây hại trong suốt quá trình sản xuất.

Đặc biệt, các DN xuất khẩu thương mại không được gian lận mã số, sử dụng mã số khi chưa được phép, trộn hàng từ vùng không được cấp mã số dẫn đến mất uy tín của hàng sầu riêng Việt Nam, thậm chí mất thị trường.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm